"Trồng người" nơi cực Bắc - Kỳ cuối: Kiên định mục tiêu đổi mới
BHG - Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Các cấp, các ngành phải xem giáo dục là quốc sách, con đường đổi mới giáo dục sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng ta phải kiên định mục tiêu đổi mới.
Giờ học tin học của cô, trò Trường THCS Yên Biên, thành phố Hà Giang. |
Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, như: Cơ sở vật chất thiếu thốn; chất lượng giáo dục chưa đồng đều; tình trạng học sinh đi học không chuyên cần, bỏ học vẫn còn. Toàn ngành Giáo dục thiếu 1.830 giáo viên theo định mức để đáp ứng nhu cầu dạy học, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh, Tin học, Công nghệ để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; một số cơ sở giáo dục chưa được giao đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên theo định mức. Nơi sinh hoạt của học sinh các trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh theo học bán trú ở nhiều trường còn thiếu; nguồn nước sạch chủ yếu sử dụng nguồn nước tự nhiên; các công trình nhà bếp, vệ sinh hầu hết là công trình tạm. Công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh còn nhiều bất cập... “Khó, nhưng không thể không làm. Khó, càng phải làm mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh, ngành Giáo dục tiếp tục kiên định và triển khai các giải pháp tích cực, căn cơ, đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng GD&ĐT” - Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thế Bình khẳng định.
Cô và trò Trường Mầm non Sao Mai (thành phố Hà Giang) hoạt động ngoại khóa. |
Với phương châm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, năm học 2020 - 2021, huyện Quản Bạ tiếp tục triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Quản Bạ, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Các cơ sở giáo dục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số; tăng cường công tác khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục; duy trì và giữ vững kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi; xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. Tiếp tục thực hiện các mô hình giáo dục hiệu quả; phát huy tính chủ động, khả năng sáng tạo của học sinh.
Là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh, thành phố Hà Giang tập trung nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho sự nghiệp giáo dục. Đến nay, 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, trang bị đầy đủ máy tính, máy chiếu và kết nối internet phục vụ giảng dạy; các phần mềm quản lý, điều hành được triển khai hiệu quả. Thành phố tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua do các cấp và ngành phát động; phát triển quy mô trường, lớp học; quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ số lượng, đảm bảo chất lượng theo từng cấp học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở cả 3 cấp học và nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, nâng mức độ trường đạt chuẩn quốc gia.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra một trong 5 chương trình trọng tâm: “Tập trung phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao dân trí, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực. Ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho các trường đảm bảo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững,…” với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 60%. Cụ thể hóa mục tiêu nghị quyết, ngành Giáo dục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp: Thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT; triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới; rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các cấp học; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD&ĐT; đổi mới hình thức thi đua, khen thưởng; phối hợp chặt chẽ giữa phát triển GD&ĐT với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động của tỉnh và đáp ứng yêu cầu phát triển.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là con đường lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn xã hội; kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, chọn lọc, tiếp thu cách làm mới, hiệu quả, chúng ta kỳ vọng những “quả ngọt” của ngành Giáo dục sẽ góp phần quan trọng xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, hội nhập mạnh mẽ.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
[links()]
Ý kiến bạn đọc