Nhớ về một thời nhọc nhằn nghề giáo nơi non cao

09:31, 20/11/2020

BHG - Tôi còn nhớ chừng 20 năm trước, nhà văn Cao Xuân Thái, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang có bút ký Ngải đắng vùng cao được Đài tiếng nói Việt Nam phát trên chương trình Văn nghệ. Bút ký viết về cuộc sống của các cô giáo vùng cao Hà Giang trong những mùa đông khắc nghiệt, thiếu nước sinh hoạt, thiếu rau xanh đến nỗi phải sử dụng cả những cọng rau ngải dại để làm canh. Tất cả như lột tả về một nghề đầy gian khổ và nỗ lực bám trường, giữ học trò của các thầy cô giáo vùng cao. Làm nghề báo, cái duyên đã đưa tôi đến nhiều điểm trường gian khó các huyện vùng cao từ phía Bắc sang phía Tây của tỉnh, để thấy sự vất vả của một trong những nghề vất vả nhất – nghề giáo nơi non cao.

Một điểm trường trong mây ở xã biên giới Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ hơn 10 năm trước.
Một điểm trường trong mây ở xã biên giới Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ hơn 10 năm trước.

Gần 20 năm trước, chúng tôi có lần lên xóm Mùa Lài Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc giữa mùa đông lạnh. Xóm chỉ cách thị trấn Mèo Vạc khoảng 5km mà phải mất ngót buổi chiều mới tới, có đoạn leo núi đá chân người trước gần chạm đầu người phía sau. Ngày đông, đá núi một màu xám xịt tối mắt, đường khó khiến những cô giáo lặng lẽ  ở điểm trường này hàng ngày không thể đi xuống thị trấn đông vui với khoảng cách chỉ gần như một cái với tay xuống phía dưới. Chỉ mỗi cuối tuần hoặc khi có việc cần, các cô giáo ở điểm Mùa Lài Lủng mới leo bộ xuống thị trấn. Đường đi lên điểm trường đã như môn thể thao leo núi đá rồi, nhưng điều kiện sống ở trên xóm núi lại càng vất vả hơn khi không có điện, cực kỳ thiếu nước sinh hoạt... Những bữa cơm của các cô giáo chỉ có nồi canh lõng bõng vài cọng rau cải nương. Hồi đó, chúng tôi được biết, vì không có đủ nước sinh hoạt nên cuối tuần, các cô giáo mới xuống thị trấn để… tắm. Thấy chúng tôi, các cô giáo ở đây mừng lắm. Một anh cán bộ đi cùng đoàn nói với các cô giáo rằng vì không nghĩ đi vào đây nên anh em không mang theo đèn pin, mì chính và muối để tặng các cô giáo. Khi ấy, một cô giáo liền nói, không cần đâu, chỉ cần các anh lên đây là bọn em vui lắm rồi. Thì ra, ở những điểm trường non cao, thiếu đèn pin, mì chính là đương nhiên, nhưng thứ đơn giản mà các cô giáo mong muốn nữa là… có người nói chuyện.

 
Một điểm trường trong mây ở xã biên giới Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ hơn 10 năm trước.
Hình ảnh điểm trường Sủng Chớ, xã Sủng Cháng, Yên Minh trước và sau khi được đoàn từ thiện Hà Nội hỗ trợ xây dựng. Ảnh: Ánh Tuyết

Có lần khác, vào một ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi từ Đồng Văn về Yên Minh, gặp đường bị sạt, tắc đoạn xã Sà Phìn, xe chúng tôi phải đi qua một con đường tắt từ Đồng Văn qua xã Sủng Máng của Mèo Vạc để về Hà Giang. Đến một điểm trường của xã Sủng Máng nằm bên sườn đá ven đường, chúng tôi dừng nghỉ và lên thăm các cô giáo xem cuộc sống thế nào. Chưa kịp leo lên thì đã thấy có 2 cô giáo chạy ra hồ hởi nói, cả ngày hôm nay chúng em mới thấy có người… đi qua. Biết các cô cần mì chính, chúng tôi mang lên mấy gói, nhưng một cô liền xua đi và nói, chúng em không cần đâu, nhìn thấy cái xe u oát thế này là… mừng rồi, các anh ở lại đây ăn cơm với chúng em nhé.

Không thể kể hết những câu chuyện vất vả, nhọc nhằn và thầm lặng của các thầy, cô giáo vùng cao nhiều năm về trước. Trong những hành trình rong ruổi với nghề báo, chúng tôi được thấy rất nhiều điểm trường, những hình ảnh thầy cô giáo lặng lẽ với những con chữ vờn trong mây gió, trong những ngày đông rét đến thấu xương từ nơi vùng cao núi đá phía Bắc đến vùng núi đất phía Tây của Hà Giang. Tất cả như vẽ nên hình ảnh một trong những nghề nhọc nhằn nhất trên mảnh đất biên cương cực Bắc Tổ quốc. Không vất vả nhất sao được, bởi điều kiện KT – XH của Hà Giang lúc nào cũng thuộc diện khó khăn nhất cả nước, một tỉnh có 19 dân tộc sinh sống, nhận thức không đồng đều giữa các vùng. Đặc biệt nhất là địa hình núi cao, chia cắt cực mạnh khiến cho công tác giáo dục càng gian khó. Ở vùng cao Hà Giang, khi xây một điểm trường đã khó, kéo học sinh đến lớp lại càng khó hơn, rồi lại phải nỗ lực để giữ được các em ở lại học. Khi ngôn ngữ bất đồng, các thầy cô lại càng phải khổ luyện, kiên trì giúp học trò vùng cao học tiếng phổ thông và học chữ…

Hà Giang có 7 huyện vùng cao biên giới, tất cả đều là huyện nghèo. Còn lại 4 huyện vùng thấp thì đến ngay ở thành phố Hà Giang cũng có những điểm trường vùng cao mà ngày đông còn có mây bay vào chơi đùa với cô trò trong lớp học. Những gian khổ của thời kỳ lớp học nhà tranh, vách nứa, gió lùa đã đi vào thơ ca của biết bao thế hệ nhà giáo nơi vùng cao Hà Giang mấy chục năm qua.

Kể qua như vậy để thấy công tác giáo dục dưới vùng xuôi không thể so sánh được với vùng cao về độ nhọc nhằn. Vì thế, nhiều năm qua có những thầy, cô giáo vùng cao đã chia tay với nghề để về xuôi hoặc chuyển ngành. Và vì thế, lớp lớp thầy cô đã trụ lại với nghề, trụ lại với vùng cao hôm nay lại càng bản lĩnh và là những tấm gương sáng nơi non cao. Tại rất nhiều điểm trường, đã hình thành những cặp vợ chồng giáo viên, hoặc có rất nhiều cặp vợ chồng biên phòng - giáo viên, giáo viên - cán bộ xã… Đó chính là những điểm tựa giúp các thầy, cô giáo bám trụ và cống hiến với nghề dạy học ở vùng cao.

Cùng sự phát triển của cả nước, với những nỗ lực và quyết tâm đầu tư “điện, đường, trường, trạm” của Đảng và Nhà nước, trong khoảng 20 năm qua, cơ sở vật chất trường lớp, nhà lưu trú cho giáo viên, đặc biệt là ở vùng cao Hà Giang từng bước được xây dựng. Đồng thời, nhờ sự nỗ lực vận động của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh và những tấm lòng hảo tâm đồng cảm với vùng cao Hà Giang, đã góp sức để xây dựng rất nhiều ngôi trường, điểm trường và nhà lưu trú giáo viên. Có thể kể đến những tấm lòng  như chị Ánh Tuyết của đoàn từ thiện Hà Nội, gia đình cố giáo sư Văn Như Cương và nhiều cá nhân, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chung tay xây nhiều ngôi trường, ủng hộ tích cực cho sự nghiệp giáo dục Hà Giang.

Mặc dù đã được đầu tư nhiều, nhưng đến nay sự khó khăn về cơ sở vật chất vẫn còn ở nhiều nơi ở vùng cao. Thầy Phạm Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang mới đây trong một chuyến đi vùng cao Đồng Văn đã chia sẻ: “Xã Hố Quáng Phìn cách trung tâm huyện Đồng Văn khoảng 30km. Điều kiện thổ nhưỡng vẫn là đặc sản đá tai mèo, bù lại trên đường vào các thôn lác đác có những vạt hoa dại tuyệt đẹp. Nhưng trường lớp ở đây còn thiếu thốn nhiều, trường THCS chỉ có nguyên phòng học, chưa có các phòng học chức năng, trường tiểu học không có sân chơi. Điểm trường mầm non và tiểu học chỉ có cái nhà ọp ẹp, một vạt sân be bé cũng chẳng trồng được cây cối gì vì bên dưới toàn đá là đá. Còn gian nan lắm giáo dục vùng cao...”.

Thật mừng với sự quan tâm của tỉnh, của xã hội, ngành Giáo dục Hà Giang đang từng bước chuyển mình, phát triển, đặc biệt là sự phát triển về cơ sở vật chất trường lớp học. Nhưng những hình ảnh gian khó một thời giáo dục vùng non cao, biên giới, nơi có những mùa đông lạnh tê tái, và đặc biệt là hình ảnh những thầy cô giáo ở vùng cao vất vả, đầy lòng yêu nghề vẫn luôn là một ký ức thật đặc biệt của ngành Giáo dục và trong tâm trí nhiều người. Thật đáng mừng khi thời gian qua, tỉnh xét trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang, trong danh sách được trao tặng có rất nhiều các thầy cô giáo vùng cao như để vinh danh những nỗ lực, thanh xuân cống hiến của họ. Nhưng, hơn cả trong mỗi nhà giáo vùng cao luôn xứng đáng với một phần thưởng thực sự đặc biệt, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả những nghề cao quý”.

                                                                             Ghi chép: Huy Toán     


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các trường học kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

BHG - Chiều 19.11, Trường Chính trị tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 38 năm, ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2020). Tới dự có đồng chí Đặng Ái Xoan, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh. Cùng dự có nguyên lãnh đạo, cán bộ, giảng viên nhà trường và đại diện học viên.

20/11/2020
Cô giáo Quách Thị Thu Hường tấm gương tâm huyết với nghề

BHG - Cô Quách Thị Thu Hường, giáo viên Trường THCS Lê Lợi (thành phố Hà Giang) là một tấm gương tiêu biểu luôn nỗ lực phấn đấu, tâm huyết với nghề và hết mình cống hiến cho sự nghiệp "trồng người", được đồng nghiệp, học sinh tin yêu.

 

19/11/2020
"Trồng người" nơi cực Bắc - Kỳ 2: Nâng cao chất lượng giáo dục

BHG - Xác định giáo dục là quốc sách, là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng sự phát triển KT – XH, tỉnh đặc biệt quan tâm, đầu tư, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng GD&ĐT. Toàn tỉnh hiện có trên 820 cơ sở giáo dục, trong đó có 212 trường Mầm non, 173 trường Tiểu học, 154 trường THCS, 45 trường TH&THCS, 10 trường THCS&THPT, 22 trường THPT, 9 Trung tâm GDNN-GDTX huyện, 1 trường Trung cấp DTNT-GDTX Bắc Quang...

19/11/2020
Những điều ước không cho riêng mình

BHG - Tại buổi gặp mặt giữa các thầy, cô giáo dân tộc thiểu số tham dự Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mới đây; các thầy, cô bày tỏ mong ước các trường, điểm trường đều có điện, sóng điện thoại, học sinh được ăn trưa, đủ sách vở, có nhà vệ sinh hợp vệ sinh… để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".

19/11/2020