Cô giáo Nguyễn Thị Hương Trầm gương sáng tự học, tự sáng tạo
BHG - Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang có sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng trong ngành Giáo dục huyện Quản Bạ, với sự hưởng ứng tích cực của nhiều tập thể giáo viên và học sinh. Trong đó nổi bật là tấm gương sáng về tự học, tự sáng tạo của cô giáo Nguyễn Thị Hương Trầm, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS xã Quyết Tiến.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương Trầm trao đổi với học sinh ngoài giờ lên lớp. |
Cô Trầm quê gốc ở Thái Bình, năm 2000, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang, cô lên công tác tại trường PTDTBT THCS xã Quyết Tiến. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, chưa quen với cuộc sống vùng cao, không hiểu phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc là những khó khăn đối với một cô gái trẻ ở miền xuôi lên công tác như cô. Nhưng cô Trầm không hề nản lòng, ngược lại, cô càng thương các học trò nhỏ của mình và càng thêm yêu nghề. Việc gặp nhiều chông gai, thử thách càng tiếp thêm động lực, giúp cô truyền sức mạnh tới những cô, cậu học trò nhỏ bé.
Trong suốt 20 năm giảng dạy, nhờ kiến thức chuyên môn vững vàng, phương pháp giảng dạy lôi cuốn, cô khiến học sinh luôn cảm thấy đam mê, sáng tạo trong mỗi giờ học môn Văn. Mặc dù đạt nhiều giải giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh nhưng cô tự ý thức rằng phải luôn luôn học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Do đó, cô không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo các loại tài liệu, sách báo để nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Cô Trầm chia sẻ: “Dạy học là ước mơ từ nhỏ của tôi, vì vậy khi được đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức của mình cho học sinh là niềm vui của tôi. Đó là động lực để tôi không ngừng cố gắng hoàn thiện bản thân, trau dồi kiến thức để truyền dạy cho các em. Càng làm nghề lâu năm, tôi lại càng thấy thêm yêu nghề hơn và có tình cảm gắn bó với các học trò vùng cao”. Từ những ngày đầu nhen nhóm ước mơ dạy học, đến nay, cô đã gieo ước mơ cho bao thế hệ học trò. Với cô, niềm vui là được nhìn thấy các thế hệ học sinh ngày một trưởng thành.
Bên cạnh việc hoàn thành tốt công việc giảng dạy, cô Trầm còn làm tốt nhiệm vụ của Tổ Trưởng bộ môn Văn, cô luôn quan tâm giúp đỡ các đồng nghiệp trẻ mới vào nghề, từ việc thích nghi với hoàn cảnh môi trường mới đến nghiệp vụ, chuyên môn. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là từ những tấm gương đời thường, với những việc làm thiết thực, cụ thể như cô Trầm, để trở thành nguồn động viên, khích lệ cho mọi người có suy nghĩ đúng, có việc làm tốt, phấn đấu vì sự phát triển chung của cộng đồng.
Cô giáo Bùi Hồng Thúy, Hiệu phó Trường PTDTBT THCS Quyết Tiến, tự hào khi nói về giáo viên của mình: “Cô Nguyễn Thị Hương Trầm là giáo viên tâm huyết với nghề, hoạt bát, chịu khó tìm tòi, học hỏi để đổi mới sáng tạo trong dạy học. Cô Trầm là tấm gương tự học suốt đời, bằng những hành động gương mẫu đi đầu trong các công việc, cộng với tác phong sinh hoạt và lối sống giản dị, cô đã tạo được tình cảm yêu thương, gắn bó của đồng nghiệp, học sinh, sự tin tưởng của chi bộ, của phụ huynh học sinh”. Với lòng tận tâm trong sự nghiệp trồng người cô giáo Nguyễn Thị Hương Trầm đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục huyện Quản Bạ.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc