Cô giáo Lê Thị Bích Thùy tận tâm với nghề
BHG - Với tình yêu nghề, mến trẻ; cô giáo Lê Thị Bích Thùy đã vượt qua bao khó khăn, cách trở để gieo chữ cũng như thắp sáng ước mơ cho học sinh (HS) vùng cực Bắc của Tổ quốc. Ngày ngày, cô vẫn thầm lặng cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho HS trong hành trình đi tìm cái chữ trên mảnh đất Thuận Hòa (Vị Xuyên) nhiều khó khăn, vất vả ấy; để chắp cánh cho những hoài bão, nguyện ước của học trò được bay cao, bay xa đến với chân trời tri thức.
Cô giáo Lê Thị Bích Thùy vận động em Vừ Thị Xúa, thôn Khâu Mèng, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) trở lại lớp học. |
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang); nơi “Thung lũng ánh sáng” của cách mạng, cùng nhiều danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa. Từ bé, trong cô đã hình thành những đức tính chịu khó, ham học hỏi, khiêm tốn và bản tính có sẵn của người con gái xứ Tuyên. Đến với mảnh đất Hà Giang đã được 15 năm, từ lúc ra trường và được phân lên công tác tại tỉnh miền núi xa xôi; biết bao xúc cảm, bao sự phấn trấn mong chờ được nhìn thấy học trò thân yêu của mình. Trong lòng ngổn ngang những suy tư, tình cảm, không biết phải làm gì tốt nhất, hay nhất, thiết thực nhất để truyền tải hết những kinh nghiệm có được cho HS những kiến thức bổ ích nhất; để sau này làm hành trang cho các em vững bước tương lai. Để đem được cái chữ đến với HS nơi đây, cô Thùy đã phải hy sinh tuổi trẻ, đời sống tinh thần cũng như vượt qua bao khó khăn trở ngại trong cuộc sống để đồng hành với HS. Thuận Hòa là xã vùng 3 với nhiều khó khăn, chủ yếu là đồng bào Tày, Mông, Dao, Bố Y… Người dân nơi đây thật thà, hiền lành và luôn quý trọng các thầy, cô giáo. Cuộc sống tuy còn nhiều thiếu thốn về vật chất, có những nỗi khổ không được gọi thành tên,… đã khiến cô nung nấu quyết tâm mang chữ đến nơi đây là lòng nhiệt huyết với nghề; phải yêu thương từ đáy lòng mới vượt qua bao khó khăn, vất vả...
Cô giáo Lê Thị Bích Thùy, chia sẻ về những kỷ niệm từng gắn bó với nơi đây: Vì là trường nội trú, nên HS đa phần là dân tộc thiểu số; đường xá đi lại khó khăn, hầu hết HS tập trung về đây sống, học tập và rèn luyện chung dưới mái trường. Do vậy, tôi luôn cùng với tập thể các thầy, cô giáo trong trường luôn xác định: Mình vừa là người dạy văn hóa, đồng thời còn là người cha, người mẹ uốn nắn để hình thành nhân cách sống và chăm sóc cho các em từ bữa ăn, giấc ngủ. Từ đó, giúp các em có năng lực tự quản, chủ động trong học tập, lao động và chăm sóc bản thân. Tôi luôn có suy nghĩ, phải có tri thức mới thay đổi được cuộc sống đồng bào nơi đây; việc vận động HS đến trường cũng là một hành trang rất gian nan, nhiều thách thức. Đồng bào dân tộc thiểu số đa phần còn rất nghèo, kiến thức đơn giản. Giáo viên không chỉ đơn giản gõ cửa từng nhà là có thể vận động HS đi học được. Tôi phải tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào nơi đây, mày mò học thêm ngôn ngữ của đồng bào để cùng đồng cảm, hòa nhập. Nhiều lúc, để vận động HS tới trường, tôi phải băng rừng, lội suối đến từng nhà; có khi phải ngồi cả ngày nói chuyện bằng tiếng địa phương với phụ huynh và HS, chỉ mong các em tiếp tục tới trường, tới lớp để sau này có đủ kiến thức thay đổi cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo. Nhiều lần đến thăm HS, tôi thường mang theo những phần quà nhỏ nhưng ý nghĩa, như: Cây bút, quyển vở, chiếc Compa… Để tiếp thêm động lực cho HS. Cũng không phải vì các em không muốn tới trường, không muốn học chữ; nhưng vì nghèo đói nên các em phải theo cha, theo mẹ lên nương làm rẫy. Các em vốn là người dân tộc thiểu số, vốn tiếng Việt ít, ít được giao tiếp bên ngoài nên còn nhiều rụt rè, nhút nhát, thiếu thốn về dụng cụ học tập, quần áo…Tôi luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo để đưa ra các phương pháp giảng dạy dễ hiểu để giúp các em nắm chắc bài, giảm dần khoảng cách tư duy của học sinh miền núi và thành thị. Tôi luôn vận động, kết nối với các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội thực hiện các chuyến thiện nguyện về điểm trường để giúp đỡ các em. Tôi chọn nghề giáo viên do yêu nghề, được nhìn thấy các em tới trường mỗi ngày là món quà tinh thần lớn nhất của tôi, ai cũng chọn nơi đô thị phồn hoa thì nơi khó khăn hẻo lánh này ai sẽ mang kiến thức đến cho các em. Được nhìn những đôi mắt trong sáng, nụ cười hồn nhiên của các em chính là động lực tinh thần giúp tôi càng thêm yêu nghề hơn.
Em Bàn Thị Hinh, HS lớp 9C, Trường PTDTBT THCS Thuận Hòa, thổ lộ: Cô Thùy thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của con và các bạn để có những sẻ chia từ những điều thực tiễn của cuộc sống. Ngoài ra, cô còn dạy con và các bạn cách vệ sinh cá nhân, giữ gìn vệ sinh chung, dọp dẹp nhà cửa ngăn nắp, cách ăn mặc gọn gàng, cắt móng tay, gội đầu… Sự quan tâm mà cô dành cho con không thể diễn tả hết bằng lời. Ngoài những giờ trên lớp, cô còn dạy thêm cho con và các bạn ngoài giờ, cô hướng dẫn cách làm hay, dạy múa, dạy hát… Con và các bạn đi học xa hay nhớ nhà, cô luôn ở bên quan tâm, động viên như người mẹ thứ hai; có chuyện vui hay buồn chúng con đều kể lại cho cô nghe, muốn cô biết rằng sự yêu thương, quý trọng dành cho cô mãi đi bên chúng con suốt cuộc đời này. Con và các bạn đã tự hứa với nhau là phải cố gắng chăm ngoan, học giỏi hơn để không phụ lòng công ơn, sự quan tâm mà cô đã vun đắp, ươm mầm cho những ước mơ, khát vọng thay đổi cuộc sống nghèo khó, để có một tương lai tươi sáng hơn, làm được nhiều điều có ích cho nơi này.
Thầy giáo Nguyễn Trường Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Thuận Hòa, cho biết: Cô Lê Thị Bích Thùy có phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt huyết với nghề, hăng say với công việc, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; nhiều năm là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện. Trong công tác giảng dạy, cô có phương pháp truyền thụ kiến thức cho HS dễ hiểu. Ngoài ra, cô luôn gần gũi, quan tâm đến HS, thường xuyên hướng dẫn HS tham gia thi HS giỏi cấp huyện đạt giải cao. Trong phương pháp giảng dạy, cô Thùy luôn có nhiều sáng kiến, thường xuyên tham mưu cho Tổ chuyên môn và Ban Giám hiệu nhà trường,... các hoạt động, phong trào của trường cô đều tham gia sôi nổi, nhiệt tình và được HS quý mến, đồng nghiệp và phụ huynh HS tôn trọng. Cô Thùy thường xuyên tham gia tặng quà cho các gia đình chính sách, tặng quần áo cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Với tâm niệm “Nhà giáo là người kỹ sư tâm hồn, người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”, mỗi giáo viên trong trường luôn không ngừng học tập, trau dồi nghiệp vụ, chuyên môn và phẩm chất đạo đức của nhà giáo. Cô Thùy luôn hình thành cho mình đức tính khiêm nhường, tự học, tự sáng tạo để trở thành tấm gương sáng trong công tác dạy và học.
Bài, ảnh: Đức Ninh
Ý kiến bạn đọc