Kỳ vọng từ chương trình giáo dục phổ thông mới
BHG - Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được triển khai đối với khối lớp 1; sau đó tiếp tục thực hiện đối với từng khối lớp ở các bậc học. Việc triển khai đồng bộ chương trình GDPT mới kỳ vọng mang đến luồng sinh khí mới cho ngành Giáo dục; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.
Một tiết học của cô và trò lớp 1, Trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Hà Giang). Ảnh: BIỆN LUÂN |
Chương trình GDPT mới được triển khai thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh theo đúng kế hoạch và lộ trình quy định của Bộ GD&ĐT. So với chương trình giáo dục hiện hành, chương trình GDPT mới có nhiều điểm mới, ưu việt, như: Chương trình học được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng; chương trình phân biệt rõ hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 – lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 - lớp 12); chú ý đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học; trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục; tiết kiệm nhiều giờ học, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Về phương pháp giáo dục, phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều.
Để chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình GDPT mới, ngành Giáo dục phối hợp với các địa phương tập trung rà soát, sắp xếp lại các trường học, điểm trường; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vất chất; đầu tư trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày; ban hành các kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình; chú trọng tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học, những giáo viên được lựa chọn dạy chương trình GDPT mới là giáo viên có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm, nhiệt tình công tác; chỉ đạo các trường học lựa chọn sách giáo khoa, đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình GDPT mới để phụ huynh và người dân nắm bắt và cùng triển khai thực hiện; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình và kế hoạch đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên dạy các môn học đặc thù: Tin học, Tiếng Anh. Tiếp tục chỉ đạo đổi mới dạy học Tiếng Việt lớp 1; vận dụng những ưu điểm của mô hình trường tiểu học mới; phương pháp “Bàn tay nặn bột”; dạy học mĩ thuật theo phương pháp mới; triển khai các hoạt động sinh hoạt chuyên môn mới qua nghiên cứu bài học; xây dựng mô hình Thư viện thân thiện trong trường tiểu học; tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa và giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; duy trì học 2 buổi/ngày đối với cấp Tiểu học.
Trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Hà Giang) năm học này đón 195 học sinh vào lớp 1, ngay từ tháng 8, nhà trường đã phân công giáo viên giảng dạy khối lớp 1, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ do Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT và các nhà xuất bản tổ chức. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đầy đủ đáp ứng nhu cầu dạy học. Cô giáo Bùi Thị Út, giáo viên khối lớp 1, Trường Tiểu học Trần Phú, chia sẻ: “Chương trình GDPT mới có nhiều ưu điểm, trao quyền chủ động cho giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học nên chúng tôi phát huy được sự năng động, sáng tạo trong giảng dạy. Vì được tập huấn đầy đủ về Chương trình GDPT mới nên tất cả giáo viên khối lớp 1 của trường đều không bỡ ngỡ, bước vào năm học mới với tâm thế tự tin; hy vọng sẽ truyền thụ được nhiều kiến thức bổ ích cho học sinh, để mỗi ngày đến trường của các em đều là một ngày vui”.
Hiện, toàn tỉnh có 173 trường tiểu học độc lập; 45 trường TH&THCS với trên 4.490 lớp và trên 99.500 học sinh. Bên cạnh các điều kiện thuận lợi, việc thực hiện Chương trình GDPT mới còn gặp nhiều khó khăn: Mặc dù những năm qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả Đề án chuyển học sinh từ điểm trường về trường chính nhưng do điều kiện địa hình đồi núi phức tạp, toàn tỉnh hiện vẫn còn trên 890 điểm trường nên việc đầu tư cơ sở vật chất, bố trí giáo viên chuyên biệt dạy các môn học, như: Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục tại điểm trường theo Chương trình GDPT mới gặp khó khăn. Một số trường học ở vùng sâu, vùng xa, biên giới còn thiếu phòng học và các phòng học bộ môn chưa đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, Chương trình GDPT mới đòi hỏi phải bố trí tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp, nhưng hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đang thiếu giáo viên và việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương gặp khó khăn trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.
Để khắc phục khó khăn, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT: Trước mắt, các cơ sở giáo dục ưu tiên bố trí phòng học đảm bảo cho học sinh lớp 1, trong thời gian tới sẽ lồng ghép các nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng bổ sung các phòng học, phòng chức năng; mua sắm các trang thiết bị dạy học tối thiểu cho học sinh lớp 1 theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT; tiếp tục thực hiện sắp xếp, sáp nhập các trường học và đưa học sinh từ điểm trường về trường chính; đẩy mạnh xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia; luân chuyển giao viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
BIỆN LUÂN