Người lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc
BHG - Từ lòng đam mê, sự tâm huyết với văn hóa truyền thống và muốn lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình; Nghệ nhân Nguyễn Văn Bành (sinh 1964), thôn Nà Thài, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) vẫn ngày đêm hăng say làm đàn Tính, biên tập từng điệu múa, miệt mài truyền dạy lại cho lớp trẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Bành truyền dạy cách làm đàn Tính cho trẻ em trong thôn. |
Bước sang tuổi 57, dáng người nhỏ nhắn; hơn chục năm qua, ông Nguyễn Văn Bành luôn đau đáu suy nghĩ phải truyền lại cho các thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống. Từ khi còn nhỏ, ông được nghe tiếng đàn Tính trầm bổng, thân thiết như lời hát của người mẹ ru con. Ngày nay, ông đi nhiều nơi, đánh đàn tại những buổi giao lưu văn nghệ, dạy hát tại các trường học, truyền dạy cho thế trẻ từng điệu múa,… chỉ với mong muốn giữ lại được những nét truyền thống của người Tày.
Chiếc đàn Tính, câu hát Then đã gắn liền với cuộc sống của người Tày. Là lời mời gọi bạn của những tràng trai, cô gái mới mười tám, đôi mươi; mỗi khi có đám cưới linh đình, tiếng đàn, điệu hát lại rộn vang nhà trai, nhà gái mừng hạnh phúc cho cô dâu, chú rể; hay tiễn đưa một người về yên nghỉ với trời… Để lưu giữ được những giá trị văn hóa thiêng liêng ấy, Nghệ nhân Nguyễn Văn Bành đã ghi chép lại những câu hát Then cổ, hát Cọi, cách làm cây đàn Tính... Để làm được cây đàn Tính, người làm đàn không chỉ cần đôi tay khéo léo, mà còn phải thổi hồn vào từng cây gõ cũng như đặt hết tâm huyết của mình để mài dũa, kéo dây mới có thể hoàn thành được cây đàn hoàn chỉnh. Khi múa, hát phải nhập tâm, để bản thân mình phải là một phần của câu chuyện; khi cất tiếng hát lên, người nghe được cuốn theo lời của những câu hát trầm bổng.
Là người cùng đồng hành với ông trên con đường lưu giữ lại những nét dân gian, bà Nguyễn Thị Tra (sinh 1961) cũng say mê lời ca tiếng hát, điệu múa của quê hương. Bà là người viết ra những câu thơ, phổ nhạc thành bài hát, để các em nhỏ ngồi trên ghế nhà trường được nghe, được hát những câu hát truyền thống của người Tày. Để có sự lan tỏa, ông và bà đều tham gia vào Hội Văn học nghệ thuật xã Phương Tiến. Ông, bà và các thành viên trong Hội thường xuyên đi giao lưu văn nghệ tại nhiều nơi, truyền lửa lại cho thế hệ trẻ; với mong muốn giữ lại được nền văn hóa lâu đời mà ông cha ta truyền lại.
Em Hoàng Hà Tuấn Dương, học sinh lớp 6, Trường THCS – THPT xã Phương Tiến kể: “Mỗi khi thấy ông Bành làm đàn, em thích lắm, được nghe ông kể chuyện về các nghệ nhân và nghe ông đàn, hát. Mỗi khi rảnh rỗi em lại qua ông học để biết thêm nhiều hơn về cây đàn; giờ em đã biết hát, và có thêm nhiều bạn bè, lại học được nghi lễ truyền thống của chính dân tộc của mình”. Tại đây, chúng tôi được nhìn thấy các em nhỏ cùng nhau múa, ca hát, chơi đàn cũng như ngồi nghe những câu chuyện để hiểu thêm về cội nguồn văn hóa của dân tộc. Cùng với đó, ông Bành còn dăn dạy lớp trẻ ngày nay phải có trách nhiệm với văn hóa của dân tộc mình.
Ngày ngày, cùng với ông, những người lớn tuổi sinh sống tại xã Phương Tiến mỗi khi nông nhàn lại mặc chiếc áo dài truyền thống, ngồi trước hiên nhà sàn chơi đàn Tính, hát những câu hát Then, Cọi,… để tiếng hát, tiếng đàn được vang xa; giúp cuộc sống của bà con nơi đây có thêm nhiều tiếng cười, và để cho lớp trẻ thêm yêu bản sắc văn hóa của dân tộc.
Để lưu giữ, truyền dạy lại những bản sắc văn hóa dân tộc là cả một quá trình từ lựa chọn nội dung, phương thức truyền lại; những nghệ nhân dân gian xã Phương Tiến luôn phát huy hết khả năng và cống hiến hết mình để duy trì và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bài, ảnh: NGUYỄN NGÂN