Horacio Quiroga – Nhà văn lớn của núi rừng đại ngàn Nam Mỹ

16:20, 23/06/2020

BHG - Ở Mỹ Latinh khi nhắc đến một nhà văn lớn đã rời bỏ thành phố để đi sống cuộc đời của những người ở rừng, học hỏi ở họ để viết nên những câu chuyện về họ chẳng lẫn với ai, người ta nghĩ ngay tới HORACIO QUIROGA (1878 -1937). Ông là nhà thơ, nhà soan kịch, nhà viết tiểu thuyết, truyện ngắn danh tiếng, được dư luận rộng rãi coi là một trong những nhà văn lớn của tiếng nói Tây Ban Nha.

Sinh ra ở nước Cộng hòa Uruguay, nhưng khi lớn lên, Horacio Quiroga chọn một miền rừng núi nước Achentina làm nơi lập nghiệp. Ở đây, được “hòa mình vào thiên nhiên” – như lời ông tâm sự, và viết văn về con người và cảnh vật miền rừng.

Nhìn trên bản đồ châu Mỹ, hướng xuống phía Nam, sẽ gặp hai con sông lớn là Parana và Uruguay. Cả hai dòng sông này đều khởi nguồn từ nước Brazin. Ở những điểm khác nhau trên dòng chảy của mình, hai con sông trở thành biên giới giữa Brazin với các nước Uruguay, Paraguay, Achentina. Khi chảy sắp tới biển, sông Parana và sông Uruguay hợp lại thành Sông Bạc (Rio de Plata). Cửa sông Bạc rộng tới 230 km. Vì thế, người ta còn gọi cửa sông này là Biển Ngọt.

Dường như ba con sông (Parana, Uruguay và Sông Bạc) cũng yêu thương, đồng cảm  cùng nhau. Những hòn đảo do chúng tạo ra trong suốt dòng chảy của mình hao hao như những chị em sinh đôi. Chúng giống nhau về thực vật, động vật và cả những con người sinh sống ở đôi bờ các dòng sông. Dân cư của những vùng này có chung nhau phong tục, tập quán, lối nói năng cũng như cách tổ chức cuộc sống.

Theo những dòng sông đẹp như tranh của vùng Nam Mỹ, Horacio đã đi tới những miền đất lạ khi chưa đầy 30 tuổi. Nhà văn sống như anh em cùng những người dân địa phương cần cù lao động, có tâm hồn trong sáng như gương. Người ta không gọi nhà văn danh tiếng này là người Achentina hay người Uruguay mà nhận ông một cách thân tình là người sông Bạc.

Với tấm lòng đôn hậu, chân thành tha thiết, Horacio đã đến tìm hiểu tường tận về vùng sông Bạc. Khi cầm bút viết văn, ông không nghĩ đến việc bịa ra một câu chuyện nào mà chỉ ghi lại những gì mắt thấy tai nghe ở các triền sông. Trong chuyến đi tới vùng thượng lưu sông Parana, đến tỉnh Misionet của nước Achentina, Horacio đem lòng yêu mến miền rừng này, liền nẩy ra ý định chọn nơi đây làm chốn sinh cơ lập nghiệp. Cùng với vài người thân, ông tự tay cắt cỏ, đốn cây tạo thành một khoảng trống giữa rừng miền San Igonacio, rồi dựng lên một túp lều nhỏ để ở. Ông cần mẫn vỡ đất, trồng hoa màu, cây cối xung quanh nhà. Trong một lá thư gửi bạn, Horacio tâm sự rằng: Cho tới khi chết, tôi chỉ tưới cây và trồng trọt… hòa mình với thiên nhiên.

Vùng Misionet có nhiều điểm giống như nhiều vùng khác ở Achentina, Paraguay, Uruguay, Brazin… Ở đây, có những dòng sông chảy xiết, nước lũ ào ạt trong suốt mùa mưa. Những cánh rừng bạt ngàn quanh năm xanh tốt, rất thích hợp cho nhiều loại thú, chim muông, cỏ cây phát triển. Có không ít loài quý hiếm mà các nhà làm từ điển có thể chưa kịp ghi vào công trình của mình. Người dân sống ở đó phần đông là nghèo khổ, lam lũ. Lịch sử châu Mỹ thấm máu từ buổi người da trắng châu Âu tìm đến, tiến hành “khai hóa” để lấy vàng, bạc, hương liệu quý. Vào những thế kỷ sau này, chủ nghĩa tư bản đã len lỏi ảnh hưởng tới cả những vùng xa xôi hẻo lánh như Misionet. Người dân lao động vùng sông Bạc sống khốn khổ trong cảnh làm thuê cho các ông chủ đồn điền, chủ xưởng cưa, nhà buôn tầu thuyền …

Horacio chỉ viết về những người thực, việc thực, cảnh vật thật. Ông đã đem đến cho người dân ở thành phố và các miền xa những câu chuyện ngồn ngộn tư liệu sống, giầu chất thơ có địa chỉ rõ ràng. Người ta kể rằng, sau khi Horacio Quiroga qua đời, người con trai của ông tên là Daio đã tới thăm lại túp lều ở vùng Misionet bên dòng sông Parana. Dario chẳng gặp khó khăn nào trong việc tìm địa chỉ của những người mà anh từng gặp đến quen thuộc trong trang viết của cha mình. Tất cả họ đều còn rất nhớ nhà văn bằng tình cảm thân thương và tấm lòng bạn hữu. Đi theo những người bạn của cha, chàng thanh niên Dario được đến tận khúc quẹo của con sông, nơi cá sấu nuốt mất con chó săn dầy dạn kinh nghiệm săn mồi; thăm cánh rừng có hàng đàn châu chấu bay ngang; cả vạt rừng có chú cáo lạ làm mọi người sửng sốt…

Nhà văn vùng sông Bạc rất ham đọc sách, thần tượng các nhà văn Nga và Phương Tây, tự coi mình là học trò của Sêkhốp (nhà văn Nga) và Môpátxăng (nhà văn Pháp). Horacio Quiroga đặc biệt thành công trong thể văn kể chuyện. Riêng truyện ngắn mà ông để lại tới con số 100. Tác phẩm thường ngắn, đầy ắp sự kiện, nhiều chất nguyên sơ, huyền thoại, giầu sức tưởng tượng, thấm đượm tính nhân văn. Những tác phẩm văn xuôi chính của Horacio Quiroga: Truyện rừng, Lỗi lầm của kẻ khác, Dã thú, Loài trăn nước, Sa mạc, Những lá thư rừng, Những con thú đồng mưu, Con gà bị chặt đầu…

Horacio Quiroga là một trong số những nhà văn được xem là có ảnh hưởng lớn trong trường phái hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh mà Garcia Market là người đại diện tiêu biểu.

Năm 1937, Horacio Quiroga trở về Achentina rồi mất ở Buenos Aires bằng cái kết buồn khi ông tự sát.

Tiến sỹ ngữ-văn  CHU HUY SƠN


Cùng chuyên mục

Khánh thành giai đoạn I Khu nghỉ dưỡng H'Mông Village Quản Bạ

BHG - Sáng 21.6, tại xã Đông Hà (Quản Bạ), Công ty Cổ phần Thi công Cơ giới I Hà Giang tổ chức khánh thành Khu nghỉ dưỡng H'Mông Village thuộc Dự án Phục dựng, bảo tồn làng văn hoá dân tộc Mông – công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Quản Bạ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đến dự, khánh thành có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Huyện uỷ, UBND huyện Quản Bạ...

 

23/06/2020
Mê mẩn lạc bước trong thị trấn được xem là đẹp nhất thế giới

Với vẻ đẹp thần tiên như bước ra từ những câu chuyện cổ tích, thị trấn này được nhiều du khách mệnh danh là "hòn ngọc nước Áo" hay "xứ sở thần tiên". Hallstatt (Áo) là một thị trấn vô cùng nổi tiếng với vẻ đẹp kỳ ảo như trong cổ tích. Thị trấn này dựa lưng vào núi Dachstein, mặt ngoài hướng ra hồ Hallstättersee tạo nên khung cảnh non nước hữu tình thơ mộng. Đây cũng là một thị trấn nhỏ lâu đời nhất châu Âu. 

22/06/2020
Nhớ lần tác nghiệp ở đảo Trần, Trà Bản

BHG - Mỗi dịp tháng 6 về, những người làm báo trên mọi miền Tổ quốc lại xúc động, tự hào về nghiệp cầm bút. Gắn bó với nghề báo, chắc hẳn ai cũng sẽ có cho riêng mình một hành trang đó là những chuyến đi đầy ắp kỷ niệm. Những kỷ niệm ấy sẽ trở thành trải nghiệm đáng nhớ, để những phóng viên, nhà báo có thêm kinh nghiệm, vốn sống và sự hiểu biết.

 

20/06/2020
Phát huy tốt vai trò đội ngũ phóng viên cơ sở

BHG - Luôn có mặt "mọi lúc, mọi nơi, mọi ngõ ngách"… đó là đôi nét khái quát về công việc của đội ngũ phóng viên Báo Hà Giang, những người xông pha ở cơ sở để mang thông tin kịp thời đến độc giả.  Với đặc thù địa hình nên việc phân công nhiệm vụ công tác cho phóng viên của Báo Hà Giang cũng mang tính đặc thù riêng. Để đảm bảo công tác tuyên truyền, Ban Biên tập đã giao Phòng Phóng viên phân công phóng viên phụ trách theo địa bàn các huyện...

20/06/2020