Độc đáo mô hình dùng quẩy tấu đi chợ của phụ nữ Quang Bình
BHG - Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Quang Bình đã xây dựng nhiều mô hình mới, cách làm hay; giúp chị em thay đổi nhận thức trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường (MT) xanh, sạch, đẹp. Nổi bật là mô hình dùng quẩy tấu đi chợ, không những vừa thân thiện với MT mà còn góp phần phát huy nét văn hóa truyền thống bao đời nay của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Phụ nữ thôn Minh Sơn, xã Xuân Minh tham gia mô hình “Phụ nữ liên kết dùng quẩy tấu đi chợ”. |
Thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh là nơi đầu tiên triển khai thực hiện mô hình “Phụ nữ liên kết dùng quẩy tấu đi chợ”. Ngay sau khi phát động, chị em đều rất đồng tình ủng hộ, bởi chiếc quẩy tấu là vật dụng hữu ích gắn bó với cộng đồng dân tộc Pà Thẻn trong cuộc sống mưu sinh cũng như lao động hàng ngày. Không quá khó để bắt gặp hình ảnh những phụ nữ chân chất, mộc mạc đeo quẩy tấu đựng dụng cụ lao động mỗi lần lên nương hay chất đầy rau, quả khi xuống chợ… Giờ đây, chiếc quẩy tấu còn mang thêm ý nghĩa trong việc bảo vệ MT, hạn chế sử dụng túi nilon; một việc làm tuy nhỏ, nhưng hiệu đem lại quả lớn; nên chị em ai cũng cũng thích được tham gia.
Chị Hủng Thị Son, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tả Ngảo, cho biết: “Chi hội có 106 hội viên phụ nữ, nhiều năm trở lại đây, vào các ngày chợ phiên của xã, chị em thường vẫn giữ thói quen đeo quẩy tấu đi chợ mua, bán và trao đổi hàng hóa. Khi được tuyên truyền về tác hại của túi nilon, chị em hội viên lại càng có ý thức cũng như tinh thần trách nhiệm nhắc nhở mọi người cùng tham gia bảo vệ MT. Thay vì dùng túi nilon, chị em đi bán hàng tại chợ cũng thường dùng lá chuối, lá dong, lạt nứa để gói thực phẩm nên rất an toàn. Cũng nhờ vào phong trào này mà nhiều người trong thôn đã biết đan quẩy tấu bằng những vật liệu, như: Tre, nứa sẵn có ở địa phương”.
Ngoài mô hình xách túi đi chợ, Hội LHPN xã Xuân Minh còn học tập và nhân rộng mô hình “Tổ phụ nữ liên kết dùng quẩy tấu đi chợ”. Trong đó, Chi hội phụ nữ thôn Minh Sơn được lựa chọn làm điểm, vì là địa bàn nằm ở trung tâm xã, đông đúc dân cư, có chợ và các hoạt động kinh doanh, buôn bán diễn ra sôi động. Mô hình hiện có 20 thành viên, chị em tham gia phải cam kết đeo quẩy tấu đi chợ; đồng thời tích cực tuyên truyền cho chị em hội viên, người thân trong gia đình tránh lạm dụng túi nilon và nói không với rác thải nhựa. Túi nilon sau khi dùng không vứt bừa bãi ra đường, đồng ruộng, sông suối mà phải thu gom để xử lý, giảm thiểu ô nhiễm MT.
Chị Triệu Mùi Khé, Chủ tịch Hội LHPN xã, chia sẻ: “Từ thời xưa, ông bà, cha mẹ chúng tôi đã dùng quẩy tấu đi hái chè, thu hoạch ngô, lạc, đậu tương,... bản thân tôi cũng sử dụng và thấy rất tiện lợi. Bây giờ cải tiến hơn nhiều, người dân có thể dùng chiếc quẩy tấu bằng tre, nứa hoặc bằng nhựa,… nhưng chúng tôi khuyến khích hội viên tự đan quẩy tẩu để không bị mai một giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao. Có một điều cũng rất nhân văn là những chị em trong “Tổ phụ nữ liên kết dùng quẩy tấu đi chợ” còn nhiệt tình giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, khích lệ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, gắn thêm tình đoàn kết hội viên, xóm làng”.
Với sức lan tỏa rộng khắp, đến nay, các cấp Hội phụ nữ huyện Quang Bình đã “hiến kế” xây dựng hàng chục mô hình chung tay bảo vệ MT, như: Xách làn đi chợ, phụ nữ thu gom rác thải, đoạn đường phụ nữ tự quản,... góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt tiêu chí về MT trong xây dựng Nông thôn mới.
Bài, ảnh: MỘC LAN