Văn hóa – nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước

10:52, 09/04/2020

BHG - Có thể nói, văn hóa Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm, là sức mạnh diệu kỳ tạc vào lịch sử dân tộc trong sự nghiệp giành và gìn giữ nền độc lập. Ngày nay, tiến hành công cuộc đổi mới, một vấn đề lớn đặt ra là cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam; bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trên cơ sở xác định lý tưởng sống, năng lực trí tuệ, đạo đức xã hội. Đây cũng là vấn đề lớn mà đại hội Đảng các cấp cần quan tâm.

Các em học sinh Hà Giang trong trang phục truyền thống của dân tộc
Các em học sinh Hà Giang trong trang phục truyền thống của dân tộc

Cho đến nay trên thế giới, qua các thời đại đã có nhiều định nghĩa về văn hóa. Nhưng sát thực nhất, theo Hồ Chí Minh “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát sinh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(*). Đảng ta, trong “Đề cương văn hóa” (năm 1943) đã nhấn mạnh tính dân tộc, tính đại chúng, tính khoa học của văn hóa, đặc biệt trong Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5 (khóa VIII) đã nêu lên phương châm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiếp đến, Hội nghị T.Ư 9 (khóa XI) đề ra Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” khẳng định vị trí, tầm quan trọng chiến lược của sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Nghị quyết nêu rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị xã hội” và “phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”.

Trong nghiên cứu về văn hóa và quản lý văn hóa hiện nay đang chia văn hóa và di sản văn hóa thành hai bộ phận, đó là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, hay văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Thật ra, phân chia như vậy cũng là tương đối, trong thực tế không có sự rạch ròi giữa hai bộ phận mà vẫn có phần lồng ghép, giao thoa với nhau. Nếu nhìn theo một cách tiếp cận khác từ định nghĩa của Hồ Chí Minh, thì văn hóa là một hệ giá trị bao gồm mục đích sống, đạo đức sống, lối sống với sự phát triển và sáng tạo của con người. Và như vậy thì việc lãnh đạo, quản lý văn hóa không chỉ chăm lo những việc cụ thể, mà còn đòi hỏi phải có tư duy mới theo hướng khoa học, thực tiễn và rộng mở hơn, ví như trong hệ giá trị có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, nghĩa cộng đồng, lòng nhân ái… hay trong đạo đức, lối sống thì có hành vi sống, nhân cách sống, ứng xử trong cuộc sống…

Bởi vậy, để văn hóa thực sự là nguồn lực, điều quan trọng cần định hướng giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, hết sức chú ý đến công tác giáo dục văn hóa, tuyên truyền lối sống tích cực, lành mạnh. Dẫu đã có các nghị quyết và chủ trương của Đảng, nhưng phải nói rằng chúng ta vẫn thực hiện chưa đúng mức, chưa đồng bộ các hoạt động giáo dục và tuyên truyền nên giá trị và nền tảng đạo đức xã hội bị biến đổi theo chiều hướng không tốt, để cho nhiều xu hướng lối sống không lành mạnh lây lan vào đời sống văn hóa.

Cần phát huy vai trò tích cực của truyền thông đại chúng, nhất là định hướng dư luận trên mạng xã hội và truyền thông công nghệ cao. Truyền thông hiện đại và dư luận xã hội là những công cụ đặc biệt hữu hiệu trong việc gây ảnh hưởng, giáo dục, định hướng văn hóa. Vì là “con dao hai lưỡi”, nên nếu không được lãnh đạo quản lý tốt thì cũng rất dễ bị lợi dụng. Vì thế, công tác lãnh đạo, quản lý truyền thông để phù hợp với đặc điểm của tình hình mới cần phải được kết hợp thật chặt chẽ với lãnh đạo và quản lý văn hóa. 

Còn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy văn hóa cũng cần được quan tâm đúng mức. Theo Luật Di sản văn hóa, các điều ước quốc tế, các quy định và hướng dẫn của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) thì mỗi di sản văn hóa cần được nghiên cứu thật cẩn trọng, phân tích đánh giá từng bộ phận cấu thành, trên cơ sở đó xác định những thành tố nào, những giá trị nào cần được bảo tồn toàn vẹn, nguyên bản, thành tố nào, giá trị nào cần được bảo tồn theo nguyên tắc kế thừa hoặc phát triển. Hết sức chú ý đến vai trò của cộng đồng dân cư trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nhất là hiện nay ta đang tập trung xây dựng Nông thôn mới. Chỉ khi di sản được bảo tồn và phát huy giá trị đúng với chính nó thì di sản mới là di sản và cộng đồng địa phương chính là đối tương được hưởng thụ đầu tiên. Bởi vậy, cần hoàn thiện thể chế, nhất là hành lang pháp lý, nâng cao năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ và các cơ quan quản lý để tránh hiện tượng tùy tiện trong việc tôn tạo, trùng tu làm “méo mó” di sản. Hiện tượng này đã và đang xảy ra ở nhiều nơi cần được ngăn chặn kịp thời.

Vấn đề có tính thời sự và thời đại đó là việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam và tiếp thu giá trị văn hóa thế giới. Cần phải chủ động xây dựng hành trang hội nhập văn hóa dân tộc sao cho phù hợp. Xem đây là nội dung cốt lõi của công tác giáo dục truyền thống trong quá trình hội nhập quốc tế của lãnh đạo và quản lý văn hóa, thông tin truyền thông và của toàn xã hội. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có liên quan đến văn hóa, có yếu tố văn hóa trong yếu tố kinh tế, nhất là trong lĩnh vực giải trí, du lịch. Xem phát triển công nghiệp văn hóa là đặc sản, cũng là “chìa khóa” để chủ động hội nhập văn hóa nước nhà với quốc tế. Đất nước ta có tài nguyên văn hóa, di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng và đặc sắc, vì vậy cần phát triển nhanh công nghiệp văn hóa để các giá trị văn hóa của dân tộc trở thành một yếu tố quan trọng, tạo nên “sức mạnh mềm” và năng lực cạnh tranh chính từ văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mặt khác, quá trình hội nhập cần chú ý giữ gìn và phát huy tinh hoa nền văn hóa đa dạng và phong phú của các dân tộc Việt Nam với việc kết hợp và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Mục tiêu chung của sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, đó là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học thực sự là nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tính ưu việt của chế độ và bản sắc nhân văn của văn hóa Việt Nam được thể hiện và phát huy trong quá trình hội nhập quốc tế đã được minh chứng trước những vấn đề lớn, thời sự như là giữ gìn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chống thiên tai, dịch bệnh, như hiện nay chúng ta đang đương đầu với đại dịch Covid - 19 .v.v.. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội lực quan trọng của dân tộc đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bởi vậy, đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng cần hết sức quan tâm đưa nội dung văn hóa có vị trí xứng tầm trong các văn kiện của Đại hội, nhằm tăng cường sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh của dân tộc, là nguồn lực bền vững phát triển đất nước.

TS. Đặng Duy Báu

 (*) Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tr.431


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nguồn gốc và giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam từ bao đời nay đã hình thành trong tâm thức của mình: Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi; khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước.

31/03/2020
Trập trùng Cao Sán

BHG - Sau nhiều lần hẹn với lãnh đạo xã Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì), đầu tháng Ba vừa rồi, tôi mới thực hiện được dự định đặt chân đến Cao Sán, thôn khó khăn nhất của xã. Đường lên Cao Sán mùa này thật thơ mộng với bóng cây cổ thụ ven đường cùng những rặng tre mướt mắt và những loài hoa rừng đang khoe sắc, tỏa hương. Con đường đất dốc ngoằn ngoèo chỉ rộng chừng một sải tay như thử thách tay lái của chúng tôi... 

30/03/2020
Hùng An nỗ lực xây dựng xã đạt Đô thị loại V

BHG - Ngay sau khi hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), xã Hùng An (Bắc Quang) tiếp tục phấn đấu xây dựng xã trở thành đô thị loại V vào cuối năm 2020. Nhiều thuận lợi cũng như những nỗ lực vượt qua khó khăn mà Đảng bộ, nhân dân xã Hùng An đang quyết tâm phấn đấu để đạt được mục tiêu đề ra ngay từ những ngày đầu năm…

 

30/03/2020
Quản Bạ, nguồn lực xã hội hóa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

BHG - Với điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục còn khiêm tốn; vì vậy, trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quản Bạ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhằm tăng cường công tác xã hội hóa (XHH) và kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để xây dựng cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa trường, lớp học, cải tạo môi trường cảnh quan… Từ đó, góp phần quan trọng vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học.

 

30/03/2020