Măng đắng rừng

19:02, 21/03/2020

BHG - Khi hoa Vông, hoa Trẩu nở rực trên những ngọn đồi xanh quê tôi, cũng là lúc tiếng sấm đầu mùa nổ rền trời, măng Vầu xé đất nhú lên. Một mùa măng đắng nữa bắt đầu. Với người miền rừng, măng đắng là thứ của trời cho được chờ đợi trong năm.

Măng đắng được bà con bán tại chợ phiên.
Măng đắng được bà con bán tại chợ phiên.

Thường, cứ sau tết Nguyên đán một khoảng thời gian là có măng nhú mầm. Những người đợi cả năm để ăn củ măng đầu mùa bắt đầu lên rừng, lần theo vết đất nứt tìm bằng được củ măng đầu tiên về thưởng thức. Chắc chắn, trên đời này không có thứ gì mang vị đắng lại được người miền rừng chờ đợi như măng đắng. Đến mùa, măng được bày bán la liệt nhiều hơn bất kỳ loại rau nào, người mua cũng nhiều, măng chế thành các món xào, luộc chấm mẻ trong mâm cơm gia đình, măng cuốn bên các món sang trọng của bữa cỗ cưới, tân gia đủ thấy sức hút của thứ đồ rừng này.

Những đồi Vầu quê tôi xen lẫn với các loại cây khác. Từ xa khó mà nhận ra, chỉ đến khi lại gần mới thấy cây Vầu chi chít mọc trên núi. Là thứ cây thuộc họ tre, cây Vầu thường được người miền núi dùng làm dui, mè mái nhà sàn, đan lát các dụng cụ phục vụ đời sống hay chỉ đơn giản là vót đũa dùng trong bữa ăn và làm hàng rào quanh nhà, vườn. Thế nên, cây Vầu được người miền rừng chúng tôi quý nhất trong các loại cây họ tre. Mùa măng, mỗi gia đình đều phân một thành viên lên rừng canh măng không cho người khác hái trộm, trâu, bò ăn mất.

Mùa canh gác măng là một phần ký ức của đám trẻ miền rừng chúng tôi hồi những năm 1990. Thời kỳ giao đất rừng cho người dân quản lý, những đồi Vầu của các gia đình được giữ cẩn thận nhất là vào mùa măng mới mọc. Măng Vầu dải Tây Côn Lĩnh chủ yếu có vị đắng, mọc khi tiết trời ấm áp, cây cối đâm trồi nảy lộc. Khi những củ măng đầu tiên được phát hiện trên rừng, đồi của nhà, người lớn thường phân công đám trẻ con chúng tôi đi trông măng. Sau buổi học, từng tốp trẻ con gọi nhau leo dốc lên rừng để canh măng với sự háo hức đầy trách nhiệm. Trông măng là công việc thú vị nhất của đám trẻ miền núi chúng tôi, thú hơn chăn trâu, chăn vịt ngoài đồng. Chắc có lẽ bởi khi đó chúng tôi được tự do, được là kẻ đích thực àm chủ một cánh rừng trong thời gian mùa măng. Canh măng rừng là canh người hái trộm, trâu, bò cắn táp ngọn măng. Mùa măng mọc cũng là mùa thả rông trâu trên rừng, mùa này, những đám ruộng bậc thang trên đồi không canh tác nên trâu, bò không cần người chăn, sáng thả đi, chiều lên tìm về hoặc có khi để ngủ qua mấy đêm. Trâu là giống thích ăn củ măng mới nhú nhất, mùa Đông cỏ mọc ít không đủ cho chúng no bụng; một đàn trâu cỡ chục con tràn vào rừng Vầu thì củ lớn, củ nhỏ cũng bị chúng bẻ sạch. Sau trâu là bọ cánh cứng và bọ xít, bọn này đục thân hút nhựa măng rồi đẻ trứng sẽ làm măng bị thối dần, có phát triển thành cây Vầu sau này là loại cụt ngọn không dùng được việc gì. Bọn trẻ trông măng đa phần là con trai nên nghịch ngợm hết cỡ, mỗi đứa canh một cánh rừng của gia đình sẽ rất nhanh chán nên băng suối, vượt đồi tìm đến chơi với nhau. Trò chơi nghịch nhất của chúng tôi khi ấy là chơi đuổi bắt trên ngọn cây Vầu, một đám trẻ leo lên cây Vầu thắng đứng khi leo gần tới ngọn thì ngả từ cây này sang cây kia, cảm giác phiêu lưu và giống trong phim Chưởng. Trò này có cái hại là khiến cây vầu bị uốn cong dần không làm dui, mè được vậy nên khi người lớn phát hiện những “thủ phạm” làm cong cây đã cấm tiệt chúng tôi không được chơi như thế nữa.

Giờ đây, mùa trông măng đã trở thành ký ức, những rừng Vầu mọc nhiều hơn và người ta cũng ít phá măng, trộm măng của nhau. Mỗi mùa măng lại khơi lên trong lòng chúng tôi những kỷ niệm tuổi thơ gắn với hương vị đắng của những củ măng miền rừng.

Bài, ảnh: Trọng Toan


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững

BHG - Du lịch (DL) là ngành kinh tế mũi nhọn đã, đang chiếm vị trí quan trọng và đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của mỗi địa phương. Tuy nhiên, để phát triển thì DL cần gắn với bảo vệ môi trường (BVMT). Nếu phát triển hài hòa được 2 yếu tố này, sẽ tạo ra sức hấp dẫn lâu dài và sự bền vững của DL.

 

21/03/2020
55 năm – sức sống con đường Hạnh Phúc huyền thoại

BHG - Hơn 60 năm trước, từ thị xã, nay là thành phố Hà Giang lên đến Mèo Vạc chưa có đường đi như bây giờ. Khi đó chỉ có con đường mòn gập ghềnh giành cho người đi bộ và ngựa thồ hàng. Nhằm thúc đẩy phát triển KT – XH của Cao nguyên đá Đồng Văn, Trung ương và Khu uỷ Việt Bắc đã cho chủ trương mở đường Hà Giang - Đồng Văn, được gọi là đường Hạnh Phúc, Quốc lộ 4C.

20/03/2020
Ngày Quốc tế Hạnh phúc 2020: Liên Hợp quốc kêu gọi phòng, chống dịch Covid-19

BHG - Tháng 6.2012, tại cuộc họp phát động Ngày Hạnh phúc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc khi đó là ngài Ban Ki Moon đã thống nhất chính thức lấy ngày 20.3 hàng năm làm ngày Quốc tế Hạnh phúc. Theo các nhà khoa học, ngày 20.3 là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Theo đó, sự cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc. 

20/03/2020
Biểu tượng sáng ngời của tinh thần lao động kiên cường

BHG - Cách đây 5 năm, đúng ngày 20.3.2015, tỉnh ta long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc. Tham dự sự kiện quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: đường Hạnh phúc mãi mãi là niềm tự hào, biểu tưởng sáng ngời của tinh thần lao động kiên cường, ý chí sắt đá, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang và vùng Tây Bắc. Và hôm nay, 55 năm qua đi, con đường Hạnh phúc thực sự mang lại cuộc sống mới cho đồng bào vùng rẻo cao.

 

20/03/2020