Biểu tượng sáng ngời của tinh thần lao động kiên cường

10:23, 20/03/2020

BHG - Cách đây 5 năm, đúng ngày 20.3.2015, tỉnh ta long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc. Tham dự sự kiện quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: đường Hạnh phúc mãi mãi là niềm tự hào, biểu tượng sáng ngời của tinh thần lao động kiên cường, ý chí sắt đá, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang và vùng Tây Bắc. Và hôm nay, 55 năm qua đi, con đường Hạnh phúc thực sự mang lại cuộc sống mới cho đồng bào vùng rẻo cao.

Một cung đường Hạnh phúc hôm nay.                          Ảnh: TL
Một cung đường Hạnh phúc hôm nay. Ảnh: TL

Những ngày cuối Xuân, ai có dịp đặt chân đến Hà Giang, được đi trên dặm dài cung đường Hạnh phúc huyền thoại nối thành phố Hà Giang với các huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ ngỡ ngàng, ngẩn ngơ trong ngập tràn sắc đẹp mê hồn của hoa đào rừng, của màu trắng tinh khôi khi hoa mơ, hoa mận bung nở. Bên những hàng rào đá và nếp nhà trình tường mái ngói âm dương, hoa đào, hoa mận hòa quyện, tạo nên bức tranh thủy mặc, đẹp như mơ nhưng lại rất thật giữa đời thường. Khung cảnh càng thơ mộng hơn khi ta gặp đồng bào các dân tộc khoác trên mình bộ trang phục đẹp nhất đi chợ phiên; cuộc sống thanh bình, người dân vùng rẻo cao hiền hòa, giờ không chỉ có “cơm no, áo ấm” mà đang hướng tới mục tiêu “ăn ngon, mặc đẹp”… Thành quả đó đều bắt nguồn từ kỳ tích mở đường Hạnh phúc mà cha ông ta góp sức cách đây 55 năm.

Giờ đây, con đường Hạnh phúc đã khoác trên mình vẻ đẹp và sự hùng vĩ khiến mọi người luôn mong muốn được khám phá. Nhưng ít ai hình dung được sự vất vả của cha ông khi tham gia mở đường. Năm 1959 - 5 năm sau giải phóng Điện Biên Phủ, vùng Cao nguyên đá Đồng Văn vẫn chưa có đường ô tô, giao thông chủ yếu đi bộ hoặc bằng ngựa thồ, đời sống người dân còn nghèo nàn, lạc hậu. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của đồng bào rẻo cao, T.Ư Đảng, Khu tự trị Việt Bắc quyết định mở đường nối Hà Giang với 4 huyện vùng cao dài gần 200 km. Sau gần 7 tháng tích cực, khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất, ngày 10.9.1959, đường Hạnh phúc được khởi công. Trong quá trình mở đường, các thanh niên xung phong (TNXP), công nhân và dân công hỏa tuyến phải vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, thiếu thốn vật chất và 14 người đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Tiếp cận những dòng tư liệu ghi lại cuộc sống của cha ông khi mở đường Hạnh phúc: ăn có thiếu, đói vì mỗi ngày 7 lạng, ở nơi khí hậu lạnh, làm việc nặng, tiêu hóa nhanh, xin đề nghị cung cấp thêm một lạng là 8 lạng một ngày; ngô xay, hoặc sắn cũng được, cung cấp có thể cho 30% là độn thì tốt và không nên cung cấp nhiều gạo nếp, ăn được ít, không no; mặc một năm chỉ được may 1 bộ, chưa hết năm đã rách, xin cung cấp thêm cho mỗi công nhân 4 thước vải để anh chị em mặc mới đảm bảo sản xuất; xin đặc biệt quan tâm đến công trường, mỗi tháng nên có 1 lượt xem phim, bởi suốt từ tháng 10.1962 đến 19.3.1963 không có một tối xi - nê (chiếu phim) nào…; khổ cực, thiếu thốn nhưng không thể quật ngã ý chí, tinh thần quyết tâm mở đường, mang ánh sáng của Đảng, Bác Hồ đến vùng cao.

Tinh thần làm việc đó khiến đá núi cũng phải khuất phục. Đặc biệt, khi mở đường qua Mã Pì Lèng nối Đồng Văn với Mèo Vạc, từ tháng 9.1963, những TNXP của đội Cơ Dũng phải treo mình trên vách đá, dùng búa và xà beng mở lối vừa đủ đặt bàn chân rồi đục lỗ tra thuốc nổ, đặt mìn phá đá. Họ treo mình suốt 11 tháng trên vách đá Mã Pì Lèng. Mỗi ngày, trước khi leo lên vách núi, anh em đều đứng tuyên thệ; dù biết hy sinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Ban chỉ huy công trường tìm mọi cách để đảm bảo an toàn cho anh em. Vì vậy, hơn hai tấn dây thừng được bao phủ như mạng nhện trên vách đá, nhỡ có sảy chân còn bám víu được.

Sau 6 năm, đường Hạnh phúc với chiều dài gần 200 km xuyên địa hình hiểm trở của các huyện vùng Cao nguyên đá đã hoàn thành. Thành quả này là công sức, máu xương của hàng vạn TNXP, dân công và đồng bào các dân tộc khu Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái và các tỉnh Hải Hưng, Nam Định. Con đường hoàn thành đã khẳng định chủ trương đúng đắn của T.Ư Đảng, đồng thời ghi nhận công lao to lớn của nhân dân các dân tộc; là một kỳ tích, biểu tượng minh chứng cho sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc vùng xuôi với đồng bào dân tộc thiểu số rẻo cao Hà Giang. Đường Hạnh phúc đã rút ngắn khoảng cách giữa các huyện vùng cao phía Bắc với trung tâm tỉnh và miền xuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Giang phát triển KT-XH, bảo đảm AN-QP, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm kháng chiến chống Mỹ.

Còn nhớ, ngày kỷ niệm 50 năm hoàn thành con đường Hạnh phúc 20.3.2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và khẳng định: Năm tháng đã qua đi, nhưng đường Hạnh phúc mãi mãi là niềm tự hào, là biểu tưởng sáng ngời của tinh thần lao động kiên cường, ý chí sắt đá, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang và vùng Tây Bắc. Những bài học về sự đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, giữa miền núi với miền xuôi, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, sự phát huy, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tổng hợp trong quá trình xây dựng công trình vẫn còn nguyên giá trị.

Từ con đường huyền thoại mang tên Hạnh phúc, hệ thống giao thông huyết mạch của tỉnh không ngừng phát triển, từng bước hiện đại, kết nối Hà Giang với các vùng miền trong cả nước. Có đường, KT-XH của tỉnh không ngừng phát triển, đời sống đồng bào rẻo cao được nâng lên; kết thúc năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt gần 13,9 nghìn tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 28,1 triệu đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện đạt 11.645 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 2.205 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2018.

Những thành quả trên là hành trang, niềm tin vững chắc để tỉnh ta quyết tâm hoàn thành xuất sắc nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020 và phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 7%; thu ngân sách đạt 2.500 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 11 nghìn tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng; tỷ lệ hộ giảm nghèo 4,2%... trong năm 2020. Và bài học đại đoàn kết trong quá trình mở đường Hạnh phúc sẽ mãi mãi là kim chỉ nam soi đường để tỉnh ta tiếp tục vươn lên, gặt hái nhiều thành công trong quá trình hội nhập và phát triển.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những con đường mang lại hạnh phúc

BHG - Thời xa xưa, đồng bào miền núi nói chung, Hà Giang nói riêng chỉ có đường mòn dân sinh leo, trèo, lên, xuống đến với các bản, làng. Đồng bào gánh, gùi từng cân muối, chai dầu từ những nơi xa hàng trăm cây số bằng đôi chân cuốc bộ hàng mấy ngày đường. Các vật liệu nặng như xi măng, sắt, thép, chất lợp… khó có thể vận chuyển đến nơi ở. Vì thế, đồng bào vùng cao chỉ ở nhà cột gỗ, trình tường, lợp nhà bằng thân cây ngô hoặc vỏ cây Sa mộc, thắp đèn dầu, hoặc ánh lửa hồng của củi gỗ, thân ngô.

 

28/02/2020
Du lịch Hà Giang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19

BHG - Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan hùng vĩ, đặc biệt là Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, với nhiều điểm đến hấp dẫn. Đồng thời, đây cũng là nơi sinh sống của 19 dân tộc với những nét văn hóa, lễ hội độc đáo. Vì thế, Hà Giang trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất cả nước thời gian qua. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid - 19 xuất hiện, ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh đã phải chịu ảnh hưởng không nhỏ khi lượng khách sụt giảm.

 

28/02/2020
Học sinh THPT, sinh viên đi học trở lại từ ngày 2.3; học sinh Tiểu học, THCS tiếp tục nghỉ đến hết ngày 8.3

BHG - Ngày 28.2, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã ký Công văn số 505/UBND – VHXH về việc cho học sinh THPT, sinh viên đi học trở lại sau thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.

28/02/2020
Homestay - mô hình phát triển du lịch bền vững ở Hoàng Su Phì

BHG - Khách Du lịch nghỉ tại nhà dân (Homestay) là loại hình du lịch đã và đang phát triển rất mạnh mẽ ở Hoàng Su Phì. Kinh doanh loại hình du lịch này đã từng bước góp phần giảm nghèo cho người dân và bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái, giúp du lịch phát triển bền vững.

 

26/02/2020
Cách làm cv nhanh chóng tại VietnamWorks