Bảo tàng tỉnh - nơi lưu giữ quá khứ, nhắn gửi tương lai
BHG - Chắc hẳn, mỗi người sẽ có những cung bậc cảm xúc khác nhau khi trực tiếp chiêm ngưỡng các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh (BTT). Thông qua những hiện vật ấy, gợi nhắc cho mỗi thế hệ người xem về những giá trị lịch sử, văn hóa được hình thành trong dòng thời gian tại mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc.
Học sinh tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh. |
Hiện nay, nhà trưng bày hiện vật được BTT bố trí ở 2 tầng. Tham quan ở tầng 1, du khách sẽ được ngắm toàn cảnh Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn qua mô hình, còn trên thực tế thì đây là điểm nhấn du lịch nổi bật mà bất cứ ai cũng mong muốn được một lần khám phá. Cũng tại tầng 1, du khách sẽ tiếp tục được tham quan và trải nghiệm thực tế một số hoạt động lao động, sản xuất của người dân vùng cao như xay lúa, giã gạo, dệt vải… Lên tầng 2, du khách sẽ tiếp tục có được những cảm xúc mới. Tại đây, các hiện vật được trưng bày thành 4 phần, gồm: Phần 1 - Giới thiệu về mảnh đất, con người Hà Giang; Phần 2 - Hà Giang thời tiền sử; Phần 3 - Lịch sử chống ngoại xâm của quân và dân Hà Giang; Phần 4 - Thành tựu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của quân và dân tỉnh Hà Giang từ năm 1975 đến nay. Hiện tại, BTT đang quản lý và lưu giữ trên 13.000 hiện vật, tài liệu. Trong đó, có những tài liệu, hiện vật quý hiếm như: Trống đồng; công cụ đồ đá thời tiền sử; trang phục truyền thống của 13 dân tộc có lịch sử cộng cư lâu đời trên địa bàn tỉnh; đồ gốm thời Trần, Lê…
Cán bộ Bảo tàng tỉnh kiểm tra các hiện vật. |
Để tạo nên sự phong phú, đa dạng cho gian trưng bày, những năm qua, BTT tích cực triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh hiến tặng các hiện vật, tài liệu. Nhờ đó, đã có hàng trăm tài liệu, hiện vật được hiến tặng. Anh Nguyễn Minh Thưởng, Tổ 4, phường Trần Phú (thành phố Hà Giang) chia sẻ: Mặc dù bản thân là người đam mê và thích sưu tầm hiện vật xưa cũ; song, vừa qua, tôi đã hiến tặng cho BTT bộ sưu tập hiện vật từ thời bao cấp mà tôi có được. Qua đó, giúp người xem hiểu được một thời kỳ đầy gian khó nhưng cũng rất hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Còn ông Nguyễn Duy Hưng, du khách đến từ xã Tân Thành (Bắc Quang) xúc động: Tôi đã từng tham gia kháng chiến, nay được xem lại những vật dụng ngày xưa, gợi nhớ cho tôi về một thời kháng chiến oanh liệt. Đây sẽ là những minh chứng sống để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau…
Nhằm phục vụ nhu cầu của khách tham quan, BTT thường xuyên mở cửa chào đón du khách. Hàng năm phục vụ trên 16 nghìn du khách. Cùng với đó, đơn vị cũng thực hiện công tác trưng bày triển lãm theo các chuyên đề dựa theo các sự kiện chính trị của tỉnh. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, hiện nay, du khách đến với Hà Giang ngày càng nhiều, song, lượng khách đến tham quan bảo tàng còn hạn chế. Do vậy, nhằm tiếp tục thu hút nhiều du khách đến với BTT, Giám đốc BTT – Bùi Đức Tân cho biết: Thời gian tới, BTT dự kiến xây dựng và triển khai đồng bộ một số nội dung. Trong đó tập trung vào thay đổi nội dung và hình thức trình bày hiện vật đảm bảo tính khoa học và hiện đại. Tiếp đến là xây dựng dự án trưng bày ngoài trời, tái hiện một số hoạt động của đồng bào dân tộc, tạo không gian để du khách có thể trải nghiệm trực tiếp. Đồng thời, đưa một số trò chơi dân gian vào trong Bảo tàng nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, học tập và nghiên cứu của khách tham quan. Đặc biệt là thay đổi diện mạo của Bảo tàng nhằm tạo ấn tượng cho du khách ngay khi nhìn từ phía ngoài…
Để thực hiện tốt các nội dung trên, có không ít khó khăn cần tháo gỡ. Trước hết là khó khăn do hạn hẹp về kinh phí; nhiều hiện vật liên vũ khí nên mang tính nhạy cảm cao, liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành, dù đơn vị vận động sưu tầm được thì việc hoàn thiện hồ sơ nhập lưu kho còn nhiều vướng mắc... Bởi vậy, đơn vị mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan nhằm đưa BTT trở thành một điểm đến hấp dẫn, ý nghĩa và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với mỗi du khách... Giám đốc BTT Bùi Đức Tân chia sẻ.
Có thể khẳng định, BTT không chỉ là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là nơi để vui chơi, nghiên cứu học tập, thu hút và lưu giữ cảm xúc của du khách. Từ những hiện vật vô tri, vô giác nhưng lại giúp mỗi người Hà Giang hiểu sâu sắc hơn về Tổ tiên, cội nguồn của mình, để biết coi trọng giá trị truyền thống cũng như ý thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc