Du lịch Hà Giang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19
BHG - Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan hùng vĩ, đặc biệt là Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, với nhiều điểm đến hấp dẫn. Đồng thời, đây cũng là nơi sinh sống của 19 dân tộc với những nét văn hóa, lễ hội độc đáo. Vì thế, Hà Giang trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất cả nước thời gian qua. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid - 19 xuất hiện, ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh đã phải chịu ảnh hưởng không nhỏ khi lượng khách sụt giảm.
Cột mốc km 0 - điểm nghỉ chân ưa thích của khách du lịch. |
Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2019 lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 1,4 triệu người; trong đó khách quốc tế 225.131 lượt, khách nội địa 1.177.235 lượt; doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng. Chỉ riêng trong tháng 1.2020, Hà Giang đã đón 132.145 lượt người; doanh thu từ dịch vụ, du lịch ước đạt 140 tỷ đồng, tăng gần 52.000 lượt và tăng 68,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong những tháng tiếp theo, Hà Giang kỳ vọng những con số trên sẽ tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên đây là điều không dễ, nhất là trong thời điểm dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thanh Thủy tuyên truyền phòng, chống dịch Covid – 19 cho khách du lịch đến tham quan tại cửa khẩu. |
Có thể khẳng định, giờ đây nhờ sự hấp dẫn của cảnh quan, sự quan tâm, đầu tư thu hút du lịch của tỉnh, nên ở Hà Giang quanh năm là mùa du lịch với lượng khách luôn đông đảo. Khách du lịch thường đến Hà Giang đông nhất vào các mùa, như mùa hoa Tam giác mạch, mùa lúa chín, mùa hoa đào, hoa lê, hoa mận…. Trái ngược với cảnh đông đúc, náo nhiệt như mọi năm, thời điểm này không khí tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn lại khá trầm lắng. Không những khách quốc tế, mà khách trong nước cũng thưa thớt, bởi tâm lý e ngại đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, bến xe và cả các nhà hàng hay khu vực vui chơi giải trí để phòng tránh nguy cơ lây dịch Covid -19.
Cụ thể là từ sau Tết Nguyên đán, lượng khách du lịch đến tỉnh ta đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Cho dù đây là thời điểm vào mùa du lịch, song phần lớn chỉ là khách lẻ, còn số lượng khách đoàn thì giảm mạnh. Theo đó, trong tháng 2, lượng khách du lịch đến Hà Giang là 82.162 lượt người, doanh thu đạt 88 tỷ đồng, giảm gần 40% lượng khách so với tháng 1.2020.
Đặc biệt, dịch Covid - 19 đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch hoạt động kém hiệu quả, suy giảm nguồn thu. Theo ghi nhận, thời điểm này, nhiều nhà nghỉ, khách sạn tại thành phố Hà Giang trở nên vắng khách du lịch. Anh Nguyễn Đình Tạc, chủ Khách sạn Hà Giang 1 Hotel, có địa chỉ tại phường Minh Khai, TP Hà Giang cho biết: Kể từ khi có dịch Covid - 19, hoạt động kinh doanh của khách sạn gặp rất nhiều khó khăn. Cùng thời điểm này, năm ngoái các phòng luôn trong tình trạng kín khách, đa số là khách quốc tế; nhưng hiện tại, mỗi ngày khách sạn chỉ đón khoảng 2 lượt khách, có ngày không có khách nào.
Là hướng dẫn viên tour có kinh nghiệm, tham gia dẫn khách đến các điểm du lịch trong tỉnh, anh Lý Hồng Thiệp, thôn Nà Thác, xã Phương Độ, TP hà Giang, chia sẻ: Hàng năm sau Tết là mùa cao điểm du lịch, nếu như những năm trước, thời điểm này “cháy” hướng dẫn viên, thì bây giờ có tuần chúng tôi không nhận được tour nào; nhiều người đặt tour từ trước Tết Nguyên đán cũng hủy hết, thu nhập cũng giảm hẳn.
Để du lịch Hà Giang vượt qua ảnh hưởng của dịch bệnh, phục hồi và hướng đến mục tiêu tăng tốc trong thời gian tới, ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh ta đã đề ra một số giải pháp, như: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền sâu rộng và phát huy những giá trị văn hóa, nâng cao ý thức chất lượng dịch vụ du lịch cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch; chỉ đạo các cơ sở lưu trú, địa điểm du lịch tạo ra nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn; xây dựng sản phẩm du lịch mới, tập trung chất lượng các tua, tuyến du lịch; xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, tập trung thị trường khách nội địa; nâng cấp cơ sở hạ tầng, các điểm đến, các làng du lịch cộng đồng và các dịch vụ hỗ trợ có liên quan; ứng dụng công nghệ số triển khai cổng du lịch thông minh, tổng đài hỗ trợ du khách. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, để từng bước đưa ngành "công nghiệp không khói" trên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: Thanh Thủy
Ý kiến bạn đọc