Tết Đồng Văn

07:26, 26/01/2020

Xuân 2020 - Nơi cao nguyên đá kỳ vĩ và khoáng đạt, là quê cha đất tổ của hai dân tộc bản địa đã sinh sống hàng ngàn năm với số dân ít ỏi. Song các giá trị truyền thống ngàn năm nay vẫn bền bỉ chảy trong huyết quản của cộng đồng, tạo nên những nếp sống và nền văn hóa hết sức đặc thù và đa dạng. Đặc biệt là vào ngày Tết, mỗi dân tộc lại có một phong tục độc đáo và đôi khi… kỳ lạ. Những dịp được đón Xuân cùng bà con đã cho tôi những câu thơ thật đẹp: “Đường biên cương đường hoa đường mật. Khắc vào không gian một hình dung rất thực. Đường nào ngọt bền bằng lòng dạ biên cương”.

Nét Xuân.                                                                               Ảnh: TƯ LIỆU
Nét Xuân. Ảnh: TƯ LIỆU

Dưới chân Cột cờ Lũng Cú, hàng trăm năm nay, dân tộc Lô Lô luôn được coi là những người có công đầu khai phá vùng đất Đồng Văn. Với người Lô Lô thì từ khi khai thiên lập địa đã có trống đồng, vì vậy, trống đồng là biểu tượng của vũ trụ, của con người. Trống chỉ được dùng vào việc tế trời đất trong ngày Tết, cúng ma cho người chết và nhảy múa trong ngày lễ cúng tổ tiên vào tháng 7 âm lịch. Âm hưởng trầm vang của trống có ảnh hưởng rất lớn đến phong tục, tập quán và dân ca, dân vũ. Trong ngày Tết, người Lô Lô mới đem những chiếc trống cổ cùng những vũ điệu nguyên sơ ra để trình diễn như một phức điệu đẹp của núi rừng, của tấm lòng tôn kính tổ tiên và cùng cầu mong cho mọi gia đình hạnh phúc, mạnh khỏe.

Từ chiều 30 Tết, các gia đình Lô Lô đã niêm phong tất cả đồ đạc và dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật này được nghỉ. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái rựa, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại… đều được niêm phong, nhất định không ai được động vào trong ba ngày Tết.

Người Lô Lô có quan niệm vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, nếu có thể mang về nhà mình một chút phẩm vật cầu may thì năm đó gia đình sẽ hanh thông, thuận lợi, mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ. Chính vì lẽ đó mà khi gần tới khắc sang canh, một ai đó trong gia đình sẽ ra ngoài để “khù mi”, tức là “ăn trộm chơi” hay “ăn trộm lấy may”.  Vật được trộm không cần có giá trị lớn, cũng không lấy số lượng nhiều mà chủ yếu mang tính biểu tượng của tâm linh, gắn với đời sống nông nghiệp của đồng bào như củ tỏi, bắp ngô, thanh củi, bó rơm…

Người Lô Lô Chải có quy ước là sẽ lấy trộm 12 thứ tượng trưng cho 12 tháng, nếu không may bị phát hiện khi đang trộm vật phẩm thứ bao nhiêu, ứng với tháng nào thì năm mới sẽ tránh không làm việc lớn vào tháng đó. Họ cũng kiêng nhổ cây bị đứt gẫy nên nếu gặp phải cây có bộ rễ quá chắc thì họ sẽ bỏ đi tìm cây khác. Còn người Lô Lô đen và Lô Lô hoa thì quan niệm số 3 là số may mắn nên họ thường trộm mỗi thứ ba cái.

Cũng trên cao nguyên đá, dải đất Phố Là, Phố Bảng lại là quê hương của cộng đồng người Pu Péo với số dân ít ỏi chỉ hơn 600 người. Những căn nhà của người Pu Péo có nhiều điểm tương đồng với nhà trình tường của người Mông. Nhưng đường nét kiến trúc và cách bài trí của người Pu Péo khiến ngôi nhà có nhiều công năng hơn. Các cột đá kê dưới chân cửa thường được khắc hình con gà trống và mặt trời là biểu tượng cho âm dương tương hợp, là nguồn gốc của sự tăng trưởng và phồn thịnh của con người cùng vạn vật trong vũ trụ. Có lẽ cũng bởi quan niệm này nên vào lúc Giao thừa, người Pu Péo còn có tục “đón giọng gà” hay “cướp giọng gà” để cầu mong may mắn cho năm mới.

Khi chúng tôi đến Phố Là vừa lúc cụ Củng Diu Suyền – tính toán đã đến ngày 23 tháng Chạp, là ngày mời tổ tiên về ăn Tết. Vì thế, cụ rủ chúng tôi cùng lên rừng lấy cây “suy sáng phù” để treo trước cửa nhà. Đây là một loại cỏ thơm, có thể dùng để chữa chướng bụng. Treo như vậy với mục đích chống tà ma, ngoài tổ tiên của gia đình ra thì những linh hồn lạ hoặc ma quỷ không thể vào nhà.

Cụ Suyền kể, sắp sang năm mới, nhà nào nhà nấy phải cắt cử người canh chừng đám gà trống của nhà mình. Tới giao thừa, thì khua gậy vào chuồng để lũ gà giật mình táo tác gáy. Chỉ chờ có thế, cả bản nhà nọ tiếp nhà kia nối giọng hát vang bài hát mừng năm mới để át tiếng gáy của gà. Vì quan niệm tiếng gà đánh thức ông mặt trời, để vạn vật âm dương giao hòa nên ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Sau đó, là lễ cúng mừng năm mới với lễ vật là “mí uột lìn” – bánh chưng trắng mừng năm mới đối với “mí uột lặng” bánh chưng đen được ăn vào tối 29 Tết để kết thúc năm cũ. Sáng mùng 1, những chàng trai, cô gái Pu Péo trong những bộ đồ đẹp nhất sẽ cùng nhau ra suối gánh “nước vàng, nước bạc”. Họ đốt hương cầu nguyện trước khi lấy nước, rồi rải một lớp giấy vàng, 1 lớp giấy bạc vào hai thùng để gánh về. Có lẽ quan niệm của họ là luôn trân quý những gì mà thiên nhiên ban tặng nên rừng và nguồn nước của người Pu Péo được giữ gìn, bảo vệ rất tốt.

 Câu chuyện kể vừa dứt cũng là lúc bữa cơm ngày cuối năm lên mâm dưới đôi tay khéo của vợ Trưởng thôn Củng Phú Xuẩn đã được bày. “Mừng mùa lúa mới, mừng con cháu về đây sum họp, chào anh em, đồng chí hôm nay về đây mừng cho gia đình năm nay nhiều vận may. Mời nâng chén rượu này để cùng nhau gắn bó, đoàn kết…”. Bài dân ca được Bí thư Cháng Mí Hồ hát trong bữa cơm khiến không gian thêm ấm áp, tình quân dân ngày càng bền chặt, cho biên cương no ấm, vững vàng…

Nhà thơ Phạm Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mái trường tuổi 50

Xuân 2020 - Tiền thân là Trường Trung học Sư phạm 7+3 đào tạo nhanh giáo viên cho các huyện vùng cao, vùng sâu từ những năm 60 của thế kỷ trước, trong 50 năm qua, các thế hệ nhà giáo Trường Cao đẳng sư phạm (CĐSP) Hà Giang đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đào tạo gần 20.500 sinh viên, cung cấp nguồn giáo viên cho tỉnh nhà.

 

25/01/2020
Ký ức "bể nước đường"

Xuân 2020 - Mùa khô năm 1999, tôi được Báo Hà Giang cử lên 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh để nắm tình hình, viết bài về thực trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra hết sức gay gắt nơi đây. Tôi đi khảo sát thực tế ở một số thôn, xã của các huyện...

25/01/2020
Vườn Xuân của mẹ

Xuân 2020 - Khu vườn nhà tôi có từ lâu rồi, tự thuở nhà tôi còn mái tranh, vách đất. Trong những năm còn đói ăn, thiếu mặc, khu vườn trở thành cứu cánh cho gia đình tôi với 6 miệng ăn, đặc biệt là những lúc giáp hạt đói kém. Cơm thì dăm bữa, nửa tháng mới được ăn, nhưng rau thì bữa nào cũng có. Ăn rau nhiều đến xanh cả ruột. Nhưng nhờ rau vườn nhà mà chúng tôi vượt qua cái đói để lớn khôn.

 

25/01/2020
Nhớ về Tết tuổi thơ

Xuân 2020 - Mấy hôm nay, cái rét cuối Đông, cái màu trời đùng đục lúc sáng, lúc tối, cái khô hanh của thời tiết chuyển mùa lại nhắc nhớ tôi. Năm cũ sắp qua năm mới sắp đến. Tết sắp đến, Xuân sắp về. Miên man cùng với đứa cháu nhỏ về Tết có gì hay, bỗng kỷ niệm về những cái Tết tuổi thơ của mình ùa về như một thước phim. Những cái Tết không thể nào quên của thời thơ ấu.

 

25/01/2020