Nhớ về Tết tuổi thơ

21:24, 25/01/2020

Xuân 2020 - Mấy hôm nay, cái rét cuối Đông, cái màu trời đùng đục lúc sáng, lúc tối, cái khô hanh của thời tiết chuyển mùa lại nhắc nhớ tôi. Năm cũ sắp qua năm mới sắp đến. Tết sắp đến, Xuân sắp về. Miên man cùng với đứa cháu nhỏ về Tết có gì hay, bỗng kỷ niệm về những cái Tết tuổi thơ của mình ùa về như một thước phim. Những cái Tết không thể nào quên của thời thơ ấu.

Đánh Pam, một trò chơi dân gian.                           Ảnh: MINH TY (Vị Xuyên)
Đánh Pam, một trò chơi dân gian. Ảnh: MINH TY (Vị Xuyên)

So với bây giờ, Tết ngày xưa rét lắm, rét cóng chân tay, gió rét từng cơn buốt thấu da thịt; nhưng cũng là những ngày trẻ con háo hức, bất chấp thời tiết được xem người lớn mổ lợn, mổ gà… làm các món ăn Tết cổ truyền. Cái ao nhà mọi ngày trong veo nhìn thấy từng đàn cá lượn, vậy mà sau buổi các anh và bố mổ lợn nó trở nên như cái gương sùi loang loáng váng mỡ… Bọn trẻ luôn bị xua đuổi vì làm vướng chân họ. Bố, mẹ, các anh giao việc cho bọn trẻ: Hái, rửa rau thơm, đào riềng, ôm củi lên nhà… Những việc chẳng thích tý nào. Sau bữa trưa 30 Tết, có thịt, có xôi bọn trẻ chúng tôi ăn no nê, bữa cơm toàn thịt là thịt, không có tý rau nào, chẳng bù cho ngày thường rau đầy mâm, nhìn mà ngán. Ăn cơm xong, bố và anh giao nhiệm vụ tất cả bọn trẻ, trừ con gái phải ngủ trưa, không được đi chơi để… tối còn thức trực đêm Giao thừa. Quan trọng, thiêng liêng vậy nên đứa nào cũng ngủ ngon lành. Chừng hai giờ chiều thì được gọi dậy và cuộc nhớ đời nhất bắt đầu đó là “gọt đầu” và tắm. Ôi nhớ đời! Xin được tiết lộ thêm, nhà tôi lúc đó có bốn thế hệ cùng chung sống. Bọn trẻ trong gia đình tôi lúc đó cả chú và cháu là năm “vị” đều thuộc vào diện “gọt đầu”. Đã nói là ngày xưa trời rét hơn bây giờ, càng gần Tết càng rét, càng lạnh buốt, tái tê. Bọn trẻ chúng tôi quần áo phong phanh, vá lung tung. Tôi có cái áo nịt (áo sợi) mặc suốt mấy mùa, mải mò cua, bắt ốc, ống tay cụt đến tận nách… Do vậy càng lạnh càng lười tắm. Mùa Hè thì tắm suốt ngày như vịt, mùa Đông thì gần như chỉ lau nước ấm qua loa. Đi học, đi chơi, đi chăn trâu về chỉ đưa chân khoắng đảo vào thùng nước lần qua loa là chạy ào lên nhà sàn, tranh nhau ngồi bếp lửa sưởi; rửa mặt cũng là gò má, xuống cằm, hai bên mang tai hầu như bất khả xâm phạm vì động vào đó nó buốt, lạnh… nên cứ kệ nó. Vậy nên chân két bùn mịn, trời khô hanh, nhúng nước lạnh, sưởi lửa, nứt nẻ bật máu. Cổ và tai thì đọng khịt một vệt như râu quai nón. Có đứa gái lớn hơn nhà bên chọc bọn tôi theo kiểu ví von: “Nhà bên ấy có mấy cái nương mà chưa thấy gieo hạt rau cải nhỉ”. Bọn tôi biết là nó nói gì, nói ai, bọn tôi kệ. Còn cái đầu thì khỏi phải nói: Bù xù, tóc chùm tai, mai nhọn hoắt, khét lẹt… Cái giống “gọt đầu” cũng có cái hay. Một lần gọt được lâu lắm. Một năm chỉ phải gọt vài lần; lần giáp Tết là dài nhất. Vâng: Chiều 30 Tết là xong tất cả, đổi thay chóng vánh…

Bên cây đào mùa Xuân.                    Ảnh: VI VĂN MÔN
Bên cây đào mùa Xuân. Ảnh: VI VĂN MÔN

Một nồi nước được đun với bồ coỏng (một loại giống bồ kết mọc trên rừng quê tôi), bên cạnh nồi bánh chưng cùng sôi sùng sục. Từng vị một lần lượt nhúng cái đầu vào các chậu nước bồ coỏng ấm nóng đã được múc ra, khoảng chừng mười lăm đến hai mươi phút sau đó cuộc gọt đầu bắt đầu. Chao ôi, tiếng con dao bài xoàn xoạt bắt đầu từ đỉnh đầu. Lưỡi dao đưa đến đâu là biết đến đó. Chỗ nước bồ coỏng ngấm, gét bở thì rất sướng. Còn chỗ “mùn dầy”, chưa bở thì đau, rụt cổ, lưỡi dao lại cứ nhắm chỗ đó đưa đi, đưa lại lâu hơn, không chịu nổi liền bật khóc. Đã đau thì chớ, lúc ấy bao nhiêu tội ăn, ở bẩn, lười tắm gội bắt đầu dội lên cái đầu tội nghiệp. Người cầm dao lại lấy nước sấp ướt khăn tưới vào chỗ đó, nước bồ coỏng chát sít, chảy vào mắt cay sè; lại thêm một cái khăn đắp vào mặt, mắt nhắm tít lại. Phải đến gần một tiếng đồng hồ mới xong được một cái đầu. Trước khi gọt đầu phải ngủ trưa là vì thế, khăn che mặt lâu dễ buồn ngủ gật, lưỡi dao có thể cứa vào da đầu. Gọt đầu xong chúng tôi thở phào, tắm nước ấm, tiếng cười râm ran, tíu tít… vì lâu lắm mới được thấy da thật của mình và thằng khác. Lúc ấy chúng tôi như được “lột xác”, tất cả đều sạch sẽ, cảm giác chuẩn bị bước sang năm mới thật rõ ràng, thiêng liêng, khác hẳn với những lần gọt đầu và tắm trong năm. Giờ chỉ mong đến lúc được mặc áo mới.

Quần áo mới của chúng tôi lúc đó cũng là chuyện đáng nhớ. Có năm là bộ quần áo may sẵn mà bố, mẹ phải mua tận chợ Châu (Lục Yên – Yên Bái), (chợ này đã nằm dưới lòng hồ thủy điện Thác Bà khi thủy điện được xây dựng); có năm là bộ quần áo do mẹ khâu lấy từ chất liệu vải tự dệt và nhuộm chàm xanh đen; hoặc vải mua ở cửa hàng Kinh tiêu của xã, chủ yếu là vải phin hoặc chéo. Những bộ quần áo như thế được mẹ chuẩn bị không biết từ lúc nào. Đúng đêm 30 Tết, trước khi đi ngủ, mẹ, chị gọi từng “vị” đến trao bộ quần áo mới tinh trong Níp (vali mây, nứa đựng quần áo, chăn và đồ trang sức quý của dân tộc Tày quê tôi). Mùi thơm áo mới, mũ mới, trước thời khắc Giao thừa thật khác lạ. Chẳng ai bảo ai, mặc quần áo xong đều muốn ngồi vào lòng mẹ cảm ơn. Mẹ vuốt quần áo cho từng đứa, hỏi có vừa không, vuốt cái đầu được gọt trắng hếu vừa nựng các con vừa căn dặn phải giữ quần áo cho sạch trong mấy ngày Tết. Ông nội gọi từng đứa đến cho mấy hào tiền, thường là 5 hào để làm vốn. Lúc này, bố là người mà chúng tôi mong đợi và háo hức nhất, đó là chia pháo Tết. Thời đó, mỗi nhà được mua một bánh pháo loại 120 quả, có 4 pháo đùng. Bố thận trọng lần giở từng lớp giấy bọc, gỡ từng quả chia cho mỗi đứa 10 quả. Đến đây thì việc đón Tết của lũ trẻ chúng tôi như hoàn tất, chỉ còn đợi đến tiếng gà trống chuồng nhà đập cánh, gáy cả nhà vùng dậy đón Giao thừa.

Giao thừa đến, con gà trống chuồng đập mạnh cánh gáy vang, bố tôi cầm khẩu súng hỏa mai xuống sàn đầu nhà bắn lên không trung một phát súng. Sau đó châm một nửa bánh pháo… Tiếng pháo râm ran trong bản cùng tiếng gà gáy. Bọn tôi lụi hụi thắp đóm soi chỗ đốt pháo xem còn quả nào đứt ngòi chưa nổ thì nhặt lấy bổ sung vào “kho” pháo của mình. Ngủ một mạch đã đến bữa trưa ngày mồng Một, lại được ăn thịt, bánh ngon… Bố mẹ luôn dặn phải giữ gìn quần áo thật sạch, không được dính bẩn để lát nữa đi Tết ông bà ngoại.

Đi Tết ông bà ngoại đối với tôi hồi ấy vừa thích lại vừa không thích. Thích vì được ông, bà ngoại khen, yêu, hỏi han nhiều thứ mà bố mẹ ít quan tâm, có thêm tiền ông bà ngoại mừng tuổi và có thể cái “kho pháo” của mình thêm được vài quả chăng. Không thích vì đường xa, rét buốt cả bàn chân, không cẩn thận bị vấp thì đau và đặc biệt là sau khi đặt lễ cúng xong lại ngồi ăn cơm; bố mẹ ngồi cùng các cậu, các dì, các chú cùng đến chúc Tết ông bà ngoại, chúc rượu nhau mãi không về. Túi đã có thêm tiền, thêm pháo rồi mà chưa ai biết. Mấy thằng hàng xóm có ai bằng mình không… Năm nào cũng vậy, khi được ông bà ngoại gọi đến sờ nắn một lúc, hôn vào má cho về là lúc tôi thấy cái Tết thật hoàn hảo.

Tết quê tôi kéo dài từ mồng Một đến Rằm tháng Giêng. Sau ngày mồng Một, chúng tôi xoay với mấy quả pháo, ở bãi đánh khăng. Quần áo lại bắt đầu trở về cùng tuổi nghịch ngợm. Tết là vậy. Hình như bọn trẻ không có mùa Xuân, mùa Xuân là của người lớn. Chúng tôi lớn lên với những cái Tết như vậy trong vòng tay che chở của ông bà, cha mẹ, anh chị, trong sự vô tư, trong sáng của trẻ thơ… Cuộc đời trải qua đã mấy chục cái Tết buồn, vui… nhưng Tết thời ấu thơ vẫn luôn là một phần ký ức khó phai mờ, là một phần tạo nên nguồn năng lượng của mỗi người.

HOÀNG KIỆM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thành phố Hà Giang tổ chức Chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân

BHG - Tối 30 Tết, tại Quảng trường 26.3, UBND thành phố Hà Giang tổ chức Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 2020)...

25/01/2020
Mái trường tuổi 50

Xuân 2020 - Tiền thân là Trường Trung học Sư phạm 7+3 đào tạo nhanh giáo viên cho các huyện vùng cao, vùng sâu từ những năm 60 của thế kỷ trước, trong 50 năm qua, các thế hệ nhà giáo Trường Cao đẳng sư phạm (CĐSP) Hà Giang đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đào tạo gần 20.500 sinh viên, cung cấp nguồn giáo viên cho tỉnh nhà.

 

25/01/2020
Ký ức "bể nước đường"

Xuân 2020 - Mùa khô năm 1999, tôi được Báo Hà Giang cử lên 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh để nắm tình hình, viết bài về thực trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra hết sức gay gắt nơi đây. Tôi đi khảo sát thực tế ở một số thôn, xã của các huyện...

25/01/2020
Vườn Xuân của mẹ

Xuân 2020 - Khu vườn nhà tôi có từ lâu rồi, tự thuở nhà tôi còn mái tranh, vách đất. Trong những năm còn đói ăn, thiếu mặc, khu vườn trở thành cứu cánh cho gia đình tôi với 6 miệng ăn, đặc biệt là những lúc giáp hạt đói kém. Cơm thì dăm bữa, nửa tháng mới được ăn, nhưng rau thì bữa nào cũng có. Ăn rau nhiều đến xanh cả ruột. Nhưng nhờ rau vườn nhà mà chúng tôi vượt qua cái đói để lớn khôn.

 

25/01/2020