Quang Bình tích cực bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc
BHG - Nằm ở phía Tây của tỉnh, huyện Quang Bình có trên 65 nghìn người với 12 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng. Văn hóa truyền thống (VHTT) các dân tộc có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân, gắn kết chặt chẽ cộng đồng và là động lực, mục tiêu phát triển của xã hội. Do đó, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc luôn được địa phương quan tâm.
Nghề dệt vải truyền thống của dân tộc Tày, xã Xuân Giang. |
Với đông đồng bào dân tộc sinh sống nên trên địa bàn huyện có rất nhiều phong tục, lễ hội, nghề truyền thống cần được giữ gìn và phát huy. Nếu như dân tộc Tày có Lễ hội Lồng Tồng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, thì người Pà Thẻn có Lễ hội Nhảy lửa vô cùng linh liêng và huyền bí; đồng bào Dao có Lễ Cấp sắc công nhận sự trưởng thành, đủ khả năng tham gia công việc của cộng đồng... Đan xen với các làn điệu dân ca, giao duyên ngọt ngào như: Hát Then, hát Cọi, đàn Tính, múa khèn Mông, các dân tộc còn có những trò chơi dân gian như: Đánh yến, đánh cù, đi cà kheo, đẩy gậy, bắn nỏ... tạo nên “bức tranh” văn hóa đa sắc màu.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Nam thiết kế các đạo cụ của dân tộc. |
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, khóa XVI về việc đưa kỹ năng sống và VHTT vào giảng dạy trong các nhà trường; huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát triển VHTT thông qua giờ học ngoại khóa trong trường học, giai đoạn 2015 - 2020 và có nhiều giải pháp bảo tồn VHTT. Bằng cách làm linh hoạt, sáng tạo, đến nay, học sinh 16 trường THCS trên địa bàn được tiếp cận cuốn tài liệu “Sơ lược VHTT các dân tộc huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang”. Tùy vào nét văn hóa của từng vùng miền, mỗi nhà trường sẽ duy trì truyền dạy các loại hình VHTT, nhưng hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày phổ biến hơn cả, với 14 trường và 1.357 học sinh được tiếp thu. Bên cạnh đó, có 5 trường truyền dạy hát dân ca dân tộc Dao đỏ; 13 trường dạy dân ca dân tộc Dao áo dài; 7 trường dạy dân ca dân tộc Pà Thẻn, Mông, La Chí.
Thầy giáo Lèng Huy Túc, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tân Nam cho biết: Năm học 2019 - 2020, toàn trường có 205 học sinh, đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện việc đưa VHTT vào trường học, hàng năm, trường đều xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên phụ trách từng loại hình VHTT và mời nghệ nhân dân gian của xã đến hướng dẫn, truyền dạy cho học sinh. Ngoài các điệu múa, hát riêng của dân tộc, các em còn thuần thục bài múa tập thể, như: Múa gậy đồng xu, múa khèn Mông và tự tay thiết kế những đạo cụ múa, hát; đan lát đồ dùng sinh hoạt hàng ngày; thêu các hoa văn, trang phục truyền thống trưng bày trong góc VHTT của nhà trường. Các hoạt động này không chỉ khích lệ phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” mà đã tạo ra môi trường thân thiện, lành mạnh giúp các em thêm yêu lớp, yêu trường và đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau tiến bộ.
Nhờ làm tốt việc phục dựng và duy trì các lễ hội, Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2012; Lễ hội đua thuyền trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng kết hợp tham quan di tích lịch sử đình Bản Chún, thôn Nà Mèo, xã Tân Nam được tổ chức thường niên đã thu hút đông đảo du khách đến tham dự. Đến nay, huyện Quang Bình có 5 làng văn hóa du lịch cộng đồng; 15 hội nghệ nhân dân gian ở các xã, thị trấn. Mỗi năm, lượng khách đến địa bàn đạt trên 12.000 lượt người, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt hơn 5 tỷ đồng, đóng góp mạnh vào sự phát triển KT - XH chung của huyện. Năm 2019, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mở lớp truyền dạy, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch và lớp truyền dạy công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc Pà Thẻn, nhằm giữ gìn VHTT có một không hai của dân tộc ít người này.
Đồng chí Chẳng Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: Trước sự giao thoa văn hóa hiện nay, để VHTT không bị thất truyền, mai một, huyện tiếp tục lãnh, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền thực hiện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Đồng thời, ngành chuyên môn tổ chức khảo sát, thống kê, phân loại những giá trị của các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể để có kế hoạch bảo tồn theo từng năm. Cùng với việc truyền dạy văn hóa cho thế hệ trẻ trong trường học, công tác biên soạn sách, tài liệu VHTT cũng được quan tâm. Hiện nay, huyện định hướng phát triển du lịch trải nghiệm, tạo ra các sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng, mỗi dân tộc để thu hút khách du lịch.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc