Bóng cọ "che hồn" Tày

09:21, 10/06/2019

BHG - Một sớm mùa Hè nắng loang vàng khắp bản, tôi đứng giữa cánh đồng ngắm nhìn những đồi cọ quê mình. Trên các sườn núi, từng cơn gió lật những tàu cọ như để phong phơi tất cả một lần trước khi mùa Đông tới. Dưới bản, các mái cọ nâu sình cũng óng lên một màu vàng của nắng. Phần phật, xào xạc cả rừng cọ như trong một bản nhạc sinh động hoang sơ nhất. Trong tâm thức người Tày chúng tôi hẳn nhiên cây cọ giữ một vị trí quan trọng. Tất cả gái trai miền dốc dài núi cao này mở mắt ra đầu tiên không phải nhìn thấy mặt trời mà thấy một mái cọ ủng khói bếp, ba mươi ngày ở cữ bao lần nhìn lên chỉ thấy mái cọ ấy. Để rồi khi lớn lên một đời sống trong núi rừng, bóng người miền núi lăn dưới tán cọ rì rào. Bởi vậy tàu cọ như cả bầu trời sẽ gắn đời, gắn kiếp với người dân quê tôi ngay cả khi về đất mẹ.

Mái cọ phủ rêu.
Mái cọ phủ rêu.

Quê tôi là một phần của dãy Tây Côn Lĩnh được hưởng cái trù phú của một trong những dãy núi hùng vỹ nhất đất nước này. Trời đất gần như tạo tác nơi này để người Tày chúng tôi lấy làm nơi an cư, lạc nghiệp. Khát có nước từ khe từ suối, đói có những thửa ruộng bậc thang cho mùa vụ tốt tươi, muốn ở có cây to làm cột nhà, có lá cọ điệp điệp trên đồi lợp mái che mưa nắng. Vùng Tày “ba Phương” (Phương Độ, Phương Thiện, Phương Tiến) thuộc nơi cư trú đầu tiên của người Tày trên khắp miền Hà Giang, ắt hẳn cũng vì tổ tiên chúng tôi nhận ra sự ưu ái của vùng đất này mà tụ nhau lại như những thân cọ trên một dải đồi phì nhiêu. Đời nảo đời nao đến nay bao nhiêu đứa bé Tày sinh ra rồi sống và chết dưới mái cọ ủng trong khói bếp.

Ai được một lần đi dưới tán cọ mới thấy sự khác biệt mà các thân gai, các tàu to bản ấy mang lại. Rừng cọ chứa đựng một khí sắc vừa u tối nhưng lại đầy cảm giác an toàn. Những gốc cọ phủ đầy bẹ gai thẳng đứng lên trời, cuối ngọn lại nở ra cành gai đỡ lấy tàu lá nghênh nghênh khua kiếm lên trời. Tàu cọ to tướng xòe như cái nong kèm thêm đuôi lá túa ra bốn hướng tôi luyện mình trong mưa gió để đợi một ngày về bản thành mái nhà sàn. Những khi mưa gió, đứng dưới tán cọ nghe tiếng hạt mưa rơi đồm độp mà thấy sức mạnh thiên nhiên quả kỳ vỹ. Nước mưa bị lá cọ chặn lại tụ thành dòng chảy như thác con từ trên trời xuống ào ầm. Nắng, mưa đều ngưng lại trước tàu lá xanh óng ấy. Có cây gì trở thành biểu tượng cho người dân quê tôi, ắt nhiên là cọ, khắp các dải đồi từ Bản Lúp, Bản Tha, Bản Khẻo… bóng cọ đều phủ lên át những loài cây khác. Cây cọ đã mọc thành rừng thì những loài cây khác khó mà chen vào được. Mỗi tháng cọ ra một tàu mới. Tàu cọ theo che mưa cho đám trẻ chăn trâu, cọ theo người về bản leo lên mái nhà, cọ thành chiếc áo tơi khum khum mai rùa che người lụi cụi trên đồng ruộng. Mùa Hè cọ là chiếc quạt mát trong tay bà, mùa mưa cọ là chiếc nón trên đầu các bà các mẹ đi chợ phiên.

Cây cọ hiền lành, cứ thế sinh sôi và tạo phước cho con người miền rừng. Nếu quê tôi không bạt ngàn đồi cọ, hẳn nhiên những mái nhà sàn sẽ được thay bằng mái ngói, mái pờ rô xi măng khô cứng. Sẽ chẳng có đêm nằm nghe tiếng mưa rơi rì rì trên mái cọ, nhẹ nhàng da diết. Tiếng mưa lúc này dịu dịu, từng tàu cọ khô đón những hạt mưa thấm lấy chất lỏng từ trời xuống tạo ra một thứ âm thanh buồn mà yên ả. Mùa Hè năm gian nhà mát rượi, mái cọ đón nắng nổ tanh tách.

Ngắm nhìn một mái cọ nâu sình bao giờ cũng yên an hơn ngắm những mái ngói màu sắc góc cạnh. Tôi về đúng dịp chú tôi dựng nhà, một nhà sàn nhỏ giữa đồi cọ xanh rì, mái nhà vừa lợp xong tựa cây nấm xanh khổng lồ mọc giữa lưng núi, đẹp như tranh. Để có được một mái cọ, cần sự gắn kết cộng đồng, dựng nhà sàn là công việc của cả bản. Người ta hộ nhau đẵn cây, cưa đục làm cột, vác thang lên núi chặt, kéo những tàu cọ đã dành dụm mấy mươi năm trời về lợp thành mái cọ yên bình.

Trên đời này thứ cây gì thí cho con người nhiều như cọ nhỉ? Một đồi cọ đâu chỉ cho lá lợp nhà, cho bóng mát người nghỉ ngơi những trưa Hè oi ả. Đám người cả đời núp dưới bóng cọ mới biết cây cọ cho nhiều lắm.

Lá cọ xanh rì, to như cái nong được người dân để dành mấy năm trời đợi khi cột kèo đã đủ mới nhờ anh em làng bản lên giúp chặt kéo về. Chặt cọ làm nhà là việc vất vả, nhà ba gian, hai chái cũng cần tới 7.000 tàu loại một mới hòm hòm. Lấy được nhường ấy lá cọ về không có bàn tay cả bản thì thành sao được - Ngày chặt cọ được chọn lựa kỹ càng tránh ngày xấu, được ngày mưa hay nắng cũng làm. Ngày ấy rừng núi vang tiếng người, tiếng dao chặt, tiếng cọ rào rào rơi từ trên cao xuống. Rồi những tàu cọ được xếp lại với nhau thành một kéo, cọ già dầy và nặng, khỏe lắm chỉ kéo được ba mươi tàu, còn bình thường cứ mười lăm tàu là đủ cho một kéo. Lúc này ở dưới nhà đội quân làm bếp đã ngả lợn, xào xáo bày trên lá dong đợi sẵn những người kéo cọ về, cọ về tới bản thì chủ nhà mới thở phào coi như việc làm nhà xong một nửa. Cọ chặt xong sót lại ngổn ngang những cành gai được các bà cô chuyên làm mành, làm chiếu cọ thu gom lại về tỉ mẩn vót, đan thành những vuông mành trải trên nền ván mát lạnh buổi trưa Hè, hay bán thương phẩm cho người ngoài thị xã.

Quả cọ là một thứ đồ rừng ngon có hạng. Từ trên ngọn cọ cao vút những quả cọ vỏ mỏng tim tím thịt dầy dẻo, om qua nước nóng cho lớp mỡ vàng ươm như mỡ gà khiến bao người mê mẩn. Những ngày mùa Đông rét căm rét co, nhúng tay vào nồi om quả cọ âm ấm nắn chọn lấy những quả cọ mềm mềm, có khi chẳng kịp bóc bỏ vỏ ăn ngấu nghiến cho thỏa cơn thèm. Quả cọ chẳng phải cứ lấy về là ăn được, cây cho quả dẻo ngon là cọ nếp thì ít mà cây cho loại quả vừa mỏng thịt vừa chát vừa thì bạt ngàn. Vậy nên các tay sành ăn, những tay bán quả cọ thành nghề đã thử khắp các núi các đồi. Vùng đồi Pác Bẻ nhà tôi có cây nào ngon, cây nào dẻo họ biết hết, đến cả những bản người Dao, thân cọ cao nối hai cây tre lại làm thay mà vẫn chưa vín tới chòm cành mà họ vẫn biết cây nào ngon quả. Đội quân buôn quả cọ càng về sau này càng lọc ra những tay lão luyện nghề leo chèo. Dưới xóm Cốc Ca, có ông Nguyễn Văn Đến, tóc tai dựng đứng, khổ người kềnh càng mà trèo cọ như sóc, như khỉ. Thân cọ tuyền gai, trèo có dép có giầy hẳn hoi còn chờn trợn, ấy thế mà ông Đến cứ chân không đạp gai mà leo chẳng hề hấn gì. Những lúc nghỉ ngơi, ông chìa bàn chân ra cho mọi người xem, gan bàn chân ông có lấy dao cứa cũng chẳng vào chứ vài cái gai cọ thấm gì. Một lần được giữ thang cho ông trèo chặt cọ, nhìn cái lối leo cong người, chân, tay thoăn thoắt trên thang tre chẳng khác gì đi bộ ấy mới nể. Lại thêm cái lối xử dao như ông đầu bếp băm chả, vừa thấy hô thôi không phải giữ thang đã nghe tiếng cung cung của dao chạm vào cành, chớp mắt đã thấy la liệt tàu cọ rụng ào ào. Phải nhanh thế mới được việc, mới không bị đám kiến đen, kiến đỏ vốn làm tổ trong các bẹ cọ trên tít cao cắn. Mùa quả cọ đám buôn luồn lách khắp các cánh rừng, tiếng gọi nhau ời ời. Gặp cây mới chưa biết chất quả ngon dở, họ chặt cành cây ném cho rụng dăm ba quả ăn thử. Đám thợ thử quả có kiểu lấy dao xắt miếng nhìn màu “thịt”, nếm thử là biết ngon hay chát. Còn đám mới vào nghề thì kiếm ống bương nứa, gom ít cành khô nhóm lửa lên mà om, cách này mất thời gian hơn nhưng đã thử là chắc. Thử xong rồi thì bắc thang trèo lấy. Thi thoảng cũng có chuyện trộm cọ, nhưng tuyệt nhiên chẳng bao giờ có chuyện chặt cả cây mà lấy quả bao giờ. Thân cọ không quý nhưng tàu cọ quý lắm, đám người ngủ cả đời dưới tán cọ biết hơn ai hết. Ăn quả cọ cầu kỳ hơn thì đồ xôi cọ. Ký ức của tôi vương đầy hình ảnh người mẹ gầy còm mỗi sớm mù mịt sương giá lục cục dậy om cọ. Lúc anh em tôi mở mắt rửa mặt đã có cọ chín để ăn thay cho bữa sáng. Mẹ lúc này đã gói từng túm quả cọ một, quẩy gánh ra chợ thị xã bán, dáng mẹ còng lẩn khuất trong màn sương buốt giá mùa Đông.

Ngoài ăn quả, cây cọ còn cho một thứ ăn được nữa ấy là lõi cọ. Lõi cọ ngày nay là đặc sản, trước đây thời kỳ mà nạn đói tràn qua khắp miền tổ quốc, người ta ăn vỏ cây, ăn củ chuối thì miền rừng chúng tôi ăn củ ấu, lõi cọ. Ăn lõi cọ là việc cực chẳng đã, chỉ ăn khi không còn gì để ăn nữa, bởi ăn được thức ấy thì một thân cọ cũng đổ gục. Cây nhỏ thì phạt gốc bửa ra lấy phần lõi non giáp ngọn ăn, cây cao già hạ xuống cũng chỉ lấy được nhõn lõi non cuối ngọn ấy. Lõi cọ ngọt bùi, khi ăn tươi là thức không hiếm, nhưng ăn một lần là nhớ.

 Thân cọ mỗi năm cho mười hai tàu cọ chặt rồi chỉ làm tổ cho bọ cánh cứng. Cây cọ xứ tôi cũng không khác cây dừa dưới xuôi là mấy, chỉ khác nhau ở lá và quả, còn thân cũng là loại thân xốp, ngả chặt nằm ngang đất rồi còn mỗi cổ hũ cho bọ xông. Lúc này cái đám ăn rừng chúng tôi lại được thân cọ thí cho một món cuối cùng ấy là đuông cọ. Cây cọ ngả rồi sẽ được mở một đường rìu ở phần giáp ngọn để hai ba hôm tỏa ra một thứ mùi hăng hăng ngấy rất chi quyến lũ loại bọ cánh cứng về đẻ trứng thành ấu trùng rồi thành con đuông. Muốn ăn đuông cọ phải đợi đôi tháng, khi đi rừng ngang qua thân cọ nghe thấy tiếng rào rạo ấy là bọn đuông đã lớn tranh thủ ăn tích mỡ. Lúc này mà vác rìu, xách chậu lên phá lấy dăm ba cây là đủ ăn. Đuông cọ béo ngậy, thân tròn trùng trục, ngon nhất là xiên que nướng, ngon nữa thì xào nước măng chua ăn không gì bằng. Có người ăn món ấy một lần nhớ cả đời vì ngon, cũng có kẻ dị ứng ăn một miếng lần sau nghe nhắc tới là nổi da gà rùng mình.

Xốn xang và dào dạt một lối sống khoáng đạt như gió rừng, người miền núi, đặc biệt là người Tày chúng tôi, quý khách vô cùng. Xưa nay vẫn có câu “người Tày mời quả mời cả cây”. Người Tày khi có khách tới nhà chỉ lo không có thức gì ngon để đãi đằng cho thịnh soạn. Có khi mâm cỗ đầy ứ vẫn nơm nớp nỗi lo thết khách chưa đủ hậu. Nhưng khi chỉ có anh em lên rừng ăn uống lại vô cùng đơn giản, cứ cơm nắm lá dong, thêm củ gừng chấm muối bày tất trên một tàu cọ là xong bữa, ăn xong cũng tàu cọ ấy lật phía dưới lên thành chỗ ngả lưng. Người quê tôi đi tới đâu trong “miền” của mình chẳng lo chỗ ngủ, những đêm dài xẻ gỗ trên rừng già chỉ đem chăn màn và đồ nấu nướng, còn lều ngủ đã có cây vầu, lá cọ bạt ngàn một hai cái vung dao là có nơi tránh mưa nắng. Tàu cọ gắn đời gắn kiếp với người xứ núi như thế, cho tới một ngày nọ có một người trong bản Tày khuất núi, về rừng với tổ tiên, con cháu người ấy đưa ra bãi tha ma, ngôi nhà mồ của người ấy cũng được lợp mái bằng những tàu cọ xanh lì, phải lúc ấy cây cọ mới thôi thí mình cho người.

Qua bao đời người sống dựa lưng vào núi, ngủ dưới mái cọ, người Tày coi cây cọ như một thứ cây trời cho quý giá nhất. Nay đây cũng có những mái ngói, mái tôn khô cứng xen giữa những mái cọ khum khum nhưng còn sống trong nhà sàn còn lầm lụi dưới tán cọ, người Tày chúng tôi còn chân qúy lắm những bóng cọ xanh tươi ấy.

Bài, ảnh: TRỌNG TOAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn tích cực chuẩn bị Kỳ thi THPT Quốc gia

BHG - Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay sẽ diễn ra vào các ngày từ 24-26.6; như vậy, chỉ còn ít ngày nữa, các sĩ tử trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi mang tính quyết định sau 12 năm đèn sách. Tại huyện vùng cao Đồng Văn, các em đã chuẩn bị kiến thức; các ban, ngành tích cực chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị cần thiết phục vụ kỳ thi, đảm bảo nghiêm túc, an toàn, chất lượng.

 

31/05/2019
Đại hội Hội VHNT huyện Xín Mần lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2019 – 2024

BHG - Sáng 30.5, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) huyện Xín Mần tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2019 – 2024. Dự Đại hội có Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; lãnh đạo Hội VHNT tỉnh; đại diện các ban, ngành của huyện cùng 25 hội viên. Đại hội đã nghe báo cáo kết quả vận động thành lập Hội, thảo luận thông qua Điều lệ của Hội và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2019 – 2024, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như...

30/05/2019
Sở TT&TT Thanh Hóa trao đổi kinh nghiệm với Sở TT&TT tỉnh

BHG - Sáng 30.5, Đoàn công tác của Sở TT&TT Thanh Hóa đã có buổi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm thực tế với Sở TT&TT Hà Giang về kinh nghiệm triển khai điểm cầu trực tuyến tới các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có đại diện các đơn vị viễn thông của 2 tỉnh. Tại buổi làm việc, đại diện Sở TT&TT Hà Giang chào mừng  đoàn công tác của Sở TT&TT Thanh hóa lên thăm, làm việc tại Hà Giang. Đây là dịp để 2 bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước...

30/05/2019
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Chiến Phố linh hoạt trong giảng dạy văn hóa truyền thống

BHG - Thực hiện Nghị quyết số 02 của BCH Đảng bộ tỉnh về đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy trong trường học; Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Chiến Phố (Hoàng Su Phì) đã có những cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của địa phương; qua đó,  giúp học sinh hình thành các kỹ năng sống cơ bản và hiểu thêm lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương, dân tộc.

 

29/05/2019