Hội Nghệ nhân dân gian xã Xuân Giang nơi lưu giữ những làn điệu dân ca
BHG - Xã Xuân Giang (Quang Bình) là vùng quê có bề dày văn hóa và truyền thống, với những phong tục tập quán, cùng nhiều làn điệu dân ca phong phú, đa dạng của các dân tộc. Những năm gần đây, theo dòng chảy của sự phát triển; những làn điệu dân ca đang dần bị mai một. Chính vì vậy, UBND xã đã đẩy mạnh hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG); đây chính là “cầu nối” trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa và truyền thụ cho thế hệ trẻ.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS xã Xuân Giang tìm hiểu về các đạo cụ truyền thống. |
Được thành lập năm 2012, thời điểm đầu, Hội NNDG chỉ có hơn 10 nghệ nhân tham gia; chủ yếu là những người có uy tín, già làng. Sau 7 năm sinh hoạt, đến nay, Hội NNDG xã Xuân Giang đã có 78 hội viên và 1 Câu lạc bộ sở thích văn hóa dân gian Quyền Giang với 36 hội viên. Hội NNDG duy trì những hoạt động văn nghệ dân gian, những làn điệu hát Then cổ, hát Yếu, hát Cọi, các làn điệu hát, múa, dân gian của các dân tộc, như: Tày, Dao... và những loại nhạc cụ truyền thống. Từ khi thành lập đến nay, Hội NNDG đã kết nạp được thêm những người có tâm huyết để bảo tồn và phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trên lĩnh vực dân ca.
Có dịp về xã Xuân Giang, tôi được trò chuyện với Nghệ nhân Hoàng Văn Bính (sinh 1955) Hội trưởng Hội NHDG, ông kể: Tôi nhớ, được nghe những câu hát Then cổ từ hồi còn bé. Sau những lần nghe hát tại lễ hội, tôi bắt đầu đam mê và học hát theo; để rồi đến bây giờ lại tiếp tục truyền dạy cho con, cháu. Điệu hát Then cổ có thể hát đơn ca, tốp ca và không thể thiếu đàn Tính, bộ nhạc mác tính. Người hát được làn điệu này phải thực sự am hiểu, các âm tiết phải luyến láy thật chuẩn; chất giọng của người hát phải thật tự nhiên, không gò bó, không nhanh, không chậm. Trong lời hát có những lúc trầm lắng, có lúc lại bay bổng. Là làn điệu Then cổ, vì vậy, lời ca trong những bài hát rất mộc mạc, tinh tế đòi hỏi người hát phải có độ nhạy bén và tỉ mỉ. Người nghệ nhân phải gửi gắm tất cả những tình cảm, tâm huyết để hát.
Thông qua các hoạt động của Hội NNDG đã từng bước tạo dấu ấn quan trọng, góp phần phát triển văn nghệ dân gian mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và không ngừng nâng cao tính nhân văn, đời sống xã hội. Hiện nay, Hội NNDG xã Xuân Giang không chỉ sinh hoạt và giao lưu tại địa phương, mà còn mở rộng, giao lưu, học hỏi tại những huyện khác trên địa bàn tỉnh, biểu diễn trong các chương trình mừng Đảng, mừng Xuân, hội thi và những ngày kỷ niệm lớn của huyện. Việc truyền dạy cho học sinh về các làn điệu dân gian, các loại đạo cụ truyền thống đã, đang được địa phương khuyến khích. Em Vương Khánh Hà, học sinh lớp 8, Trường Tiểu học và THCS xã Xuân Giang, chia sẻ: Em rất tự hào vì được học hát và múa các làn điệu dân ca, hát Then, hát Yếu; mỗi bài có một ý nghĩa riêng em sẽ động viên các bạn nhỏ trong xóm, thôn học múa và học hát để phát huy tinh thần văn hóa dân tộc.
Nghệ nhân Hoàng Văn Bính, Hội trưởng Hội NNDG xã Xuân Giang, cho biết: Qua các buổi biểu diễn dân ca, lượng người xem dần đông lên và rất yêu thích. Điều này có nghĩa, những là điệu dân ca đã có sự lan tỏa, được công chúng đón nhận. Tuy về kinh phí hoạt động của Hội còn hạn hẹp, nhưng hầu hết hội viên đều tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại thôn, bản; góp phần phổ biến các làn điệu dân ca đến đông đảo nhân dân và tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ để những làn điệu dân ca tiếp tục được bảo tồn và phát triển.
Bài, ảnh: Nguyễn Ngân
Ý kiến bạn đọc