Đổi thay ở xã biên giới Sơn Vĩ

18:57, 29/05/2019

BHG - Sơn Vĩ - thuộc huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, một địa danh có lẽ không phải ai cũng biết đến nếu không ở Hà Giang, bởi một lẽ đó là một xã biên giới xa xôi, hẻo lánh, ở độ cao trên 1.000 mét so mực nước biển; một dải đất trải dài với một phần tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và một phần giáp với huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Diện tích xã Sơn Vĩ nhỏ chỉ trên 54km2, dân số hiện nay trên 6 nghìn người, mật độ dân số trên 70 người/km2. Xã có 19 thôn, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Xuồng, Giấy, Tày, Nùng, Dao, Hoa…, đông nhất là dân tộc Mông chiếm 80% dân số…

Sơn Vĩ địa hình phức tạp, chia cắt, thời tiết khắc nghiệt, 3 mùa hầu như mây sương, giá lạnh, chỉ trừ mùa hè… Tuy khó khăn, gian khổ là vậy, Sơn Vĩ trải qua hàng ngàn năm đất nước ta hình thành bờ cõi đã có mặt của con người Việt Nam, họ đã sống, đấu tranh, đổ máu để tồn tại, bảo vệ và xây dựng mảnh đất này cho đến hôm nay. Sơn Vĩ là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam.

Sau một thời gian hơn 3 năm tôi mới có điều kiện trở lại Sơn Vĩ trong Đoàn của Hội Khuyến học tỉnh Hà Giang đi thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập năm 2019, do ông Hạng Mí De, Ủy viên BCH Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh làm trưởng đoàn.

Đường lên Sơn Vĩ bây giờ mặc dù đã được đầu tư nâng cấp, tu sửa nhiều lần nhưng có lẽ cũng không thấm vào đâu trước sự khắc nghiệt của thời tiết, địa  hình núi đá hiểm trở, treo leo, thiên nhiên mưa lũ ở vùng núi bất thường; bên cạnh đó xe tải đi lại chở hàng ra cửa khẩu biên giới Xín Cái thường quá trọng tải …, đã làm cho con đường đi 3 xã biên giới của huyện Mèo Vạc lúc nào cũng “ốm yếu”, oằn mình để chống đỡ…

Đoàn Khuyến học của tỉnh chụp ảnh cùng các đồng chí lãnh đạo xã Sơn Vĩ
Đoàn Khuyến học của tỉnh chụp ảnh cùng các đồng chí lãnh đạo xã Sơn Vĩ

Nhưng dù sao sau 2 giờ 15 phút gập ghềnh trên chặng đường gần 50 cây số từ thị trấn Mèo Vạc, chúng tôi đã có mặt ở trụ sở xã Sơn Vĩ. Đại diện đông đủ các đồng chí lãnh đạo xã, các tổ chức đoàn thể và cán bộ, giáo viên 3 trường học đều có mặt đón đoàn. 

Thật vui, hơn 3 năm trở lại Sơn Vĩ, cảnh vật, con người đều đổi thay tích cực, nhà cửa công sở, nhà dân khu trung tâm xã đã xây dựng nhiều hơn, khang trang hơn, nhà hàng mọc lên, tuyến đường chính đa phần trải nhựa áp phan; đường đi thôn bản cơ bản cũng đã được đổ bê tông; các gia đình ở khu vực thị trấn, chỗ trung tâm thôn… đều có ti vi, xe máy, cái đổi thay của niềm vui nhân lên vì nông thôn miền núi biên cương giờ đã thật sự khác xưa rồi, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng lên rất nhiều.

Trong buổi làm việc, trao đổi và tìm hiểu với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Vĩ, Đặng Văn Khánh còn rất trẻ, ở độ tuổi 8X, chúng tôi được biết: Toàn xã có trên 1.100 hộ với hơn 6.000 khẩu, 19 thôn, trong đó có 9 thôn biên giới; có 8 dân tộc, đông nhất là dân tộc Mông 15 thôn, chiếm trên 80% dân số. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 60 %...  Dựa vào địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, từ nhiều năm qua và hiện nay xã đã xây dựng cơ cấu kinh tế chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp… Năm 2018, Sơn Vĩ đã mở rộng diện tích gieo trồng đạt trên 1.400 ha; sản lượng lương thực 2 vụ đông Xuân và vụ Mùa đạt trên 2.250 tấn; cây đậu tương diện tích 278 ha, sản lượng đạt trên 312 tấn; trồng cỏ chăn nuôi đạt gần 290 ha...

Năm qua và 3 tháng đầu năm 2019, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền, các ngành, đoàn thể và tinh thần vượt lên khó khăn, không cam chịu đói nghèo, bà con các dân tộc tập trung gieo trồng, chăm sóc cây trồng hoàn thành 100% kế hoạch; làm tốt công tác phòng bệnh cho hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm không để dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Nghị quyết 209, 86 của HĐND tỉnh, xã đã thực hiện thụ tinh nhân tạo đàn bò sinh sản 30 con; chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô sang trồng cỏ chăn nuôi bảo đảm phục vụ cho đàn bò gần 3.000 con; đàn trâu 63 con, đàn dê trên 2.300 con; đàn ngựa 32 con…; xây dựng thôn điểm về phát triển nông nghiệp gắn với mỗi làng một sản phẩm đã có hiệu quả.

Chương trình xây dựng Nông thôn mới đạt 8/19 tiêu chí, xã đã thực hiện Đề án “ 1 triệu tấn xi măng” xã đã đầu tư hoàn thành xong tuyến đường bê tông vào thôn Dìn Phàn Sán; Chương trình thí điểm trồng cây dược liệu Xọm Đen phối hợp với huyện Nà Pô (Trung Quốc) trồng được 5 ha tại 2 thôn Lũng Là, Cò Súng; Chương trình xây dựng chợ Trung tâm xã, lò xử lý rác thải; phát động phong trào quyên góp xây dựng Nông thôn mới trong các bộ công chức, viên chức và phong trào “Ngày thứ 7 cán bộ và nhân dân chung tay xây dựng Nông thôn mới”; phong trào cán bộ, đảng viên ở các thôn gương mẫu đi đầu xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà tắm và đưa chuồng trại ra xa nhà theo tiêu chí Nông thôn mới. Đồng thời vận động, tuyên truyền các gia đình có đất nông nghiệp ở hai bên trục đường không xây dựng nhà, lều quán… làm mất mỹ quan và ảnh hưởng giao thông công cộng.

Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm… được cơ quan chức năng phối kết hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ổn định và bảo đảm an toàn trên địa bàn xã…  Công tác văn hóa, xã hội như giáo dục, y tế, thể thao, văn nghệ… được củng cố, giữ vững, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, tạo động lực cho phát triển kinh tế… Đặc biệt công tác an ninh, quốc phòng được tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của bà con các dân tộc. Đảng ủy, chính quyền xã kết hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng, (trong đó có một cán bộ Đồn trực tiếp làm Phó Bí thư Đảng ủy xã) bảo đảm giữ vững an ninh chính trị  trên địa bàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia. Công tác đối ngoại được thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước, tổ chức thăm hỏi, giao lưu, hội đàm với hai hương Bách Đô, Bách Tỉnh, trấn Điền Bồng huyện Nà Pô, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, hợp tác có hiệu quả… Có thể nói, đến nay đã qua 2/3 chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, Sơn Vĩ đã và đang thực hiện khá tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ xã đề ra.

Nhìn vào con số trên và thực tế “mục sở thị”, chúng tôi hơi hoài nghi về số  liệu mà xã báo cáo đến nay Sơn Vĩ tỷ lệ nghèo và cận nghèo còn đến trên 60%, bà Lù Thị Dâu, Chủ tịch UBMT Tổ quốc xã, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Vĩ, cho biết: Cứ vài năm cấp trên lại thay đổi nâng lên tiêu chí giảm nghèo. Và năm trước nhiều gia đình đã thoát nghèo, đời sống thực sự nâng lên, thì đến đầu năm sau tiêu chí xóa nghèo lại cao lên. Do vậy nhiều hộ vừa thoát nghèo thì lại rơi vào hộ nghèo ngay hoặc hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, ở vùng núi chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, khí hậu…Chẳng may đúng vào vụ mùa cây trồng bị trận mưa đá, sương muối, lũ rừng quét bất ngờ; hay chăn nuôi gia súc, gia cầm…bị bệnh lây lan nhanh vv… thiệt hại là không lường, có thể mất hàng chục triệu, trăm triệu, hàng tỷ đồng trong thời gian ngắn… Vậy là thu nhập tính theo đầu người không đủ tiêu chí trên đề ra, nên lọt vào tốp nghèo thôi…

Thế đó! Câu chuyện của Chủ tịch MTTQ xã cho chúng tôi hiểu thêm thực tại đánh giá tỷ lệ nghèo của người dân vùng núi cao có thể chỉ là tương đối. Chúng tôi vào thăm một số gia đình người dân dân tộc thiểu số ở thôn Lũng Làn, đa số nhà cửa đàng hoàng, nhiều nhà có ti vi, xe máy, con cái đều được đi học… Vậy là nông thôn “rẻo cao” đã và đang có sự đổi thay tích cực là điều thực tế.

Để chứng minh cho những nỗ lực trong giảm nghèo để đẩy mạnh công tác giáo dục, khuyến học của xã trong những năm gần đây, anh Ma Văn Lương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Sơn Vĩ, cho biết: Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, đặc biệt là Hội Khuyến học xã đã đẩy mạnh tuyên truyền để không ngừng nâng cao nhận thức về sự nghiệp giáo dục là quốc sách, vai trò của khuyến học là rất quan trọng trong “cỗ máy” giáo dục trên con đường tri thức, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Toàn xã có 3 Trường học, gồm Trường Trung học cơ sở (THCS); Trường Tiểu học (TH) và Trường Mầm Non (MN) với tổng số hơn 1.500 cháu. Ở tất cả 19 thôn đều có lớp học  Mầm non và Tiểu học. Học sinh MN hiện nay có 435 cháu đến lớp, đạt 98%; TH có 735 em; THCS có 325 em, đạt trên 90%. Số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chiếm đến 100 em… Chính vì vậy công tác Khuyến học của xã và các trường thường xuyên được chú trọng, quan tâm, có tác động ảnh hưởng tích cực rất lớn đến động lực học tập của các cháu. Xã thành lập được 23 Chi hội Khuyến học thôn và trường học, cơ quan với tổng số 912 hội viên, đạt 100% kế hoạch.

Hội Khuyến học xã, các chi hội khuyến học thôn bản, cơ quan, trường học, đơn vị luôn vượt lên khó khăn, có nhiều cố gắng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền… tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực như: Tham gia công tác phổ cập giáo dục; hỗ trợ phong trào thi đua “ dạy tốt, học tốt”; vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng quỹ Khuyến học của xã, mỗi hộ góp 25 ngàn đồng/năm, nên quỹ Khuyến học của xã luôn ở mức cao hàng chục triệu đồng, và là một trong những xã có Quỹ khuyến học cao của huyện Mèo Vạc. Năm 2018 Hội Khuyến học Sơn Vĩ đã trao học bổng Khuyến học 250 xuất quà với tổng giá trị 25 triệu đồng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó học tập và học sinh giỏi; phối hợp với các đơn vị, trường học tổ chức lễ tuyên dương khen thưởng cho 2 học sinh giỏi cấp huyện, cấp trường với số tiền 1 triệu đồng; trao học bổng học sinh vượt khó hiếu học 291 xuất quà với số tiền 6 triệu đồng… Đến nay Hội Khuyến học xã xây dựng Quỹ Hội được trên 34 triệu đồng...

Nhìn vào con số trên có vẻ như còn ít, nhưng cứ nhìn vào thực trạng đặc thù của một xã biên giới xa xôi, hẻo lánh, chót vót ngang trời như Sơn Vĩ thì chúng ta mới chia sẻ với chính quyền và nhân dân nơi đây. Kết quả trên là cả một nghị lực và ý chí to lớn không cam chịu đói nghèo của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn Vĩ và sự đóng góp hảo tâm của các nhà tại trợ đối trong tỉnh và cả nước dành cho nhân dân các dân tộc Sơn Vĩ thân yêu.

Thế đó! Sơn Vĩ mảnh đất ngang trời, cực Đông của tỉnh Hà Giang – cái đuôi con rồng không bao giờ chịu ngồi yên chấp nhận cái đói, cái nghèo, lạc hậu. Sơn Vĩ mặc dù hôm nay vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ nghèo còn cao, nhưng sự đổi thay gương mặt mới ở một xã giáp biên giới với Trung Quốc là đáng ghi nhận. Tôi tin ở con người Sơn Vĩ cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm trước thách thức mới. Đặc biệt là tôi tin ở lớp cán bộ trẻ hôm nay ở Sơn Vĩ, họ được ăn học đầy đủ, đào tạo cơ bản trình độ văn hóa, chuyên môn, chính trị, có nghị lực, tự tin, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân. Tin ở Sơn Vĩ sẽ luôn tự hào và xứng đáng với mảnh đất anh hùng, kế tiếp truyền thống dựng nước và giữ nước năm xưa của ông cha, đã lập nên những chiến công vang dội mãi mãi ghi vào trang sử vàng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, mà tiêu biểu là người anh hùng Lộc Viễn Tài, Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Lũng Làn, trong cuộc chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc cách đây 40 năm.

Tháng 4.2019

 Ký của Nhà văn Đặng Quang Vượng

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Chiến Phố linh hoạt trong giảng dạy văn hóa truyền thống

BHG - Thực hiện Nghị quyết số 02 của BCH Đảng bộ tỉnh về đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy trong trường học; Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Chiến Phố (Hoàng Su Phì) đã có những cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của địa phương; qua đó,  giúp học sinh hình thành các kỹ năng sống cơ bản và hiểu thêm lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương, dân tộc.

 

29/05/2019
Kế hoạch tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại Hà Giang

BHG  - Để tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 trên đại bàn tỉnh diễn ra an toàn, nghiêm túc, chất lượng, đúng quy chế, vừa qua Sở GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại Hà Giang.

29/05/2019
Yên Minh tập trung cho kỳ thi THPT Quốc gia

BHG - Chỉ còn 1 tháng nữa, kỳ thi Trung học Phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra. Cùng với các địa phương trong cả nước, các trường học trên địa bàn huyện Yên Minh đang tập trung ôn thi, củng cố kiến thức cho học sinh. Số liệu của Ban Chỉ đạo thi huyện Yên Minh, cho thấy, toàn huyện có 400 thí sinh đăng kí dự thi; trong đó, có 379 thí sinh chính thức, 21 thí sinh tự do; huyện có 2 địa điểm thi chính, là: Điểm thi tại Trường THPT Yên Minh và tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS-THPT Yên Minh. 

28/05/2019
Huyện Mèo Vạc công bố quyết định sáp nhập trường học tại các xã Pải Lủng và Lũng Pù

BHG - Trong 2 ngày 27 và 28.5, UBND huyện Mèo Vạc tổ chức công bố các quyết định sáp nhập các trường tiểu học và trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS tại 2 xã Pải Lủng và Lũng Pù. Sau khi sáp nhập 4 đơn vị trường học PTDTBT Tiểu học và THCS Pải Lủng; Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lũng Pù thành 2 đơn vị trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Lũng Pù và xã Pải Lủng,  biên chế bộ máy lãnh đạo được giảm. Cơ sở hạ tầng của các trường giữ nguyên và sẽ được bố trí lại phù hợp...

28/05/2019