Định vị không gian phát triển du lịch theo vùng
BHG - Có thể thấy, du lịch của tỉnh những năm qua tăng trưởng mạnh với con số ấn tượng, như: Thu hút trên 1,1 triệu lượt khách năm 2018, tăng 7,5% so với năm 2017, doanh thu đạt 1.150 tỷ đồng; nhiều tour du lịch mới xuất hiện; sản phẩm, hoạt động phục vụ du lịch ngày càng đa dạng; khách lưu trú dài ngày hơn… Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa tương xứng tiềm năng và kỳ vọng.
Đua xe mạo hiểm trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Yên Minh. Ảnh: DUY TUẤN |
Thực tế, du lịch của tỉnh đang ở giai đoạn đầu của tiến trình phát triển. Vì vậy, việc định vị các vùng không gian mang tính đặc thù để tập trung đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế là rất cần thiết. Bởi định vị rõ mới có định hướng phát triển trọng tâm, trọng điểm và thuận lợi cho các địa phương triển khai tiềm năng. Các vùng không gian phát triển du lịch có thể giúp củng cố, bổ sung, liên kết sản phẩm trong cùng không gian, tạo thành tour du lịch khép kín, mang đặc trưng riêng, luôn tạo cảm giác mới lạ, hấp dẫn khu khách. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Hải cho biết: Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Du lịch, tỉnh đã định vị 3 vùng không gian mang tính đặc thù là: Vùng Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn; vùng cây ăn quả, miệt vườn gắn với chiến trường xưa ở các huyện, thành phố động lực; vùng danh lam thắng cảnh Quốc gia ruộng bậc thang ở phía Tây.
Theo đó, vùng Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, chất lượng sản phẩm để khai thác hiệu quả 3 tuyến du lịch với 45 điểm tham quan đã có là: “Hành trình lên khởi nguồn của sự sống”, “Giai điệu cuộc sống trên miền đá” và “Hành trình tới tự hào và hạnh phúc”. Đồng thời, tiếp tục khảo sát để xây dựng tuyến du lịch mới kết nối Mèo Vạc với Bắc Mê và huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng), khai thác lợi thế Quốc lộ 34. Bên cạnh đó, phát triển thêm các sản phẩm du lịch và nhiều điểm đến cho du khách lựa chọn, kéo dài thời gian lưu trú như: Quản Bạ xây dựng tour chèo thuyền kayad, tổ chức lễ hội dệt lanh, xây dựng vườn hoa Anh đào. Yên Minh tổ chức các giải đua xe mạo hiểm, trải nghiệm, xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Đồng Văn tăng cường trồng hoa Tam giác mạch trên các thiết kế hình khối mới; duy trì Lễ hội khèn Mông, giải chạy Maraton quốc tế trên cung đường Hạnh phúc. Mèo Vạc xây dựng tour chinh phục Vách đá trắng, chèo thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế, khám phá hẻm vực Tu Sản… Ngoài ra, tiếp tục duy trì các lễ hội đã có thương hiệu như Lễ hội hoa Tam giác mạch, Chợ tình Khâu Vai và quy hoạch phát triển các lễ hội để tổ chức thường niên vào các mùa, tháng trong năm…
Vùng các huyện, thành phố động lực tập trung phát triển 2 sản phẩm du lịch chính là du lịch tâm linh gắn với trở về chiến trường xưa và tham quan du lịch miệt vườn, dược liệu, nghỉ dưỡng. Điểm nhấn là các đền, chùa nổi tiếng trong tỉnh, các di tích lịch sử ghi dấu ấn trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, chiến tranh chống thực dân Pháp; những vườn cam, đồi chè cổ thụ, dược liệu, suối nước nóng sinh thái ở Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Vùng không gian này có thể phát triển thêm các sản phẩm du lịch như các lễ hội, thu hút đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí, làng văn hóa du lịch cộng đồng, đua thuyền, đua mảng trên lòng hồ các thủy điện…
Ở phía Tây, ruộng bậc thang được chọn là điểm nhấn, nhất là vào mùa đổ nước và lúa chín. Cùng với đó, tăng cường hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, khai thác tuyến du lịch chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi và Tây Côn Lĩnh; khai thác tiềm năng các làng văn hóa trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng gắn với dược liệu và suối nước nóng tự nhiên; phát huy các lễ hội dân gian như: Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, Lễ hội Bàn Vương, Cấp sắc của dân tộc Dao, Lễ hội nhạc cụ dân tộc Mông… Phát huy giá trị bãi đá cổ Nấm Dẩn; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, đua xe, leo núi và kết nối du lịch với các tỉnh lân cận như Yên Bái, Lào Cai...
Từ việc định hình rõ các vùng không gian du lịch đặc trưng, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển ngành Du lịch như: Xây dựng Đề án Bảo tồn văn hóa các dân tộc, Đề án phát triển nguồn nhân lực, đưa vào hoạt động Cổng du lịch thông minh và xác định 8 nhóm sản phẩm du lịch chính, đặc trưng của tỉnh. Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Hải khẳng định: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, thúc đẩy phát triển du lịch 3 vùng không gian đã xác định. Đây cũng là những bước đi trong lộ trình thực hiện Tái cơ cấu lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn 2030.
LƯƠNG HÀ
Ý kiến bạn đọc