Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn: Đòn bẩy phát triển du lịch ở Hà Giang

10:58, 15/05/2019

Việc công nhận và tái công nhận Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thực sự có ý nghĩa rất lớn, tạo đòn bẩy cho ngành Du lịch Hà Giang phát triển.

Đèo Mã Pí Lèng được du khách mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” thuộc vùng núi phía Bắc của Việt Nam.
Đèo Mã Pí Lèng được du khách mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” thuộc vùng núi phía Bắc của Việt Nam.

Từ năm 2015 đến nay, lượng khách du lịch đến với Hà Giang mỗi năm đều tăng 10%. Tính riêng trong năm 2018, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đã đạt trên một triệu lượt người. Doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Hào hứng khi đến thăm Hà Giang và Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, nữ du khách người Mỹ Laura Sunham chia sẻ:" Tôi biết đến Việt Nam thông qua những người bạn và trên mạng xã hội. Đất nước Việt Nam rất nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trong đó có Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Cảnh quan thiên nhiên ở đây mang nét đặc trưng riêng, không nơi nào có được. Tôi thực sự hào hứng khi đến nơi đây”.

Từ một vùng núi đá khắc nghiệt, thiếu đất, thiếu nước để phát triển kinh tế nông nghiệp, đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Giang đã tìm hướng sinh kế mới, biến những mảnh nương, những ngôi nhà của mình để phục vụ du khách thông qua các hoạt động du lịch "HomeStay", từng bước nâng cao đời sống.  

Đoàn du khách quốc tế trải nghiệm tại khu vực đèo Mã Pí Lèng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).
Đoàn du khách quốc tế trải nghiệm tại khu vực đèo Mã Pí Lèng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Anh Trần Minh Thái ở thôn Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết, anh làm dịch vụ du lịch từ hơn chục năm nay. Theo anh, từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu năm 2010, khách du lịch trong và ngoài nước đến nhiều hơn. Căn nhà tường trình (nhà làm bằng đất, mang lối kiến trúc cổ độc đáo của người Mông ở Hà Giang) của gia đình anh được tu sửa và trở thành nhà nghỉ cộng đồng (HomeStay). 

“Du khách quốc tế luôn muốn được trải nghiệm và tìm hiểu những nét văn hóa và phong tục bản địa. Nhờ đó, công việc kinh doanh đã tạo thu nhập khá ổn định cho gia đình tôi”, anh Thái cho biết.

Bà Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết, trong gần 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, hàng năm tốc độ tăng trưởng về du lịch của huyện đều tăng từ 10 - 20%. Lượng khách du lịch đến với huyện vùng cao Mèo Vạc ngày càng tăng, đặc biệt là du khách quốc tế. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm 4,57% trong năm 2018, còn trên 50%. Trung bình hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt 6%/năm. Mức thu nhập của người dân năm sau cao hơn năm trước.

Căn nhà tường trình của gia đình anh Trần Minh Thái ở thôn Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được tu sửa làm nhà nghỉ cộng đồng (HomeStay).
Căn nhà tường trình của gia đình anh Trần Minh Thái ở thôn Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được tu sửa làm nhà nghỉ cộng đồng (HomeStay).

Nắm bắt cơ hội phát triển từ du lịch, đồng thời tạo nơi lưu trú cho du khách, nhiều người dân ở 4 huyện vùng cao: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc đã chủ động tu sửa, xây mới nhà để làm dịch vụ lưu trú (HomeStay), đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình trong những năm qua.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn (Hà Giang) cho biết, trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Đồng Văn lấy phát triển du lịch và dịch vụ làm bước đột phá, tận dụng các tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch. Hàng năm, doanh thu từ du lịch, dịch vụ của huyện đạt trên 150 tỷ đồng. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, có thu nhập bền vững từ du lịch.

Theo ông Lâm Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, việc công nhận và tái công nhận Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Hà Giang. Năm 2018, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 1,13 triệu lượt người trong đó gần 300 nghìn lượt người là du khách quốc tế. Thu nhập từ du lịch của Hà Giang đạt gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2018. Chỉ tính riêng ba tháng đầu năm 2019, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đạt gần 300.000 lượt người. 

Theo ông Lâm Tiến Mạnh, ngoài việc giúp bảo tồn những giá trị địa chất địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, cũng như những nét văn hóa truyền thống, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn còn tạo sinh kế cho người dân, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng của Hà Giang.

Theo baotintuc.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bế mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc lần thứ 16 - Vesak 2019

Sáng 14/5, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã trọng thể diễn ra lễ bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ 16 - Vesak 2019. Dự lễ bế mạc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bhutan Tashi Dorji; đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương; trưởng các phái đoàn ngoại giao quốc tế. Các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo các nước, các tông phái Phật giáo trên thế giới cũng tham dự...

14/05/2019
Triển vọng Làng văn hóa du lịch dân tộc Mông huyện Quản Bạ

BHG - Xác định du lịch là "mũi nhọn" trong phát triển kinh tế, do vậy việc tập trung xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng Nông thôn mới tại huyện Quản Bạ đang có những bước đi vững chắc. Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng Làng văn hóa du lịch Mông thuộc 2 xã Đông Hà, Cán Tỷ là minh chứng rõ nét cho quyết tâm xây dựng Quản Bạ thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

 

14/05/2019
Đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học tại Bắc Mê

BHG - Huyện Bắc Mê có trên 15 dân tộc cùng sinh sống; trước sự phát triển của xã hội với xu thế hội nhập quốc tế đã tạo nên sự giao thoa giữa các nền văn hóa. Điều này cũng đặt ra những thách thức trong việc gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Bởi vậy, sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 02 của BCH Đảng bộ tỉnh về việc việc "đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy trong trường học", huyện Bắc Mê đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

 

14/05/2019
Đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em

BHG - Xác định công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em (TE) là nhiệm vụ quan trọng trong việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, TE từ 0-16 tuổi có gần 280 nghìn người, chiếm 32,2% dân số. Một trong những giải pháp được các sở, ngành và địa phương chú trọng là công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, giáo dục về Luật Trẻ em.

14/05/2019