Triển vọng Làng văn hóa du lịch dân tộc Mông huyện Quản Bạ
BHG - Xác định du lịch là “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế, do vậy việc tập trung xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng Nông thôn mới tại huyện Quản Bạ đang có những bước đi vững chắc. Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng Làng văn hóa du lịch Mông thuộc 2 xã Đông Hà, Cán Tỷ là minh chứng rõ nét cho quyết tâm xây dựng Quản Bạ thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Khu vực dự kiến xây dựng Làng Văn hóa du lịch dân tộc Mông thuộc 2 xã Đông Hà, Cán Tỷ. |
Quản Bạ có nhiều địa điểm, danh lam thắng cảnh hấp dẫn du khách, đặc biệt trong những năm gần đây, huyện có ưu thế về phát triển du lịch cộng đồng. Làng Văn hóa du lịch Mông được lựa chọn xây dựng tại khu vực Tráng Kìm, gần Quốc lộ 4C, thuộc địa bàn 2 xã Đông Hà và Cán Tỷ. Đây là địa điểm có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nước dồi dào, có phong cảnh tự nhiên đẹp với rừng đá nằm trong vùng di sản địa chất. Du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng có thể ngắm cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, ở trong nhà trình tường truyền thống của người Mông và trải nghiệm văn hóa vùng cao.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, ngay từ đầu năm, huyện Quản Bạ đã thu hút được Dự án đầu tư, phục dựng, bảo tồn Làng Văn hóa truyền thống dân tộc Mông tại xã Đông Hà và Cán Tỷ do Công ty Cổ phần thi công Cơ giới 1 làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 21 ha, tổng vốn đầu tư 89 tỷ đồng, gồm: 30 nhà trình tường, lợp ngói âm dương, tường rào bao quanh được xếp bằng đá xanh; khu nhà nghỉ cộng đồng; khu nhà trình diễn sản xuất, trưng bày và bán các sản phẩm làng nghề truyền thống; nhà ăn; nhà kho; nhà nghỉ cho nhân viên; hồ bơi vô cực; khu dã ngoại ngoài trời và sân khấu biểu diễn các tiết mục văn hóa văn nghệ truyền thống của dân tộc Mông…
Dự án đã góp phần hình thành thêm một làng văn hóa du lịch cộng đồng tại huyện Quản Bạ; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương; thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững. Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ, Hạng Mí Ngọc cho biết: Chính quyền địa phương đã hỗ trợ chủ đầu tư tuyên truyền cho người dân về chủ trương xây dựng dự án, hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng... Hy vọng dự án sẽ tạo thêm địa điểm thu hút khách du lịch đến xã và giải quyết công việc cho lao động địa phương.
Đề cập đến ý tưởng triển khai dự án, Giám đốc Công ty Cổ phần thi công Cơ giới 1, Lại Quốc Tĩnh chia sẻ: “Công ty Cổ phần thi công Cơ giới 1 đã nghiên cứu, tìm hiểu phát triển du lịch phù hợp, bền vững, gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông vùng Cao nguyên đá. Để du khách thập phương có điều kiện trải nghiệm, nghỉ dưỡng ở ngôi nhà mang nét kiến trúc truyền thống của dân tộc Mông; chúng tôi kỳ vọng, khu nghỉ dưỡng hoàn thành vào cuối năm sau để chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Quản Bạ, sẽ trở thành địa điểm thu hút khách du lịch và là nơi tổ chức các sự kiện lớn của huyện, tỉnh”.
Việc thu hút đầu tư làng văn hóa du lịch, khu nghỉ dưỡng của huyện Quản Bạ đã có định hướng rõ, nhằm tạo những sản phẩm du lịch khác biệt; hình thành những vùng trọng điểm để phát triển du lịch; tập trung vào du lịch cộng đồng, văn hóa, nghỉ dưỡng… và xúc tiến, quảng bá đang tạo ra nhiều sự chuyển biến tích cực, đóng góp chung vào sự phát triển của huyện.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc