Di sản địa chất - giá trị cốt lõi của Cao nguyên đá Đồng Văn
BHG - Nói đến Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) phải nhắc đến giá trị các di sản địa chất, kiến tạo địa chất điển hình, minh chứng về quá trình phát triển của trái đất… Đến với Công viên Địa chất (CVĐC) mà không thấy, không hiểu những di sản địa chất, địa mạo thì giống như việc chúng ta chưa thấy được những giá trị cốt lõi của một CVĐC. Theo thống kê CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn có đến 30 cụm và 139 điểm di sản địa chất và là một điểm du lịch địa chất hấp dẫn.
Trung tâm Thông tin Cổng trời Quản Bạ, một trong 4 trung tâm trên Cao nguyên đá, sẵn sàng cung cấp đầy đủ thông tin cho du khách về giá trị di sản của CVĐCTC - Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Đến thời điểm này, CNĐ Đồng văn không phải là CVĐCTC duy nhất ở Việt Nam. Nhưng hơn bất cứ vùng nào trên dải đất Việt Nam, CNĐ có những kiến tạo địa chất điển hình và độc đáo nhất. Từ Hẻm vực Tu Sản, đến những sa mạc đá mênh mông huyền bí, cho đến những kiến tạo tự nhiên Núi Đôi hay vô số cảnh quan núi đá đẹp và hùng vĩ có thể gặp ở bất cứ địa điểm nào trong vùng. Đặc biệt, lượng hóa thạch được phát hiện ở nơi đây, nhiều loại có tuổi đời lên đến hàng trăm triệu năm; cho thấy một CNĐ thực sự có bề dày phát triển của địa chất. Cùng với đó, do kiến tạo đặc thù của địa chất; 4 huyện CNĐ, huyện nào cũng ghi nhận rất nhiều hang động tuyệt đẹp. Trong đó, hang Lùng Khúy (Quản Bạ) như một “đệ nhất động” của vùng.
Bên cạnh những di sản địa chất điển hình, CNĐ còn mang trong mình những di sản của đời sống văn hóa các dân tộc rất đặc trưng của vùng cao núi đá. Bởi vậy, khi đến đây ta sẽ được chứng kiến một di sản tổng hợp, đa dạng về địa chất, sinh học và văn hóa…
Mặc dù phong phú về giá trị di sản địa chất lẫn di sản văn hóa, song nếu để ý chúng ta dễ nhận thấy rất nhiều đoàn khách khi đặt chân đến CNĐ, đặc biệt là khách trong nước, điều họ chú ý nhất hình như chỉ là hoa Tam giác mạch, Cột cờ Lũng Cú, Nhà Vương… Những giá trị di sản địa chất có lẽ khiến du khách để ý nhất là những điểm như: Núi Đôi, Thạch Sơn thần (Quản Bạ), Hẻm vực Tu Sản – Mã Pì Lèng (Mèo Vạc). Còn lại nhiều điểm nhấn như những điểm hóa thạch, những dạng kiến tạo chất, địa tầng điển hình khác trên vùng mang giá trị khoa học rất lý thú lại chưa được nhiều người chú ý.
Cũng vì thế mà trên các trang mạng, đa phần chúng ta thấy du khách trong và ngoài tỉnh khi đến CNĐ họ chủ yếu khoe về hoa Tam giác mạch, hình ảnh các dân tộc, Cột cờ Lũng Cú, núi cao, đường cua chứ ít thấy du khách nào khoe khám phá về các giá trị di sản địa chất, địa mạo. Điều này, phần nào cho thấy du khách chưa có định hướng nhiều về sự phong phú của giá trị di sản trên vùng đá; hoặc có thể do điều kiện đi lại trên vùng quá khó khăn, thời gian khám phá vùng Công viên Đá (CVĐ) đòi hỏi phải dài ngày,… nên du khách chỉ lựa chọn khám phá những gì nổi bật nhất là những cảnh quan hai bên đường là chính.
Dù cho những năm qua, công tác tuyên truyền của tỉnh về các giá trị di sản của CVĐ rất được chú trọng. Các cơ quan báo chí trong và ngoài nước liên tục cập nhật thông tin về CVĐ. Song, sự phản ánh hình như có phần thiên về khai thác và phát triển du lịch với các điểm đến như hoa Tam giác mạch, ăn uống và ngắm cảnh. Chính vì thế, trong hành trình đến với CVĐ, đa phần du khách mới chỉ có cảm nhận được một phần nhỏ trong giá trị di sản tổng thể nơi đây.
Để có thể có thêm những định hướng cho việc khám phá CNĐ , tăng thêm hiểu biết, sự hấp dẫn của vùng CNĐ Đồng Văn, thời gian tới rất cần có thêm thông tin tuyên truyền về các điểm di sản địa chất, địa mạo; đặc biệt là việc xây dựng và phát huy các sản phẩm du lịch gắn với khám phía di sản địa chất trong vùng. Bởi du lịch chính là cánh cửa đưa du khách đến với những giá trị di sản ẩn chứa trong vùng.
Có một cảm giác là du khách nước ngoài khi đến với CVĐCTC – CNĐ Đồng Văn, họ nghiêng về khám phá các di sản; trong đó, đặc biệt là di sản địa chất hơn là việc đến chỉ để ngắm hoa, đi chợ, uống rượu... Anh Francis Holden cùng đoàn du khách từ nước Mỹ cho biết, so với nhiều công viên trên thế giới, CVĐCTC - Cao nguyên đá Đồng Văn đẹp và hấp dẫn không kém; với hành trình đi xe máy, anh Holden phát hiện rất nhiều điểm du lịch địa chất rất đẹp, hấp dẫn cùng nhiều điểm du lịch mạo hiểm; đặc biệt là những điểm hóa thạch bên cạnh những cộng đồng các dân tộc nơi đây, anh khẳng định đây là những tiềm năng lớn cho phát triển của CNĐ Đồng Văn.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Thanh Giang, Phó trưởng BQL CVĐCTC UNESCO CNĐ Đồng Văn, cho biết: Trong nỗ lực quảng bá Công viên để du khách có thể hiểu được các giá trị di sản, trong đó có di sản địa chất, chúng ta đã xây dựng được hệ thống khá đầy đủ các bảng, biển thông tin, chỉ dẫn về di sản trên vùng và cụ thể tại các diểm di sản; chúng ta cũng xây dựng được 3 tuyến du lịch gắn với 45 điểm di sản trên vùng. Cùng với đó là việc tích cực trao đổi thông tin khoa học và quản lý với các CVĐCTC khác; chú trọng và tăng cường phối hợp bảo vệ các di sản địa chất; tổ chức triển lãm về địa chất tại Bảo tàng tỉnh; khuyết khích phát hiện mới những di sản địa chất để làm tăng thêm giá trị và sự hấp dẫn của Công viên đá.
Bài, ảnh: Huy Toán
Ý kiến bạn đọc