Khám phá Công viên địa chất qua hành trình đến với các hang động Cao Bằng
Theo khảo sát của các nhà khoa học, đã phát hiện gần 200 hang động trên phạm vi Công viên địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Non nước Cao Bằng. Đó là minh chứng cho chiều dài lịch sử từ thuở hồng hoang của vùng đất căn cứ địa cách mạng và ẩn chứa trong đó là những chuyện kể của một miền di sản phong phú, độc đáo.
Hang Ngườm Bốc, xã Hồng Việt (Hòa An). |
CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng là một trong những nơi cư trú của người tiền sử. Địa điểm hang Ngườm Bốc, xã Hồng Việt (Hòa An) là một trong những minh chứng cụ thể. Năm 2008, các chuyên gia khảo cổ đã tiến hành thám sát tại hang Ngườm Bốc, phát hiện ra một số công cụ đá cùng nhiều tàn tích thức ăn của người tiền sử, đây là minh chứng khoa học cho thấy di chỉ thời sơ kỳ đá mới, tương đương văn hóa Hòa Bình sớm, cách đây khoảng 10.000 năm.
Hang động miền biên viễn không chỉ phản ánh sự hình thành của vỏ trái đất cách đây hàng trăm triệu năm, mà còn là nơi che chở, bảo vệ an toàn cho con người. Vì vậy, đối với người dân địa phương, về mặt tâm linh hang động trở nên rất linh thiêng. Tại trung tâm Thị trấn huyện Trùng Khánh có ngọn núi Phja Phủ, trong núi có một hang sâu và rộng, ngay dưới chân núi, người dân địa phương đã lập ngôi miếu để thờ thần núi. Theo quan niệm của người dân nơi đây, thần núi đã che chở, bảo vệ họ trước hiểm nguy, đem lại nhiều điều may mắn. Hiện nay trên vách núi Phja Phủ còn khắc dòng chữ Hán được phiên âm “Quan Sơn vệ dân” (nghĩa là “Núi bảo vệ nhân dân”).
Tại huyện Trà Lĩnh, khi du khách đến thăm hang Rù Dặp, xã Cao Chương, người dân nơi đây sẽ kể cho du khách câu chuyện về một người phụ nữ góp công bảo vệ quê hương tên là Nông Thị Vưu. Bà đã có công khai thông hang Rù Dặp để vùng đó không bị úng lụt, nhân dân canh tác thuận lợi, mùa màng bội thu; bà còn lo hậu cần nuôi quân khi anh trai là Nông Thống Lang đứng lên tập hợp nhân dân chống giặc tràn qua biên giới quẫy nhiễu nhân dân. Sau khi bà mất, nhân dân trong vùng đã lập miếu thờ tại cánh đồng Nà An (nên được gọi miếu Nà An) để tưởng nhớ và suy tôn bà là thần Nông của vùng.
CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung còn tự hào là căn cứ địa cách mạng của cả nước. Đầu tiên phải nói tới điểm tham quan địa chất độc đáo hang Ngườm Slưa (tiếng địa phương nghĩa là “động cọp”), xã Hoàng Tung (Hòa An). Ngoài dấu vết thềm cổ ở cửa vào, hang được phát triển trong khối đá vôi hình thành trong điều kiện biển nông cách đây khoảng 270 - 360 triệu năm. Hang là nơi hoạt động cách mạng bí mật của các đồng chí Lê Hồng Phong, Hoàng Đình Giong, Lê Mới… Còn hang Tốc Rù, nằm ở phía đông bắc của Khu di tích Lam Sơn, thuộc xã Hồng Việt (Hòa An) là nơi in báo Cờ Đỏ.
Hang Cốc Bó, thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng), nơi gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hang có diện tích khoảng 80 m2, là nơi Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 8/2/1941 đến trung tuần tháng 3/1941. Tại nơi đây, Bác đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng rồi lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc, thổi bùng lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân Việt Nam để đánh tan chế độ thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới, độc lập tự do cho nước nhà.
Một trong những nét hấp dẫn của CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng là nơi đây có rất nhiều danh lam thắng cảnh. Trong đó trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến vùng đất này là hệ thống hang động nằm trong núi đá vôi thuộc xã Đàm Thủy (Trùng Khánh). Ngoài danh thắng Ngườm Ngao được đánh giá là một trong những hang động đẹp nhất Việt Nam, còn cả một hệ thống nhũ đá sinh động, hấp dẫn, là những tác phẩm tạo hình tài hoa của thiên nhiên ban tặng, khiến con người phải thán phục, kinh ngạc. Cuộc hành trình khám phá bắt đầu từ điểm hang Ngườm Hoài, thuộc làng Bản Giốc, đây là hang khô có độ sâu khoảng 20 m, ấn tượng nhất là một cây đá khổng lồ năm người ôm không xuể, cao khoảng 11 m nằm ngay giữa lòng hang. Cách đó khoảng 50 m là Ngườm Đăm, thuộc làng Khuổi Ky.
Hang Rù Dặp, xã Cao Chương (Trà Lĩnh). |
Tiếp tục cuộc hành trình khám phá đến với động Bản Thuôn, thuộc Bản Thuôn. Bước vào lòng hang, du khách không khỏi choáng ngợp trước sự sắp đặt của tạo hóa, như lạc vào thiên đường với một không gian huyền bí. Trên trần động buông xuống một dải thạch nhũ đẹp lạ lùng, thạch nhũ như những chiếc lá vàng thanh mảnh xếp chồng lên nhau, cùng với giọt nước đều đặn rơi tí tách tạo ra âm thanh êm dịu, thanh thoát như tiếng tính tẩu quê hương; chạy dọc theo vách động là những dải đá dài giống như dãy thành đá, những người ham mê lịch sử sẽ nghĩ ngay đến lũy thành nhà Mạc. Hành trình khám phá, du khách sẽ bắt gặp những khối đá như tạc tượng, trong đó có hình ảnh một người mẹ địu con, làm ta nhớ đến câu chuyện cảm động về sự ra đời của chiếc địu thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tày, cạnh đó là khối đá như tạc con bạch hổ đang nhìn họ với ánh mắt trìu mến, đó chính là người chồng vì muốn bảo vệ vợ con của mình nên đã vào rừng tìm giết bạch hổ, sau khi hổ bị giết, máu của chàng và máu của hổ đã hòa vào nhau, người bị biến thành hổ... Sự quyến rũ của động Bản Thuôn không chỉ là những hình ảnh gắn với trí tưởng tượng của con người và những câu chuyện truyền thuyết ly kỳ mà còn khiến du khách phải ngỡ ngàng bởi những khối tượng thực đến sinh động. Điều thú vị nữa cho du khách hiếu kỳ là khối tượng mang hình ảnh kỳ lân, rồng và cây pháo hoa làm ta nhớ đến không khí rộn ràng, tưng bừng của lễ hội pháo hoa truyền thống. Điểm nhấn của ngườm Bản Thuôn là khối thạch nhũ giống như một bông hoa cúc đại đóa treo ngược với nhiều tầng, nhiều lớp cánh hoa kết tròn lại, cao hơn 5 m, chạm trần động với 6 người ôm không xuể. Du khách còn bị mê hoặc khi đến với “khu châu báu” với hình ảnh đôi chim uyên ương như bức tranh sơn mài được chạm trên nền vàng. Một kiệt tác nữa là tòa lâu đài hình tròn, được xây bằng vàng nguy nga tráng lệ, với những lớp tường thành uốn lượn và các chân cột trụ được tạc khéo léo, tỉ mẩn, dường như phải có phép lạ để tạo nên tác phẩm này. Từ khu vực này đi tiếp chừng 10 m, có một ngách nhỏ thông sang động Ngườm Ngao, du khách sẽ khám phá “đài sen úp ngược”, “cây san hô khổng lồ”, những cánh hoa như được gọt giũa công phu, tỉ mỉ đạt đến độ hoàn mỹ. Đây thực sự là một kiệt tác của tạo hóa làm nên “tên tuổi” của danh thắng Ngườm Ngao.
Thạch nhũ tại hang Ngườm Đăm, làng Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh). |
Hành trình khám phá hang động miền biên viễn, với hình hài các thạch, nhũ đá vô cùng đồ sộ, phong phú và đẹp mắt, cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền thay cho lời mời gọi du khách thập phương đến trải nghiệm và khám phá vùng CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng.
Theo baocaobang.vn
Ý kiến bạn đọc