Chợ phiên vùng cao, nét đặc sắc văn hóa cần được giữ gìn
BHG - Xuân đến, các phiên chợ vùng cao lại càng nhộn nhịp, tưng bừng hơn với những cành hoa Đào rực rỡ. Người dân địa phương có cơ hội giao lưu, trao đổi các mặt hàng nông sản, hàng dân dụng… Chợ phiên vùng cao là một bức tranh sinh động, phản ánh sự phát triển kinh tế ở vùng nông thôn Hà Giang đang ngày càng đổi mới. Người dân vùng cao đến chợ phiên không chỉ để giao lưu, trao đổi hàng hóa mà còn góp phần gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Một góc phiên chợ xã Thanh Vân (Quản Bạ). |
Chợ phiên xã Thanh Vân (Quản Bạ) họp vào thứ 4 hàng tuần. Ngày chợ, bà con các dân tộc bày bán nhiều mặt hàng, trong đó có nhiều gian hàng quần áo truyền thống của của dân tộc Mông. Những chiếc váy xòe sặc sỡ màu xanh, đỏ; những chiếc áo màu chàm… đã tạo nên bản sắc, nét văn hóa riêng của phiên chợ vùng cao. Anh Hạng Đức Thanh, chuyên buôn bán quần áo và đồ dân dụng, cho biết đã tham gia kinh doanh, trao đổi hàng hóa ở nhiều chợ phiên trên địa bàn huyện Quản Bạ. Mỗi chợ phiên lại mang một sắc thái riêng, rất đặc sắc. Dù đời sống có nhiều đổi thay, hàng hóa trao đổi cũng nhiều hơn, nhưng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào trong ngày chợ phiên vẫn được giữ gìn và thu hút nhiều du khách thập phương.
Chợ xã Thanh Vân trước đây là chợ rượu, người dân trong vùng gọi tên như vậy là do nhân dân ở xã thường mang rượu ngô đến chợ bán. Tuy nhiên, theo sự phát triển của thị trường, các quy định về quản lý sản xuất rượu chặt chẽ hơn, chợ rượu không còn phù hợp. Sau một thời gian tìm giải pháp, nhằm khuyến khích việc phát triển kinh tế trong nhân dân, chính quyền địa phương có chủ trương mở lại chợ nông thôn. Chủ tịch UBND xã Thanh Vân, Giàng Mí Mua, cho biết: “Theo chỉ đạo của huyện, đối với những xã có điều kiện cần đẩy mạnh hoạt động chợ một cách hiệu quả. Xuất phát từ nhu cầu kinh doanh, mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân, cấp ủy, chính quyền đã quyết định khôi phục lại chợ phiên để khuyến khích người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tạo không gian thuận lợi để nhân dân giao lưu, nắm bắt thêm thông tin về nhu cầu của thị trường, giúp ích cho việc tổ chức lại sản xuất”.
Chợ phiên mở ra, bà con bản gần, bản xa nô nức mang hàng hóa ra chợ trao đổi. Anh Hùng Văn Sinh, thôn Mã Hồng, xã Thanh Vân, cho biết: “Tôi mới đi bán hàng ở chợ được hơn 1 tháng nay, trước đây chưa có chợ, tôi ở nhà làm nông, chăn nuôi bò, chim bồ câu và trồng ngô, lúa. Dù mới bán hàng được mấy phiên chợ, nhưng khách hàng cũng khá đông. Từ các chợ phiên, nhà tôi có thêm một công việc để tăng thu nhập gia đình. Cấp ủy, chính quyền xã Thanh Vân mong muốn chợ sẽ duy trì hiệu quả, ổn định lâu dài và là nơi để người dân giao lưu, trao đổi hàng hóa. Đồng thời, những phiên chợ cũng điểm tô thêm sắc màu cho các xã vùng cao, là nét văn hóa đặc sắc cần được gìn giữ.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc