Một cuốn sách quý về văn hóa người Pầu Ỳ
BHG - Mới đây, tôi tình cờ có trong tay cuốn sách “Văn hóa người Pầu Ỳ” của Nhà nghiên cứu văn hóa, Nghệ nhân dân gian Ngũ Khởi Phượng (sinh 1934), dân tộc Bố Y, ở thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Sách dày 185 trang, do Nhà xuất bản Hồng Đức (Hà Nội) ấn hành năm 2015, số lượng in 300 bản, khổ 14 x 20,5 cm. Theo tôi được biết, đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi viết về văn hóa của người Pầu Ỳ, vì thế nó rất quý.
Tác giả Ngũ Khởi Phượng xuất thân từ nông dân. Hồi nhỏ, ông từng được học chữ Nho từ các ông thầy cao niên. Năm 1954, ông nhập ngũ và đóng quân ở Tỉnh đội Hà Giang. Khi vào bộ đội, ông được cử đi học lớp quân y. Sau 9 năm quân ngũ, ông được chuyển ngành, làm Trưởng phòng Y tế huyện Quản Bạ cho đến lúc nghỉ hưu (năm 1980). Mười năm sau ngày nghỉ hưu, khi cuộc sống đã tạm ổn định, ông mới có điều kiện để nghĩ đến chuyện sưu tầm, tìm hiểu về bản sắc văn hóa của người Pầu Ỳ. Cuốn sách này, tác giả Ngũ Khởi Phượng đã dành rất nhiều tâm huyết và công sức trong suốt hơn 20 năm để sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn. Sau rất nhiều lần chỉnh sửa, tác giả mới hoàn thiện được tập bản thảo để in thành sách. Đây là cuốn sách nhằm lưu giữ, quảng bá văn hóa của tộc người Bố Y (còn gọi là Pú Y, Pầu Ỳ...) - một dân tộc rất ít người, có dân số đứng thứ 49 trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đọc những điều tác giả Ngũ Khởi Phượng viết trong “lời giới thiệu” cuốn sách, mới thấy hết được nhiệt huyết và sự khó nhọc của ông: “... đến năm 2004, tôi mới sắp xếp được những tri thức về văn hóa của người Pầu Ỳ của mình thành hệ thống trong một quyển vở chép tay nhỏ. Mỗi năm tiếp theo, tôi lại bổ sung thêm vào vở những chi tiết mới sưu tầm thêm được về văn hóa của người Pầu Ỳ... Hiện nay, tôi tuổi đã cao, sức yếu, mắt đã mờ nhưng cũng cố gắng hoàn thành cuốn sách này. Đây là bản mới nhất, có nhiều tri thức về văn hóa cổ truyền mà người Pầu Ỳ còn nhớ, lưu giữ lại được và tôi đã chỉnh sửa những gì chưa chính xác ở các bản viết tay trước. Tuy chưa đầy đủ, nhưng cuốn sách cũng kể được ít nhiều về bản sắc văn hóa truyền thống của người Pầu Ỳ nhằm bảo tồn, phát huy và giới thiệu văn hóa Pầu Ỳ cho không chỉ dân tộc tôi mà cả bạn bè, người dân trong cả nước...”
Cuốn sách được kết cấu gồm 3 chương. Chương 1 - Khái quát về người Pầu Ỳ: lịch sử người Pầu Ỳ; Văn hóa tổng hợp của người Pầu Ỳ (kiến trúc nhà ở; y phục, trang sức; hoạt động kinh tế; tín ngưỡng; ngôn ngữ; văn học nghệ thuật; cách nuôi dạy con). Chương 2 - Nghi lễ thường niên và nghi lễ vòng đời của người Pầu Ỳ (Lễ tết Nguyên đán; Rằm tháng Giêng; Tết 30 tháng Giêng; Tết mồng 3 tháng 3; Tết mồng 5 tháng 5; Tết 6 tháng 6; Tết tháng 7; Tết lúa mới; Lễ mừng sinh; các lễ trong đám cưới; Lễ mừng tân gia; Lễ mừng thọ; các lễ trong đám ma). Chương 3 - Truyền thuyết, truyện cổ và dân ca Pầu Ỳ (truyền thuyết về vũ trụ; truyền thuyết về trống đồng; truyện “Hai anh em Tùng và Lầm”; truyện “Vì sao người chết phải làm ma?”; Truyện “Thuồng luồng bắt cô gái xe chỉ”; Truyện “Họ Ngũ Spà sinh vua lợn”; sơ lược về dân ca Pầu Ỳ; làn điệu và bài bản). Nội dung các phần cụ thể trong mỗi chương được tác giả dày công sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn, giúp người đọc nhận biết được tương đối đầy đủ những nét bản sắc riêng biệt trong văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống của người Pầu Ỳ cũng như sự “giao thoa”, “hợp dung” giữa văn hóa của người Pầu Ỳ với văn hóa của các dân tộc khác trong vùng.
Cuốn “Văn hóa người Pầu Ỳ” xứng đáng là một ấn phẩm quý, góp phần làm phong phú thêm kho tàng tri thức văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Hà Giang./.
NGUYỄN TRẦN BÉ
Ý kiến bạn đọc