Khúc tráng ca về cuộc mưu sinh nơi "hiểm địa" Mã Pì Lèng (Kỳ II: Trăn trở Mã Pì Lèng)

07:04, 25/05/2017

BHG- Từ trước khi có con đường Hạnh Phúc, Mã Pì Lèng được ví như là nơi mà đến ngựa cái vượt qua cũng phải trụy thai(!) Thế nhưng, bằng ý chí kiên cường, thanh niên xung phong, đồng bào Hà Giang đã khuất phục được cái “sống mũi ngựa” thách thức ngàn đời này để mở đường vượt qua Đệ nhất hùng quan. Đứng trên đường Hạnh Phúc “treo” bên hẻm vực, nhìn qua 3 xã Xín Cái, Sơn Vĩ và Thượng Phùng của Mèo Vạc, thấy một dải biên cương thăm thẳm bên trời. Nhìn xuống chân đèo là cuộc sống kiên cường của những chủ nhân Miền đá. Nó như một sự “song hợp” tạo nên khúc tráng ca về cuộc mưu sinh trên Miền đá biên cương!

[links()]

Xóm Mã Pì Lèng bám bên hẻm vực.
Xóm Mã Pì Lèng bám bên hẻm vực.

Anh Lục Văn Chấn, Chủ tịch UBND xã Pải Lủng có lần chia sẻ: Cuộc sống ở đây còn rất vất vả, thế nên khi thấy trẻ em nghèo đi học về qua Mã Pì Lèng, nhiều du khách đã thương cảm lấy quà, bánh, tiền cho các em. Không ít trẻ nhận quà thành quen, hàng ngày cứ lảng vảng trên tuyến đường để chờ xin khách. Nhiều người nói có hình ảnh đó là tại khách du lịch. Còn với anh Sình Mí Và, Chủ tịch Hội Nông dân xã thì chia sẻ, do đời sống bà con khó khăn quá, người lớn sáng mờ sớm đã phải mang cơm lên nương, quần quật cả ngày bên những hẻm vực sâu hun hút thì làm sao có thể quản lí con cái ở nhà. Đến như mình sau giờ làm việc Nhà nước, ngày nghỉ cũng phải lên nương giúp vợ đấy.

Vượt qua con đường bê-tông nhỏ hiếm hoi treo leo vào thôn Mã Pì Lèng, xã Pải Lủng. Bí thư Chi bộ thôn Giàng Mí Sính, tâm sự: Thôn mình có 56 hộ, 291 khẩu với 100% người Mông, trên 60% là hộ nghèo. Toàn thôn có khoảng 30 hộ có nương bên hẻm vực Mã Pì Lèng. Nhà mình cũng có một vạt nương bên hẻm vực. Bí thư Sính vừa cười vừa nói, nương đá treo leo ai nhỡ bị trượt xuống vực thì còn rơi nhanh hơn quả bóng. Ở đây hầu như ai cũng có cái sẹo trên mặt, do ngã phải đá đấy.

Chiều muộn, trên đèo Mã Pì Lèng gió thổi mát lạnh, tôi vẫn thấy vợ chồng trẻ Mua Mí Sính nhẩn nha làm nương mà chưa nghĩ đến việc về nhà nấu cơm. Sính sinh năm 1992, nhưng đã có 3 mặt con. Vạt nương nhà Sính là một trong những vạt nương nguy hiểm nhất, nó nằm ngay miệng hẻm vực Tu Sản. Sính cho biết, mùa ngô năm nay thuận hơn những mùa trước vì thi thoảng có mưa. Cây ngô phát triển nhanh, bắp sẽ chắc hạt, khi thu hoạch nếu có nặng cái quẩy tấu, leo lên miệng vực về nhà thì cũng thấy vui. Nhìn cảnh vợ chồng Sính mới thấy người dân ở đây cực nhọc canh tác ở nơi “hiểm địa” nhất Việt Nam, nhưng bù lại không phải người nông dân nào trong cả nước cũng được canh tác ở nơi Đệ nhất hùng quan như vậy.

Anh Ma Quốc Chưởng, vị Phó chủ tịch UBND mới của huyện Mèo Vạc cho biết, để giảm bớt khó khăn cho bà con, ngoài việc hỗ trợ phân bón hàng năm, huyện đang vận động và có cơ chế hỗ trợ bà con chuyển đổi sản xuất từ trồng ngô sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi hàng hóa, bởi trồng cỏ đỡ tốn công chăm sóc hơn. Thực tế đã có không ít hộ chuyển sang trồng cỏ, tận dụng các diện tích khe, vực để trồng cỏ, phát triển chăn nuôi đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, để đời sống bà con 2 bên hẻm vực vượt hẳn lên được thì rất khó. Cùng với đó, nhiều đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mèo Vạc trong cuộc trao đổi với chúng tôi đều khẳng định, dù khó khăn về địa hình và canh tác, nhưng Mã Pì Lèng chứa đựng những tiềm năng phát triển du lịch rất lớn chưa khai thác hết.

Quả thực, nhìn vào những gì đang diễn ra trên Công viên đá nói chung và ở khu vực Danh thắng Mã Pì Lèng nói riêng, dễ dàng nhận thấy du lịch đang có vận hội cất cánh. Mã Pì Lèng nổi tiếng đến mức mỗi ngày nơi đây có hàng trăm lượt du khách, trong đó có công dân của nhiều quốc gia đến đây, họ trầm trồ với vẻ đẹp nơi “hiểm địa”. Song, đa phần họ chỉ mới biết đến cảnh quan treo leo của Mã Pì Lèng mà chưa nhiều người biết về phương thức canh tác độc đáo nơi “hiểm địa” của người dân bên hẻm đèo.

Dừng chân tại đoạn đường dưới vách đá Trắng, đôi bạn phượt Gôn za lét và Ma rơ lin, đến từ Tây Ban Nha khi thấy tôi đang mải miết chụp ảnh bà con làm nương, họ nói với tôi, cảnh đẹp quá nhưng nguy hiểm quá. Cùng với đôi bạn Tây Ban Nha, không ít du khách trong và ngoài nước khi qua đây đều dừng chân để mon men xuống phía dưới hẻm vực, chụp ảnh, khám phá kỳ quan thiên nhiên Mã Pì Lèng đang rất nổi trên mạng xã hội.

Hẻm vực Tu Sản vẫn còn mộc mạc và chứa đầy tiềm năng du lịch.
Hẻm vực Tu Sản vẫn còn mộc mạc và chứa đầy tiềm năng du lịch.

Được biết, thời gian qua có rất nhiều ý tưởng khảo sát và cũng đã có nhiều sự đầu tư khai thác Danh thắng Mã Pì Lèng cho phát triển du lịch. Trong đó có việc đầu tư xây dựng Điểm dừng chân; xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Mông ở xã Pả Vi; quy hoạch, bảo tồn vườn đá xã Pải Lủng phục vụ thăm quan du lịch; ý tưởng xây dựng tuyến du lịch đi bộ dưới vách đá Trắng... Song nhìn vào thực tế ở Mã Pì Lèng, là điểm trung tâm mà hầu như các tua, tuyến du lịch đến Hà Giang đều qua, tôi tự hỏi tại sao chúng ta không thể đưa phương thức canh tác nơi “hiểm địa” Mã Pì Lèng trở thành một sản phẩm du lịch!?. Kết hợp với với cảnh quan, sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Mông nơi đây, chúng ta có thể nghiên cứu xây dựng một tua du lịch mi ni “Trải nghiệm canh tác nơi hiểm đia nhất Việt Nam”.

Bí thư chi bộ thôn Mã Pì Lèng của xã Pải Lủng Giàng Mí Sính, Trưởng thôn Giàng Mí Gió khi nghe tôi nói về ý tưởng xây dựng tua du lịch mi ni “Trải nghiệm canh tác nơi hiểm địa nhất Việt Nam” do người dân của thôn thực hiện, đều rất ưng cái bụng. Song họ không khỏi phân vân, trăn trở, bà con ở đây chưa bao giờ làm cả, gặp Tây thì không biết nói tiếng và nếu có làm thì cũng không có kinh phí và không biết sẽ bắt đầu từ đâu...

Bảo tồn di sản là điều sống còn của Công viên đá. Muốn bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, điều quan trọng nhất là phải dựa vào cộng đồng. Vì thế việc tạo ra sinh kế từ những di sản đó để giúp người dân vươn lên sẽ là cách để bảo tồn tốt nhất di sản. Từ thực tế đó, nếu chúng ta phát triển được du lịch cộng đồng do chính những chủ nhân đang canh tác nơi “hiểm địa” nhất Việt Nam thực hiện thì việc bảo tồn sẽ cực kỳ bền vững.

Những trăn trở ở Mã Pì Lèng cũng là trăn trở của nhiều nơi trên Công viên đá. Làm gì để biến khó khăn thành cơ hội phát triển, làm gì để biến di sản trở thành sinh kế cho người dân!?. Đó chính là câu hỏi mà chúng ta đang đi tìm trong công cuộc bảo tồn, xây dựng và phát triển Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Và trong sự trăn trở ấy, đồng bào Mông nơi “hiểm địa” Mã Pì Lèng vẫn đang từng ngày âm thầm, kiên cường mưu sinh với một phương thức canh tác ở nơi “hiểm địa” nhất Việt Nam. Vẻ đẹp của Đại hùng quan và phương thức canh tác độc nhất vô nhị nơi đây vẫn đang là tiềm năng và chờ đợi những hành động “biến khó khăn thành cơ hội phát triển” của các cấp, các ngành, địa phương và người dân.

Mèo Vạc, tháng 5.2017

Ký của: Huy Toán


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Yên Minh gấp rút chuẩn bị kỳ thi THPT Quốc gia

BHG- Không đầy một tháng nữa kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 sẽ diễn ra. Đây là thời điểm thầy và trò các trường THPT trên địa bàn huyện Yên Minh đang gấp rút ôn tập, hoàn tất việc chuẩn bị về cơ sở vật chất để kỳ thi diễn ra an toàn, chất lượng.

25/05/2017
Khúc tráng ca về cuộc mưu sinh nơi "hiểm địa" Mã Pì Lèng (Kỳ I: Chinh phục thiên nhiên, gieo mầm sống nơi "hiểm địa")

BHG- "Sống trên đá, chết nằm trong đá" là câu nói nhiều người hay nhắc đến cuộc sống của người dân vùng Cao nguyên đá. Còn với tôi, sau những lần trải nghiệm Miền đá, có một điều ngỡ ngàng hơn, đó là việc người dân 2 bên hẻm vực Tu Sản và dưới chân đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc đang nắm giữ một "kỷ lục" không ai muốn, họ canh tác, sinh sống tại một trong những nơi "hiểm địa" nhất Việt Nam. 

24/05/2017
Hội thảo hệ thống Nhà thiếu nhi cấp huyện năm 2017

BHG - Ngày 22.5, Tỉnh đoàn Hà Giang tổ chức Hội thảo hệ thống Nhà thiếu nhi cấp huyện năm 2017. Tham dự Hội thảo có đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh...

23/05/2017
Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Nhà thiếu nhi tỉnh

BHG - Sáng 23.5, tại Hội trường tầng 4 Nhà thiếu nhi (NTN) tỉnh, Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập (1992 – 2017) Nhà thiếu nhi tỉnh đã được tổ chức. Dự buổi lễ có các đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Tú Oanh, Phó Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo NTN tỉnh qua các thời kỳ; đại diện NTN thành phố Hà Nội, Tuyên Quang, Điện Biên và đông đảo các em thiếu nhi trên địa bàn tỉnh.

23/05/2017