Tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm
BHG - Có thể nói, với truyền thống sản xuất nông nghiệp, đất nước ta có rất nhiều lễ hội, đặc biệt là vào mùa Xuân. Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các địa phương; nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục, đổi mới để phù hợp với thực tiễn, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Song bên cạnh đó, sự xuất hiện của không ít lễ hội phi truyền thống, có biểu hiện thương mại hóa, phản cảm...
Đối với Hà Giang, mảnh đất đậm đà bản sắc văn hóa, nơi có những lễ hội riêng lạ như: Cầu mưa, Cầu Trăng, Nhảy lửa, Lồng tồng, Khèn Mông, Đua cá và đặc biệt là Lễ hội Chợ tình Khâu Vai nức tiếng cả nước... Những lễ hội đó mang đến tiềm năng to lớn trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa và phục vụ cho việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, những năm qua trên địa bàn cũng đã xuất hiện không ít những lễ hội phi truyền thống; có những địa phương đã huy động theo hình thức xã hội hóa, xây dựng sân bãi quy mô để phục vụ cho việc tổ chức các lễ hội, hội như: Lễ hội Chọi trâu, đấu ngựa, chọi dê, chọi bò. Song tại một số sới đấu, chọi đã mang mầu sắc thương mại, bạo lực và phản cảm như việc tổ chức bán vé giá cao, xẻ thịt trâu chọi ngay tại sới chọi, cá cược phi pháp tại sới chọi...
Múa lân trong Lễ hội Đường phố của thành phố Hà Giang. |
Được biết trước thực tế trên, ngày 1.4.2016, Sở VHTT&DL ban hành Công văn số 218 về việc không tổ chức và thu hồi Giấy phép tổ chức lễ hội và một số hội có yếu tố bạo lực, phản cảm trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết loại bỏ các lễ hội, hội có yếu tố bạo lực, phản cảm gây bức xúc dư luận. Ngành đã tích cực đề nghị UBND các huyện, thành phố phối hợp thực hiện các nội dung như: Không tổ chức các Lễ hội Chọi trâu, Hội chọi trâu, bò, đấu ngựa và một số hội có yếu tố kích động bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống dân tộc. Đồng thời thu hồi các Giấy phép tổ chức các lễ hội, hội nêu trên.
Với sự nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ VHTT&DL về vấn đề quản lý, tổ chức lễ hội; trong đó có những lễ hội mang tính chất thương mại, phản cảm, theo ghi nhận của chúng tôi, từ đầu năm 2017 đến nay, đã không có địa phương nào trong tỉnh tổ chức Lễ hội Chọi trâu, đấu ngựa, chọi bò hoặc các lễ hội không phù hợp thuần phong mỹ tục.
Thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý lễ hội, lễ kỷ niệm, ngày 27.2.2017, UBND tỉnh có Công văn số 676 về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. UBND tỉnh chỉ đạo, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của T.Ư và tỉnh, các quy định của pháp luật về công tác quản lý, tổ chức lễ hội và các lễ kỷ niệm. Quán triệt toàn thể cán bộ, chiến sỹ, lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, tuyệt đối không đi và tham gia lễ hội trong giờ hành chính, trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ. Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh cũng chỉ rõ, việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống phải đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí.
Trao đổi với chúng tôi về công tác quản lý, tổ chức lễ hội; đồng chí Lâm Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết: Hà Giang hiện có khoảng 50 lễ hội, chủ yếu là lễ hội truyền thống. Những năm qua cũng có xuất hiện một số lễ hội mới như: Chọi trâu, đấu ngựa, chọi bò, dê. Chấn chỉnh việc tổ chức, quản lý, ngành VHTT&DL tích cực tham mưu cho tỉnh hướng dẫn công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn; thu hồi Giấy phép đã cấp cho một số lễ hội có biểu hiện phản cảm; tăng cường công tác thanh tra tổ chức lễ hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện mê tín dị đoan, thương mại, trục lợi trong lễ hội. Các đơn vị, địa phương bị thu hồi Giấp phép tổ chức một số lễ hội như: Chọi trâu, bò, đấu ngựa đến nay đã nghiêm túc chấp hành...
Phát huy những lễ hội truyền thống trong đời sống hiện tại là một nội dung được ngành VHTT&DL coi trọng trong những năm qua. Theo Phó giám đốc Sở VHTT&DL, đồng chí Lâm Tiến Mạnh: Để phát huy, bảo tồn các lễ hội truyền thống, ngoài việc phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, các lễ hội cần phải tập trung gắn với phát triển du lịch. Điều này đã được chúng ta thực hiện tốt trong thời gian qua như các lễ hội: Chợ tình Khâu Vai, Hoa Tam giác mạch, Khèn Mông, Đua cá... Thời gian tới, ngành VHTT&DL sẽ tiếp tục tham mưu bảo tồn, phát huy tốt các lễ hội cũng như việc đổi mới các lễ hội cho phù hợp với đời sống hiện tại.
Bài, ảnh: Huy Toán
Ý kiến bạn đọc