Một gia đình dân tộc Giấy hiếu học ở xã Mậu Long
BHG - Tới thôn Nà Mòn, xã Mậu Long (Yên Minh) hỏi thăm gia đình ông Nùng A Pênh, người dân tộc Giấy thì ai cũng biết. Bởi gia đình ông là gia đình hiếu học tiêu biểu của xã khi có 4 người con đều theo học đại học, cao đẳng và thành đạt.
Từ trung tâm xã Mậu Long, vượt quãng đường đất hơn 8 km, chúng tôi hỏi thăm tới nhà ông Nùng A Pênh. Tuy năm nay đã 55 tuổi, nhưng ông vẫn còn khỏe, nhà chỉ có ông và vợ là lao động chính nên công việc lúc nào cũng bộn bề. Vừa luôn tay thái cỏ cho bò, ông Pênh vừa tâm sự: “Già rồi nhưng vẫn phải cố làm để nuôi các con ăn, học. Nhà có 4 người con, đứa nào tôi cũng cho ăn, học đầy đủ; chỉ mong sau này thoát được cảnh nhà nông”. Với sự chăm sóc, giáo dục chu đáo, những người con của ông Pênh lần lượt thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, rồi ra trường và có việc làm ổn định. Con cả của gia đình ông là Nùng Thị Sầu và người con trai thứ 2 là Nùng A Lái hiện đang là giáo viên Mầm non và Tiểu học tại điểm trường thôn Nà Mòn.
Máy xay xát của ông Pênh không chỉ phục vụ gia đình mà còn cho cả bà con trong thôn. |
“Chỉ có con đường học vấn mới thoát nghèo vĩnh viễn”, nhận thức được điều này, ông Pênh càng động viên các con học tập. Chăm cây cũng đến ngày cho quả ngọt, người con thứ 3 của ông là Nùng A Tếm cũng xuất sắc thi đỗ Trường Đại học y Hà Nội, năm nay đã bước sang năm học thứ 5. Năm nay, cô con gái út Nùng Thị Hoe cũng trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang. Cứ như thế, các con của ông nối tiếp nhau đi học. Được biết, ông Pênh còn nuôi thêm một người cháu, đến nay cũng đã ra trường và đi làm.
Thời gian đầu, vợ chồng ông gặp rất nhiều khó khăn vì nhà tới 6 miệng ăn. Các con đi học, lao động trong nhà giảm đi mà chi phí cho các con ăn, học thì ngày một tăng lên. Tuy nhiên vất vả, khó khăn đến mấy; ông, bà cũng nhất quyết không cho các con nghỉ học. Để lo cho các con học hành, ông Pênh luôn tích cực phát triển kinh tế gia đình. Hiện, ngoài trồng 0,7 ha ngô và 0,4 ha lúa mỗi vụ, ông còn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt. Đàn trâu, bò và dê của gia đình ông có lúc nhiều lên đến 40 con. Ngoài ra, nhà ông có 1 trang trại rộng 200 ha; trong đó, 120 ha trồng keo đến nay cũng chuẩn bị cho lấy gỗ. Diện tích còn lại ông trồng cỏ cho trâu, bò, đào ao thả cá, nuôi thêm gà, vịt. Từ những khoản thu trên, mỗi năm trừ chi phí ông cũng thu được trên 100 triệu đồng.
Là một người dám nghĩ, dám làm, ông Pênh cũng tích cực áp dụng khoa khọc kỹ thuật vào sản xuất. Diện tích lúa và ngô nhiều năm trở lại đây ông đều trồng giống lai nên cho năng suất cao lại ít bị sâu bệnh. Ông cũng mạnh dạn đầu tư mua thêm máy xay xát lúa gạo để phục vụ nhu cầu của gia đình và bà con trong thôn. Ngoài ra, còn có thêm máy nghiền ngô, máy tẽ ngô nên tiết kiệm được sức lao động. Nhờ tích cực tăng gia sản xuất, cuộc sống gia đình cũng dần ổn định và trang trải cho các con ăn học.
Ông Sìn A Chung, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Mậu Long chia sẻ: Một gia đình luôn quan tâm, ưu tiên cho việc học tập của con cái như gia đình ông Nùng A Pênh là rất hiếm; gia đình ông được xã công nhận là Gia đình hiếu học tiêu biểu. Đồng thời, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đem lại cho địa phương những bác sĩ, giáo viên tài năng”.
Ở một xã miền núi khó khăn như Mậu Long, lại là người đồng bào dân tộc thiểu số, có gia đình hiếu học như nhà ông Pênh thật đáng trân trọng!
Phạm Hoan
Pham
Ý kiến bạn đọc