Hoàng Su Phì phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

18:27, 10/03/2017

BHG - Nằm ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh, Hoàng Su Phì được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp, phong phú và đa dạng. Cùng với đó là những lễ hội đặc trưng của 12 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, đây chính là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc một cách bền vững.

Chủ trương phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa được UBND huyện cụ thể hóa bằng Đề án “Phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, huyện sẽ thực hiện việc bảo tồn các bản sắc văn hóa dân tộc để hỗ trợ du lịch phát triển và ngược lại; chú trọng quy hoạch các vùng, tuyến, điểm du lịch; đầu tư hỗ trợ các thôn, bản, gia đình tại các tuyến du lịch về cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ; củng cố các đội văn nghệ quần chúng tại các làng văn hóa và trình diễn các lễ thức, lễ hội thông qua sân khấu hóa để biểu diễn phục vụ (có thu phí) khách du lịch; khôi phục, xây dựng các làng nghề thủ công truyền thống... Đồng thời, có các cơ chế chính sách để kích cầu du lịch như: Xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng, hỗ trợ xây dựng các công trình vệ sinh, mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư về lĩnh vực du lịch; tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của huyện.

Dự án HELVETAS hỗ trợ xây dựng nhà du lịch cộng đồng đạt chuẩn cho người dân tại thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên.
Dự án HELVETAS hỗ trợ xây dựng nhà du lịch cộng đồng đạt chuẩn cho người dân tại thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên.

Thực tế là việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được Hoàng Su Phì thực hiện tốt, phát huy hiệu quả tích cực. Hiện,  toàn huyện có 17 di sản văn hóa phi vật thể đang được điều tra, sưu tầm; có 1 di tích cấp Quốc gia, 4 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, Lễ cúng Thần rừng của người Nùng, Lễ hội Khu cù tê dân tộc La Chí, Lễ hội Quýa Hiéng của dân tộc Dao đỏ đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Ngoài ra, huyện vẫn còn giữ được nguyên vẹn những cánh rừng nguyên sinh kỳ vĩ, Di tích Quốc gia Ruộng bậc thang, nương chè Shan tuyết cổ thụ, đỉnh Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi cao trên 2.400 m so với mực nước biển... Đây những tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái và du lịch văn hoá cộng đồng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Chỉ tính riêng trong năm 2016, đã có trên 12.700 lượt khách đến huyện, trong đó, khách nước ngoài là trên 3 nghìn lượt khách, doanh thu ước đạt trên 6 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Việt Tuân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin của huyện cho biết: Thời gian qua, nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; từ năm 2015, UBND huyện đã phối hợp với Tổ chức HELVETAS triển khai Dự án “Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số” nhằm triển khai, hỗ trợ phát triển hệ thống các nhà du lịch cộng đồng đạt chuẩn tại các thôn, bản trong huyện. Đến nay, đã có 8 nhà hoàn thành giai đoạn nâng cấp đầu tư và đưa vào sử dụng; trong đó, có 7 nhà sàn và 1 nhà đất với tổng công suất 97 giường, công suất sử dụng bình quân đạt 47%. Theo kế hoạch, đến hết năm 2018 sẽ có ít nhất 15 nhà du lịch cộng đồng được đầu tư xây dựng tại các thôn, bản trong vùng du lịch trọng điểm để phục vụ và khai thác dòng khách du lịch mạo hiểm và du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng.

Tuy vậy, cùng với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hoá khác nhau đang xâm nhập vào đời sống xã hội ở vùng đồng bào dân tộc, gây ảnh hưởng, tác động mạnh đến văn hoá truyền thống, nguy cơ làm phai mờ, biến dạng bản sắc dân tộc. Do đó, việc bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, cần phải thực hiện thường xuyên và lâu dài.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch tại địa phương, trong thời gian tới, huyện đã xác định xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển KT-XH một cách toàn diện, đặc biệt là Đề án “Phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2016-2020”. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chính sách giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa gắn với bảo quản, giữ gìn, bảo tồn di tích cách mạng, di tích văn hóa, cảnh quan và môi trường văn hóa ở từng vùng, từng địa phương...

Bài, ảnh: TIẾN LÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hà Giang lần thứ III

BHG- Sáng 28.2, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Tp. Hà Giang tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo Tp. Hà Giang, Hội VHNT tỉnh và đông đảo hội viên Hội VHNT thành phố.

28/02/2017
Xây dựng Công viên Địa chất, nhiệm vụ cả hệ thống chính trị

BHG- Ngày 30.7.2013, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC)- Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2013 – 2020. Trên cơ sở đó, những năm qua chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong việc xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị của CVĐCTC- Cao nguyên đá. 

28/02/2017
Hoàng Su Phì công bố Quyết định xếp hạng các di tích lịch sử - văn hóa của huyện

BHG - Tối 26.2, tại sân vận động trung tâm huyện, huyện Hoàng Su Phì đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ cúng rừng của dân tộc Nùng và xếp hạng bổ sung di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang của huyện. Tới dự buổi Lễ có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao - du lịch; lãnh đạo 2 huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần và đông đảo bà con nhân dân thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì)…

27/02/2017
Lễ hội Bàn Vương xã Ngọc Đường

BHG- Ngày 27.2 (tức ngày 2.2 Âm lịch), đồng bào dân tộc Dao tại thôn Nậm Tài, xã Ngọc Đường (Tp. Hà Giang) tưng bừng tổ chức Lễ hội Bàn Vương. Tới dự có các đồng chí lãnh Tp. Hà Giang, xã Ngọc Đường, cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương. 

27/02/2017