Bảo tồn và gìn giữ giá trị di sản cho hôm nay và các thế hệ mai sau
BHG - Theo quy định của Mạng lưới Công viên Địa chất (CVĐC) Toàn cầu (GGN), định kỳ 4 năm GGN tổ chức thẩm định, đánh giá lại các công viên thành viên tại thực địa về kết quả thực hiện các tiêu chí và khuyến nghị của GGN. Đồng thời cũng là dịp để các công viên đánh giá kết quả thực hiện các khuyến nghị của GGN sau 4 năm tổ chức triển khai thực hiện, CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã được công nhận lại vào năm 2014.
CVĐC Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn chứa đựng giá trị các di sản: Địa chất, văn hóa, lịch sử và đa dạng sinh học với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ còn nguyên vẹn, giữ được đến ngày nay và chứa đựng kho tàng văn hóa, lịch sử vô cùng phong phú, đặc sắc của 17 dân tộc. Được sự giúp đỡ của các Bộ, ngành, cùng các nhà khoa học trong nước, quốc tế đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản. Đặc biệt, tỉnh Hà Giang đã có nhiều nỗ lực, đầu tư trên các lĩnh vực nhằm đáp ứng các tiêu chí và khuyến nghị của GGN để bảo vệ các giá trị di sản vô giá trước những tác động của thiên nhiên và con người cho hôm nay và các thế hệ mai sau.
Cao nguyên đá Đồng Văn. |
CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên duy nhất tại Việt Nam. Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát triển CVĐC, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành quy định quản lý di sản, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn, phân vùng khu vực quản lý và bảo tồn, các giá trị cần bảo tồn, các kế hoạch bảo tồn và phát triển hàng năm, đồng thời nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Ban quản lý, các sở, ngành, chính quyền địa phương các doanh nghiệp và toàn dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp tỉnh quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng, bảo tồn di tích lịch sử - văn hoá, địa chất - địa mạo và khảo cổ học gắn với phát triển du lịch bền vững trong khu vực.Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã xác định việc xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn hướng tới ba mục tiêu chính là: Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản bao gồm: Di sản địa chất, văn hóa - lịch sử và đa dạng sinh học; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng và quảng bá, giới thiệu hình ảnh về CVĐC; thúc đẩy các hoạt động phát triển KT – XH của địa phương, tạo sinh kế và nguồn thu nhập cho cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân trên CVĐC.
Để phát huy giá trị các di sản CVĐC toàn cầu UNESCO - Cao nguyên đá Đồng Văn, đặc biệt là bảo vệ và giữ nguyên giá trị các di sản vô giá, nổi bật cho hôm nay và các thế hệ mai sau, các cấp, các ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động trên CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐC. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí ở trong nước và Quốc tế tăng cường thông tin, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu giá trị các di sản, nhiệm vụ quản lý, bảo tồn di sản cũng như các sản phẩm du lịch mới, độc đáo hấp dẫn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với CVĐC Đồng Văn.Tiếp tục nhiên cứu, xây dựng và đề xuất ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng CVĐC để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân trong nước và quốc tế đến nghiên cứu, thăm quan và đầu tư các dịch vụ thích hợp theo quy hoạch; triển khai lập dự án và tổ chức thực hiện các dự án trùng tu, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi các di tích, di sản, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên trong khu vực theo quy hoạch được duyệt; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối CVĐC với thành phố Hà Giang và các khu, điểm du lịch khác tạo thành các tua, tuyến liên hoàn, thuận tiện mang tính chất nội vùng và liên vùng.
Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý di sản, các hoạt động kinh doanh dịch vụ, thương mại phục vụ cho hoạt động phát triển KT – XH trên địa bàn CVĐC đảm bảo bền vững, tạo nét riêng, đặc trưng của CVĐC, không chỉ với các điểm du lịch trong tỉnh mà còn có sự thu hút khác biệt đối với các điểm du lịch trong vùng, khu vực, trong cả nước và quốc tế; tăng cường hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế cộng đồng, giúp người dân sống trong khu vực có cuộc sống ổn định, gắn với di sản và bảo vệ di sản; đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực để khai thác một cách hợp lý và có hiệu quả giá trị di sản. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về hoạt động du lịch và ngoại ngữ.
Một điều quan trọng nữa là cần tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi từ các Bộ, ngành T.Ư và các địa phương trong việc bảo vệ, tôn tạo, giữ gìn các giá trị di sản và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ các hoạt động thương mại, du lịch. Kết hợp kêu gọi sự tài trợ ủng hộ của các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp để có nguồn lực đầu tư các hạng mục, các công trình thiết yếu phục vụ các hoạt động trong và ngoài khu di sản theo quy hoạch.
Bài, ảnh: Nguyễn Thanh Giang
(BQL CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn)
Ý kiến bạn đọc