Bước "chuyển mình ngoạn mục" của Tam giác mạch
BHG- Với đồng bào vùng Cao nguyên đá, cây Tam giác mạch đã rất đỗi thân quen từ lâu đời vì đây là một loại cây lương thực giúp người dân đảm bảo dinh dưỡng trong những ngày Đông giá rét. Trước đây, người dân nơi đây chỉ quan tâm đến năng suất và chất lượng của hạt, những bông hoa họ không để ý. Còn với chúng tôi, ấn tượng đầu tiên với Tam giác mạch không phải là hạt, cũng không phải là hoa mà là... thân cây Tam giác mạch. Bây giờ, nhờ sự phát triển của dịch vụ, du lịch, cây Tam giác mạch đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo không thể thiếu trên Cao nguyên Đồng Văn và góp phần tăng thêm thu nhập không nhỏ cho đồng bào vùng cao.
Du khách bên hoa Tam giác mạch. |
Trong hơn 20 năm công tác ở Báo Hà Giang, thì 7 năm tôi gắn bó với 4 huyện vùng cao phía Bắc, đặc biệt là huyện Đồng Văn. Hầu hết các xã, thị trấn và nhiều thôn, bản xa xôi vùng biên ải này đã được đặt dấu chân. Những khó khăn, khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết vùng này cũng đã từng nếm chải. Những đặc sản hiếm hoi, mộc mạc vùng đất này cũng đã được thưởng thức... và ngày ấy, đời sống của nhân dân các dân tộc ở Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ còn vô cùng khó khăn, chỉ biết cặm cụi lo cái ăn, cái mặc giữa cuộc sống nhọc nhằn thiếu đất, thiếu nước mà đầy dẫy những giá lạnh, hanh khô, lốc tố, nắng đổ...
Cũng như cây rau dền, cao lương, giong diềng,... cây Tam giác mạch như một cứu cánh khi mà cây lương thực chính là cây ngô chỉ trồng được 1 vụ. Vào thời điểm tháng 10, 11 hàng năm; ven Quốc lộ 4C, những vạt Tam giác mạch được trồng rải rác, mọc lẫn với cây Bạc hà và hoa Cúc dại, nằm lẫn với những vạt cải trổ hoa vàng rực rỡ. Vẻ đẹp dịu dàng, huyền ảo của những bông hoa Tam giác mạch nhỏ nhoi vẫn chưa được khám phá, khai mở. Với nhiều người không sinh ra, lớn lên ở Cao nguyên đá thì loại cây này còn hết sức lạ lẫm hoặc chỉ là sự tò mò thoảng qua!
Với tôi (và nhiều người khác) chắc đã được nhìn thấy hoa, đã được ăn bánh Tam giác mạch; nhưng đều không để ý tìm hiểu, để rồi trôi qua trong quên lãng. Chỉ đến một lần, vào khoảng cuối năm 2008, tôi và anh bạn phóng viên ảnh Lê Anh Tuấn (Báo Lao Động) cùng có chuyến công tác tại huyện Đồng Văn. Trên quãng đường rong ruổi từ huyện vào xã Lũng Cú, chúng tôi thường xuyên bắt gặp trên bờ nương đá được phủ kín một loại thân cây có màu tím đỏ, nổi bật giữa một vùng đá xám mênh mông. Tò mò, Lê Anh Tuấn hỏi: Cây gì ấy nhỉ? Sao nhiều và đẹp thế này! (mặc dù chỉ là thân cây đã thu hoạch phơi trên bờ nương đá). Lúc ấy tôi cũng chỉ mang máng, không nhớ nổi tên. Thật may có anh Ly, lái xe của UBND huyện trả lời rằng, đấy là thân cây Tam giác mạch, thời điểm này là cuối vụ rồi, bà con đã thu hoạch hạt làm bánh, thân cây thì xếp lên rào đá để sau này làm phân bón cho cây ngô. Từ lúc đó, Lê Anh Tuấn cứ “cuốn” lấy đồng chí lái xe của huyện xoay quanh chủ đề về Tam giác mạch được trồng từ bao giờ? Trồng để làm gì? Trồng như thế nào?... Và tôi lúc đó cũng bị “hút” theo chân những nương đá tím thẫm trải dài hết triền nương này sang triền nương khác bởi thân cây Tam giác mạch.
Đến Lũng Cú, chúng tôi chìm vào không khí náo nhiệt của mua bán, trao đổi hàng hóa ngày chợ phiên. Thiếu nữ Mông trong những bộ trang phục rực rỡ sắc màu như xua đi cái rét sắc ngọt vùng đá núi biên thùy. Trong chợ, ngoài một số gian hàng tạp hóa, hàng tiêu dùng thì chủ yếu là các loại nông sản địa phương, trong đó có cả bánh Tam giác mạch. Hạt Tam giác mạch sau khi thu hoạch được phơi khô, bỏ vỏ, giã mịn thành bột và nặn tròn dẹt, có đường kính 20 đến 25 cm, bề dày khoảng 3 cm được đồ chín. Đến chợ, những chiếc bánh tiếp tục được nướng vàng trên than hồng và sẵn sàng để thưởng thức. Chúng tôi ngồi quanh một bếp than và nhấm nháp hương vị bánh Tam giác mạch ở địa đầu Tổ quốc, nơi mà từng ngày, từng giờ, quân và dân luôn nêu cao tinh thần giữ vững chủ quyền biên giới, nơi mà cây Tam giác mạch mỏng manh nhưng không gục ngã trước bao khắc nghiệt của đất trời.
Ngây ngất cùng hoa! Ảnh: QUỲNH HƯƠNG |
Sau khi Cao nguyên Đồng Văn được công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, lượng khách tham quan, khám phá cao nguyên tăng dần lên; những mảnh nương Tam giác mạch trổ hoa có dịp khoe mình và đáp ứng được nhu cầu thưởng lãm của du khách, chinh phục được trái tim những người yêu hoa. Từ đó, hoa Tam giác mạch cứ bừng lên, những cánh hoa nhỏ nhắn đa sắc: Trắng, hồng, tím, đo,... nở miên man trên bập bềnh đá xám, níu hồn người vào hương sắc cao nguyên. Rồi chính quyền địa phương vào cuộc, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng Tam giác mạch; quy hoạch, mở rộng diện tích trên khắp khu vực Công viên Địa chất. Thay cho những mảnh nương nhỏ lẻ, rải rác trước đây; đến nay, Tam giác mạch được trồng thành những vùng rộng lớn như cánh đồng Tam giác mạch ở Pả Vi (Mèo Vạc); Sủng Là, dọc theo quãng đường từ ngã ba Sà Phìn, đi Lũng Táo, Ma Lé, Lũng Cú (Đồng Văn); Quyết Tiến (Quản Bạ),... được du khách cả nước biết đến. Sản phẩm từ Tam giác mạch, ngoài làm bánh thủ công theo truyền thống còn nấu rượu, sản xuất bánh theo công nghệ mới, bảo quản được lâu, theo du khách đến mọi miền đất nước.
Tam giác mạch nở chưa? Năm nay, Hà Giang trồng nhiều không? Nhà nghỉ, nơi ăn trên đấy thế nào?... Đó là những câu hỏi thường xuyên của bạn bè, người thân khắp nơi điện thoại đến trước thềm Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ hai. Câu hỏi này không chỉ đối với riêng tôi, có lẽ nó đều dành cho mọi người ở Hà Giang. Vẫn là cây Tam giác mạch nhỏ nhoi thôi, trước đây chỉ dùng làm bánh, nhưng nay giá trị đã được nhân lên bội phần. Ngoài giá trị tinh thần cho cả người thưởng ngoạn và người trồng thì giá trị về kinh tế mang lại cho người dân khá lớn, góp phần giúp đồng bào vùng cao xóa đói, giảm nghèo vươn lên trong cuộc sống còn đang bộn bề khó khăn.
AN DƯƠNG
Ý kiến bạn đọc