Hà Giang

Hoa Tam giác mạch, sức cuốn hút của miền cực Bắc

07:18, 13/10/2016

BHG- “Cô đã từng ao ước, đúng hơn là khao khát một lần được đến Hà Giang, nhìn tận mắt hoa Tam giác mạch (TGM), nhưng điều kiện chưa cho phép, nên bây giờ mới cùng gia đình lên đây. Cảm giác lần đầu tiên nhìn thấy hoa khó diễn tả bằng lời. Vui mừng như đứa trẻ được nhận món quà mà nó hằng yêu thích vậy. Cô chỉ muốn nói rằng Hà Giang cảnh đẹp, con người cũng rất tuyệt vời”. Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Minh, cựu giáo viên đến từ Hà Nội, khi dừng chân tại xã Sủng Là (Đồng Văn). Đây cũng có lẽ là cảm nhận chung của rất nhiều người khi đặt chân đến Hà Giang, nhất là vào ngày Thu tháng 10 này.

Khoảnh khắc du khách nước ngoài mê mải bên cánh đồng hoa TGM.
Khoảnh khắc du khách nước ngoài mê mải bên cánh đồng hoa TGM.

Cảm giác được đứng trên Cột cờ Lũng Cú, đưa tay chạm lá cờ như chạm tới quê hương, lòng phơi phới tự hào; ước ao một lần ngắm Dinh thự của Vua Mèo; đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng hùng vĩ – một trong tứ đại đỉnh đèo, ngắm dòng sông Nho Quế xinh đẹp như một dải lụa vắt ngang khe núi; hơn hết là ngắm những bông hoa TGM nhỏ li ti, hồng hồng trắng trắng miên man xen cùng với đá,... Tất cả những cảm giác ấy, chỉ có Hà Giang mới đủ sức đem lại cho du khách. Những cảm xúc thấy đấy, cảm nhận được đấy, nhưng chẳng thể nào nói được hết bằng lời. Những ngày tháng 10 này, hoa TGM đã dần phủ kín Cao nguyên đá, trên các lối đi, các chân ruộng bậc thang, hay nép mình trong khe đá. Sắc hồng diệu vợi đến nao lòng, nhuộm Cao nguyên đá thành một bức tranh cô gái 20 căng tràn nhựa sống. Tôi nhớ, đã có ai đó nói, giữa cái u uất của miền núi đá, 5 giờ chiều thôi, con người ta đã buồn thênh thênh đến lạ, từng lớp khói lam chiều mơn man hồn cô đơn... Thế nhưng, từ bao giờ, cánh hoa TGM mỏng manh lại níu giữ được những lữ khách với đôi chân không mỏi, những tâm hồn từng trải qua sương gió bụi đường. Ở Cao nguyên đá, còn có sự giao thoa giữa những con người gặp gỡ nhau dù chỉ trong chốc lát, những bước chân bước qua nhau vội vàng, chỉ đơn giản là 1 cái vẫy tay, nhưng tất cả đều được lưu giữ mãi trong tim.

Hoa TGM đối với tôi, nó hoang dã, và nếu xét trên phương diện cái đẹp, nó như một nàng sơn nữ vậy, phải đậm mùi sương gió, phải chịu đau đớn mà vươn lên mới đẹp. Cũng lí giải vì sao, khi trời lạnh buốt, sương giăng kín những mỏm đá tai mèo, còn duy nhất loài hoa ấy bung mình khoe sắc. Cho đến khi sắp tàn cũng phải làm rực cả góc trời, làm cho miền đá xám, lạnh cũng phải mền ra. Tạo hóa cho Hà Giang có Cao nguyên đá - Cao nguyên đá gian khó, khắc nghiệt, ngó xuống thung sâu cũng chỉ thấy màu xám ngắt, càng lên cao càng vắng vẻ. Một đứa trẻ sinh ra, lớn lên ở đây, có khi cả đời không đi hết nổi những dãy núi đá của quê hương mình. Thế nhưng, đá tai mèo và hoa TGM lại là thứ đời đời gắn bó với con người. Phải chăng, hai thứ ấy là sự đối lập mà thiên nhiên cố tình tạo dựng, sắp đặt, là trong sự khắc nghiệt có những thứ ngọt ngào.

Thu về, nếu như hoa sữa ngập tràn các phố, thì hoa TGM cũng đã trải dài dọc Quốc lộ 4C, từ Quản Bạ lên tới Mèo Vạc, Đồng Văn xa xôi. Thử một lần thay đổi, thử tạm quên thứ mùi hương phố phường của hoa sữa, hãy tới với Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ hai tại Hà Giang để cảm nhận được “sức sống từ trong đá”. Chỉ còn rất ít ngày nữa sẽ diễn ra Lễ hội tại trung tậm huyện Đồng Văn, ngày 14, 15 và 16.10 này sẽ là những ngày đáng nhớ nhất, hứa hẹn sẽ mang lại một kỷ niệm tuyệt vời. Chúng ta còn trẻ hay không còn trẻ cũng đều có đam mê và liều lĩnh để bắt đầu một cuộc hành trình gian nan nhưng thú vị. Khám phá và trải nghiệm để mỗi phút giây qua đi không tiếc nuối, để thấy rằng đất nước mình còn rất nhiều nơi mà mình chưa khám phá hết, nó cũng tuyệt vời như Pari, như London vậy! Cuộc đời vốn là một chuyến hành trình vĩ đại và tuyệt vời, hoặc là không gì cả!

MY LY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Dệt lanh - nét đẹp trong văn hóa truyền thống dân tộc Mông

BHG - Cây lanh đã gắn bó với đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang từ bao nhiêu đời nay. Người phụ nữ Mông luôn gắn liền với nghề trồng lanh, dệt vải và trở thành biểu tượng cho sự dẻo dai, cần cù và khéo léo. Những bộ váy, áo của người Mông được dệt từ sợi lanh đã tạo nên những sắc màu rực rỡ cho các phiên chợ và được khách du lịch yêu thích. Đó còn là sản phẩm truyền thống đặc sắc thấm đượm tinh hoa văn hóa đồng bào dân tộc Mông vùng Cao nguyên đá.

30/09/2016
Đồng Văn, nỗ lực vì "trái tim" Lễ hội

BHG- Theo kế hoạch, Lễ hội Hoa Tam giác mạch của tỉnh lần thứ hai năm 2016 sẽ được tổ chức tại huyện Đồng Văn vào trung tuần tháng 10 tới. 

29/09/2016
Tiếng khèn – ngôn ngữ giao tiếp độc đáo của người Mông

BHG- Tôi gọi tiếng khèn là ngôn ngữ giao tiếp độc đáo của người Mông bởi nó không chỉ là phương tiện để giao tiếp giữa con người với thế giới tâm linh trong  đám ma, đám giỗ mà còn là tâm sự của chàng trai Mông gửi đến bạn tình, là tiếng lòng gọi bạn thiết tha, là khúc nhạc vui trong ngày hội hay những giây phút nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc...

28/09/2016
Hẹn nhau giữa mùa hoa Tam giác mạch

BHG - Tháng 10, tiết trời Cao nguyên đá chuyển mình se lạnh, cái nắng nhạt ngày cuối Thu làm cho những loài hoa nhỏ bé lấp ló bên dãy núi điệp trùng như cô gái mới lớn e ấp, nhẹ nhàng, xinh đẹp. Khi những con ong cần mẫn đi tìm mật, mải mê đậu lại trên cánh hoa cũng là lúc loài hoa Tam giác mạch bung mình khoe sắc, tạo nên sức sống diệu kỳ nơi miền đá lạnh. 

24/09/2016