Hướng về Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18.4
Kỷ niệm nhỏ với "hiệp sĩ" Nguyễn Công Hùng
BHG- Hồi đầu năm 2010, tôi được đón một Đoàn thanh niên tình nguyện của “Trung tâm Nghị lực sống”, do Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, cùng em gái là Nguyễn Thảo Vân, dẫn đầu, từ Hà Nội lên trao quà Tết cho các em học sinh Trường PTCS xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc. Tham gia Đoàn còn có một số nhà sư ở các chùa ven Hà Nội. Họ đi hàng trăm cây số lên Hà Giang, đến tận một xã vùng cao để chia sẻ những khó khăn của các em học sinh nơi này trong những ngày giá rét cắt da, cắt thịt, với một chương trình mang đậm nét nhân văn có tên gọi “Mùa xuân trên Cao nguyên đá”. Họ mang rất nhiều quà, nào quần áo, giầy dép, bánh kẹo, đồ dùng học tập... do chính họ quyên góp được, để tặng trực tiếp cho các em học sinh. Hai anh em Nguyễn Công Hùng, Nguyễn Thảo Vân đều bị bệnh gì đó về xương từ nhỏ. Mặc dù đã ngoài hai mươi tuổi nhưng cả hai anh em đều bé xíu như những đứa trẻ đang học lớp một. Chân tay họ chỉ có da bọc xương, thân thể gần như tàn phế hoàn toàn, mọi sinh hoạt từ vệ sinh cá nhân đến ăn uống đều phải có người trợ giúp. Nhưng họ có bộ óc minh mẫn cùng một trái tim yêu thương, chất chứa tình người. Công Hùng có một “bàn tay co quắp thần kỳ”. Với bàn tay này, em đã làm chủ được chiếc máy tính, trở thành Hiệp sĩ công nghệ thông tin, có thể lập trình những phần mềm hữu ích - điều mà nhiều người lành lặn không dễ gì làm được. Và cũng chính Hùng là người đã lập ra Trung tâm Nghị lực sống để dạy miễn phí về tin học cho những người khuyết tật.
Tác giả chụp ảnh với Nguyễn Công Hùng. |
Nhìn hai anh em Nguyễn Công Hùng ngồi cò queo trong xe lăn tươi cười trao quà cho các em học sinh, bao người đã ứa nước mắt vì xúc động và cảm phục trước nghị lực sống phi thường cùng tấm lòng nhân ái của họ với thiếu nhi vùng cao - điều mà không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm được như vậy. Đêm ấy, mặc dù được tôi và các cán bộ xã, cán bộ huyện tha thiết mời lên thị trấn Mèo Vạc để nghỉ ngơi trong khách sạn, nhưng Nguyễn Công Hùng và Nguyễn Thảo Vân không chịu. Họ bảo thích được ngủ cùng mọi người ở ngay tại xã. Và đêm ấy, Nguyễn Công Hùng nằm cạnh tôi trên chiếc phản gỗ, không chiếu, không màn. Hai anh em thức trắng đêm nói đủ mọi thứ chuyện trên đời. Tôi cố kìm giọng nghẹn đầy nước mắt nói với Hùng: “Gặp em và Thảo Vân anh mới thấy, hóa ra mình chẳng là gì cả, dù rằng trước đây nhiều người từng ca tụng anh là người có “ý chí và tinh thần thép” khi vượt qua rất nhiều căn bệnh quái ác, trong đó có cả bệnh ung thư. So với các em, anh cảm thấy mình vô cùng may mắn khi còn khỏe mạnh và lành lặn”. Hùng bảo: “Cuộc sống này quý giá lắm, phải không anh? Mình phải sống sao cho có ý nghĩa dù phải gồng mình lên để vượt qua mọi gian nan bằng nghị lực của chính mình, anh nhỉ!”. Tôi ôm lấy Hùng, vùi đầu vào cánh tay mình để khóc mà chẳng nói thêm được lời nào...
Nguyễn Công Hùng, Nguyễn Thảo Vân với các em học sinh. |
Đầu năm 2013, tôi hết sức đau lòng khi nghe tin Nguyễn Công Hùng đã về cõi vĩnh hằng. Với tôi, em ra đi nhưng tài năng của em, tấm lòng của em, Trung tâm Nghị lực sống của em sẽ mãi mãi lưu dấu ấn trong tâm khảm mỗi chúng ta!
Nguyễn Trần Bé
Ý kiến bạn đọc