Sức trẻ mở đường Hạnh phúc
BHG- Ngoài công sức của đồng bào các dân tộc Hà Giang, nếu không có tinh thần, phẩm chất thanh niên xung phong (TNXP) theo tư tưởng của Bác Hồ: “Đâu cần, thanh niên có/Đâu khó, có thanh niên” thì không có con đường Hạnh phúc (ĐHP) – Hà Giang như ngày hôm nay. Bởi tinh thần ấy đã biến trên 1.500 thanh niên bình thường trở thành những kỹ sư, công nhân điêu luyện, dũng cảm, sáng tạo, dám hy sinh thân mình để mở ĐHP, đem ánh sáng văn minh, no ấm về với đồng bào vùng Cao nguyên đá (Chia sẻ đầy xúc động và ấn tượng của Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, Nguyễn Anh Liên khi về thăm ĐHP)...
Sau 50 năm Ngày con ĐHP hoàn thành, chỉ có 3/17 TNXP trong Đội Cơ Dũng gặp lại nhau là: Bác Nguyễn Dương Phả, Lê Xuân Đới, Nguyễn Văn Toan (tính từ trái qua phải). |
Được khởi công ngày 10.9.1959, sau gần 6 năm thi công trong điều kiện khắc nghiệt, ngày 20.3.1965, ĐHP được khánh thành, ghi mốc son chói sáng thúc đẩy KT-XH 4 huyện vùng cao núi đá phát triển. Điều đặc biệt, chỉ sau 1,5 năm ngày thi công ĐHP, Bác Hồ đã lên thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang (tháng 3.1961). Theo nhiều cựu TNXP kể lại: Trong quá trình thăm Hà Giang, biết được câu chuyện mở đường Hà Giang-Đồng Văn của thanh niên các tỉnh và đồng bào Hà Giang, Người bày tỏ niềm xúc động và vui mừng khi biết, con đường này mang hạnh phúc đến đồng bào vùng cao. Để từ đó, con đường nối Hà Giang-Đồng Văn được đặt tên Hạnh Phúc... Rồi: “Bác khen ngợi các cháu thanh niên 6 tỉnh Việt Bắc xung phong đắp con đường Hà Giang-Đồng Văn. Mong các cháu thi đua hoàn thành cho thật tốt nhiệm vụ đó”... Để hoàn thành con ĐHP dài 185km, TNXP đã thi đua, khắc phục mọi gian khổ, đem sức trẻ cùng mồ hôi, nước mắt và cả máu hồng để chung sức khai thông ĐHP. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của 17 TNXP, Đội Cơ Dũng.
Trong quá trình phá đá, mở ĐHP, TNXP và đồng bào Hà Giang gặp chướng ngại vật khó có thể vượt qua. Đó là đỉnh Mã Pí Lèng cùng hẻm vực Tu Sản sâu nhất khu vực Đông Nam Á. Không khuất phục khó khăn, 17 TNXP dũng cảm, sẵn sàng hy sinh đã tình nguyện viết đơn tham gia Đội Cơ Dũng, nhận những nhiệm vụ khó nhất ở đoạn qua Mã Pí Lèng. Thực thi nhiệm vụ này, sự sống của họ phụ thuộc vào chiếc dây thừng thô, cứng được nịt chặt lấy phần bụng mỗi khi treo mình làm nhiệm vụ trên hẻm vực. Trong 11 tháng trời, họ hàng ngày phải “treo mình” trên vách đá, để “mở đường công vụ” chỉ với đôi tay trần cùng các phương tiện thô sơ như búa, đục.
Nghĩa trang TNXP (Yên Minh) thường xuyên được đoàn viên, thanh niên chăm sóc. |
Sự gian khổ, nguy hiểm trên công trường đã khiến nhiều người vĩnh viễn nằm lại với con đường. Nhiều người ra đi với hình hài không nguyên vẹn, để lại niềm xót thương vô hạn cho đồng đội. Nhưng, sự hy sinh của các anh trở thành tấm gương sáng, tinh thần dũng cảm, xung kích vì cuộc sống cộng đồng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. “Hiện nay, chúng tôi mới gặp được 5/17 anh em trong Đội Cơ Dũng. Nhân dịp kỷ niệm sau 50 năm Ngày con ĐHP hoàn thành, chỉ có 3 anh em, đủ sức khỏe để hội ngộ ở Hà Giang. Những đồng đội khác bây giờ còn sống hay đã an nghỉ!?. Liệu các anh có thể thêm một lần đi trên ĐHP nữa hay không khi tuổi ngày một cao, còn sức khỏe thì có hạn!?”, cựu TNXP Lê Xuân Đới nghẹn ngào!.
Để hoàn thành con ĐHP, 14 TNXP đã anh dũng hy sinh và an nghỉ tại Nghĩa trang TNXP (Yên Minh). Những cựu TNXP hôm nay, không có điều kiện trở lại chốn xưa, thăm đồng đội nhưng họ thực sự an lòng khi thế hệ trẻ của huyện Yên Minh đã thay họ chăm sóc phần mộ các liệt sỹ. Mang trong mình nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng khi được Huyện Đoàn Yên Minh giao phần việc chăm sóc nghĩa trang TNXP, Trường PTDT Nội trú cấp 2, 3, huyện Yên Minh đã thường xuyên tới chăm sóc phần mộ và thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ. Đồng thời, giáo dục cho học sinh tình cảm, lòng tri ân thế hệ TNXP đã lấy tuổi thanh xuân của mình làm nên con ĐHP. Để qua đó, động viên các em thêm nỗ lực sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của 14 TNXP năm xưa...
“Thế hệ trẻ ngày nay chưa thể hình dung hết việc mở ĐHP, nhất là đoạn qua Mã Pí Lèng của các cựu TNXP như thế nào, khi họ chỉ có đôi bàn tay cùng phương tiện thô sơ. Đặc biệt, khi bắt tay vào việc chinh phục thiên nhiên, họ còn phải đối mặt với thế lực phản động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá cách mạng và những hành động dã man mổ bụng, treo cán bộ lên cây làm bia tập bắn... Khó khăn, gian khổ như vậy nhưng các TNXP đã tạo nên huyền thoại mang tên ĐHP. Chắc chắn rằng, thành công này chính là việc thấm nhuần lời dạy của Bác: “Có lòng nồng nàn yêu nước, yêu đồng bào thì việc khó mấy cũng hoàn thành”, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, Nguyễn Anh Liên nhận định.
Chúng tôi rất ấn tượng với chia sẻ của Bí thư Đoàn trường PTDT Nội trú cấp 2, 3, huyện Yên Minh, Triệu Thị Hằng khi nói với các em học sinh về con ĐHP: Tuổi trẻ của các cựu TNXP đã san đồi, bạt núi, mở ĐHP mà không có bất kỳ một phương tiện lao động hiện đại nào hỗ trợ. Ngày nay, các em sống trong môi trường ấm no, hạnh phúc và hiện đại thì hà cớ gì chúng ta lại không làm được những việc kỳ vĩ như thế hệ cha, anh ngày đó!?. Học tập, làm theo lời Bác Hồ dạy khi Người lên thăm Hà Giang cũng là cách để các em hoàn thiện bản thân, biết cống hiến sức trẻ cùng trí tuệ của mình, làm giàu đẹp cho quê hương, đất nước.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc