Phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch tương xứng với tiềm năng

07:48, 19/03/2015

BHG- Trong thời gian qua, ngành Du lịch của tỉnh đã có nhiều khởi sắc với lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch tăng lên nhanh chóng; chất lượng các dịch vụ, cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, những kết quả đó còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có và đang cần nhiều giải pháp đồng bộ để khai thác thế mạnh về du lịch của tỉnh.

Nhà của Pao” ở xã Sủng Là (Đồng Văn) là địa điểm có nhiều du khách tham quan.
Nhà của Pao” ở xã Sủng Là (Đồng Văn) là địa điểm có nhiều du khách tham quan.

Tạo điều kiện phát triển

Xác định du lịch và dịch vụ là lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế, những năm gần đây, du lịch của tỉnh đã có nhiều khởi sắc phát triển cả về quy mô và chất lượng. Hệ thống 23 di tích, danh thắng cấp Quốc gia; 8 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; 2 bảo vật Quốc gia và 29 di tích, danh thắng cấp tỉnh được khai thác có hiệu quả. Công tác quảng bá đã mang hình ảnh ấn tượng về du lịch Hà Giang đến với du khách trong nước và quốc tế. Nhờ đó lượng khách tăng nhanh, năm 2014 đạt 650.000 lượt người, tăng 8,3% so với kế hoạch năm, doanh thu ước đạt gần 600 tỷ đồng. Doanh thu du lịch tăng trưởng bình quân hàng năm là trên 25%, du lịch - dịch vụ chiếm tỷ trọng 35% trong GDP.

Với các trục giao thông quan trọng như tuyến Quốc lộ 4C, Quốc lộ 2, Quốc lộ 279 và các tuyến Tỉnh lộ 177, 178, 183... đã hình thành nên 5 tuyến du lịch chính của tỉnh là: Hà Giang - Hà Nội - các tỉnh phía Nam;  Hà Giang - Lào Cai - Yên Bái và các tỉnh phía Tây Bắc; Hà Giang - Cao Bằng và các tỉnh phía Đông Bắc; Hà Giang - Vân Nam - Trung Quốc; Hà Giang đi các huyện vùng cao núi đá phía Bắc. Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Hà Thị Minh Hạnh, cho biết: “Để phục vụ nhu cầu đi lại của du khách đến vùng Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá (CVĐCTCCNĐ) Đồng Văn, năm 2014 tuyến đường lên các huyện Cao nguyên đá dọc theo Quốc lộ 4C được Trung ương hỗ trợ nguồn vốn sửa chữa cấp bách 26,97 km nền, mặt đường; làm mới 10.157m hộ lan tôn sóng và đặt 864 biển báo giao thông. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trong những năm tới mong rằng Chính phủ quan tâm sớm phê duyệt đầu tư nâng cấp toàn tuyến Quốc lộ 4C.”

Đi kèm với hệ thống giao thông thuận lợi và lượng khách tăng nhanh, tỉnh có 124 cơ sở lưu trú đã xếp hạng khách sạn, nhà nghỉ với 1.841 phòng nghỉ bao gồm: 01 khách sạn 3 sao, 31 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 - 2 sao và các nhà nghỉ được đầu tư nâng cấp các trang thiết bị và chất lượng phục vụ đảm bảo theo tiêu chuẩn, có quy mô đủ điều kiện đón khách. Công suất buồng trung bình hàng năm đạt cao so mặt bằng cả nước. Theo thống kê chính thức được tổng hợp từ các cơ sở lưu trú thì công suất sử dụng phòng nghỉ vào khoảng 75% từ 2010 đến nay, thời gian lưu trú bình quân đạt 1,5 - 1,8 ngày. Gắn với việc quảng bá, các nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp vận tải, lữ hành, điểm thăm quan đều ký kết tham gia làm đối tác chính thức của CVĐCTCCNĐ Đồng Văn để thông qua trang thông tin điện tử thu hút khách đến với cơ sở của mình.

Để phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của du khách, hệ thống sản phẩm du lịch ở tỉnh đang từng bước được đa dạng hóa với các nhóm: Sản phẩm du lịch chợ biên mậu; du lịch văn hóa lễ hội; sinh thái; nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng... Trong đó, quần thể các điểm du lịch thuộc CVĐCTCCNĐ Đồng Văn là điểm nhấn của hành trình du lịch Hà Giang. Sản phẩm du lịch cộng đồng phát triển mạnh và đang hình thành loại hình du lịch mới, du lịch địa chất gắn với CVĐCTCCNĐ Đồng Văn. Những mặt hàng nông sản như: gạo, cam sành, chè, thịt bò khô vùng cao; hàng dược liệu (tam thất, chè giảo cổ lam, mật ong bạc hà...); các thương hiệu rượu địa phương; thổ cẩm và trang phục quần áo dân tộc; hàng thủ công mỹ nghệ; khèn Mông... đang dần khôi phục và trở thành sản phẩm quà tặng lưu niệm tại các điểm du lịch.

Còn đó những hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch của tỉnh có trình độ phát triển khá khiêm tốn so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước, còn nhiều hạn chế nên chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Như đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, tính đến hết năm 2014 số vốn đăng ký và nguồn đầu tư vào du lịch mới đạt trên 1.200 tỷ đồng, chủ yếu là ngân sách Nhà nước đầu tư bảo tồn một số công trình văn hóa, phát triển hạ tầng du lịch; còn lại do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các khu du lịch sinh thái, khách sạn, nhà hàng... Một số tour tuyến khai thác không hiệu quả do cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc vẫn chưa hoàn thiện; mối liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng vẫn chỉ là hình thức. Ngoài ra, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh phần lớn đều đầu tư theo kiểu vừa xây dựng, vừa khai thác kinh doanh. Với hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch còn thiếu đồng bộ, không có sản phẩm du lịch có thương hiệu mạnh, mang tính cạnh tranh cao thì vấn đề thu hút lượng khách quốc tế ở lại lưu trú và chi tiêu là khó khăn. Ngoài ra, sự phối hợp phát triển du lịch giữa các ngành liên quan trong tỉnh còn bất cập. Công tác quảng bá và xúc tiến du lịch yếu, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong đầu tư phát triển du lịch.

Đề cập đến giải pháp phát triển du lịch ở tỉnh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh, Triệu Thị Tình, cho biết: “Định hướng trong thời gian tới là phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm và bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị tự nhiên; giữ vững quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường. Những mục tiêu trong công tác đầu tư đối với du lịch của tỉnh từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được xác định gồm: Phát triển khu du lịch CVĐCTCCNĐ Đồng Văn trở thành khu du lịch Quốc gia. Đa dạng hoá các hình thức du lịch và nghỉ dưỡng, mở rộng các tuyến du lịch sinh thái, hang động. Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ vui chơi giải trí tại khu vực thành phố Hà Giang, khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy và các khu du lịch khác gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

50 năm con đường của niềm tin

BHG- Đã 50 năm qua, tỉnh Hà Giang đã tiến được một chặng đường dài trong phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống cho nhân dân. Trong công cuộc ấy, dấu ấn của một con đường huyền thoại hiện lên vô cùng rõ nét. Danh tiếng của con đường ấy đã lan toả khắp đất nước, trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và tinh thần quyết tâm vượt khó của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. 

19/03/2015
Bảo tồn các giá trị văn hóa ở Mèo Vạc

BHG- Huyện Mèo Vạc, mảnh đất được du khách trong và ngoài nước biết đến là nơi có nhiều giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Lễ hội Chợ tình Khau Vai, Lễ hội Gàu tào của người Mông, Lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày hay Lễ hội Cầu mưa, Múa trống của dân tộc Lô Lô và dân tộc Giấy. 

19/03/2015
Hội VHNT Hà Giang triển khai nhiệm vụ năm 2015

BHG- Ngày 18.3, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015 và kết nạp hội viên mới. Dự hội nghị có đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành trong tỉnh và hội viên đại diện cho các chuyên ngành Hội VHNT tỉnh.

18/03/2015
Sáng mãi đường Hạnh phúc: Kỳ II - Tình yêu trên công trường đá

BHG - Trong số những công trường từ năm 1959 đến giờ, có lẽ công trường mở đường Hạnh phúc (ĐHP) là một trong những nơi gian khổ nhất, thử thách nhất của cả nước. Ở một nơi như Cao nguyên đá, thanh niên xung phong (TNXP), dân công phải lao động trong điều kiện mà nhiều người ví như "đánh nhau" với đá. ..

17/03/2015