Ngược miền cực Bắc: Kỳ I- Hành trình về vùng đất danh thắng và di sản
Tiết trời ấm áp sau những ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi như mang về miền Cao nguyên đá sức sống căng tràn của mùa Xuân. Trong hành trình ngược lên miền Cao nguyên đá, vẫn cung đường quanh co như sợi dây thừng vắt mình bên lưng núi với những dãy núi đá sừng sững, điệp trùng giăng lũy, giăng thành nhưng mỗi lần đến với nơi đây, chúng tôi luôn có cảm nhận khác lạ về vùng đất biên cương cực Bắc Tổ quốc – Mèo Vạc, điểm cuối cùng con đường mang tên Hạnh phúc.
Hoa Đào bung nở tạo nên bức tranh tuyệt đẹp trên Cao nguyên đá. |
Cuối tháng 2 trời nắng chói chang như những ngày giữa mùa Hè, anh bạn đồng nghiệp cùng đi cứ gật gù: “Nắng một chút nhưng trời đẹp thế này chụp ảnh thì miễn chê”. Mỗi năm vào thời điểm này, mười ngày cũng phải có tới bảy ngày đường đi bị bao phủ bởi sương mù. Cung đường từ chân đèo Bắc Sum đến Cổng trời Quản Bạ, rồi qua xã Lao Và Chải (Yên Minh) hay xã Sủng Trái (Đồng Văn) thường ngày khó đi bởi hay xuất hiện sương mù nhưng trong cảm nhận của chúng tôi, vượt cả chặng đường dài 150 cây số bằng xe máy ngày hôm ấy chẳng mấy vất vả, bởi thỉnh thoảng chúng tôi lại có thể lưu giữ cho riêng mình khoảnh khắc đẹp về cảnh vật và con người nơi miền Cao nguyên đá. Giữa nền đá tai mèo xám xịt, những cánh đào phai xen lẫn sắc trắng của hoa mận nằm yên bình cạnh những ngôi nhà bên sườn núi như vẽ lên bức tranh thơ mộng về miền quê đá. Xuân đã về, Xuân căng tràn trên xóm làng của người Mông, người Dao, người Lô Lô...
Đặt chân tới thị trấn Mèo Vạc cũng là lúc mặt trời buông mình sau lưng núi, khói bếp từ các ngôi nhà đã bắt đầu lan tỏa núi rừng. Buổi tối hôm ấy, trong bữa cơm thân mật ngày đầu năm, chị Nguyễn Thị Chanh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mèo Vạc, người đã gắn bó với miền đá này nhiều năm kể cho chúng tôi nghe về vùng đất biên cương đầy gian khó. Trải qua thăng trầm của thời gian, biến cố của lịch sử và sự phát triển KT – XH nhưng đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn giữ cho mình bản sắc văn hóa riêng vốn có. Từ tập quán sinh hoạt đến các sản phẩm thủ công đều mang đậm chất truyền thống đã góp phần tôn thêm giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất Anh hùng. Trong đó, giá trị cốt lõi chính là nghệ thuật sinh tồn của các dân tộc trong điều kiện sống khắc nghiệt, được tô điểm bằng các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa. Không những vậy, nơi cực Bắc thiêng liêng còn mang trong mình nhiều danh thắng có giá trị về mặt cảnh quan, địa chất, địa mạo và hang động. Có thể kể đến “đệ nhất hùng quan” Mã Pì Lèng – hẻm vực sâu nhất khu vực Đông Nam Á; “Rừng hoa đá” Lũng Pù có một không hai...
Đang say sưa kể chuyện bỗng chị Chanh quay sang hỏi:
- Ngày mai các chú đi cùng chị tham quan hang Rồng nhé?
Dẫu biết hang Rồng thuộc xã Tả Lủng và Pả Vi, mới được phát hiện cách đây không lâu nhưng chưa một lần khám phá nên chúng tôi khá háo hức:
- Dạ vâng! Hang có đẹp không chị nhỉ?
- Yên tâm! Vào đấy các chú tha hồ chụp ảnh đẹp. Chị Chanh chắc chắn.
Vậy là cả tối hôm ấy chúng tôi chuẩn bị “đồ nghề” chuẩn bị cho ngày hôm sau lên đường. Hôm sau, lại thêm một ngày trời nắng rực rỡ. Con đường dẫn vào thôn Tả Lủng B, xã Tả Lủng khá dễ đi bởi mới được đổ bê tông theo chương trình xây dựng NTM. Thế nhưng, để đến được hang Rồng phải đi bộ men theo đường dân sinh mất gần một giờ đồng hồ. Con đường này mới được người dân mở phục vụ cho du khách đến tham quan. Đường lởm chởm đá, xuyên qua cánh rừng, ngoằn nghoèo bên sườn núi. Do không quen với địa hình nên cứ đi được một đoạn, cả đoàn lại phải nghỉ chân, ai nấy đều toát mồ hôi. Chị Chanh chỉ cười:
- Các chú đi quen cái xe máy rồi nên có đi mới biết, mới cảm nhận được cái vất vả của bà con. Bao đời nay, người dân trên này chủ yếu đi bộ, đi nhiều nên cũng quen cái chân.
Vào trong hang Rồng, cho dù mang theo cả đèn pin và không có ánh sáng hoàn hảo nhưng chúng tôi vẫn cố gắng kiếm cho mình những góc ảnh thật đẹp. Anh bạn đi cùng vỗ vai tôi tỏ vẻ tâm đắc:
- Mệt một tí nhưng cũng bõ công leo núi. Hang đẹp quá! Không ngờ nơi chỉ có đá này tạo hóa lại ban tặng cho cảnh quan kỳ vĩ đến vậy!.
Hang Rồng – Di tích cấp Quốc gia mới được Bộ VHTT&DL công nhận. |
Hang Rồng đã trải qua hàng nghìn năm kiến tạo với vô vàn nhũ đá đẹp, lộng lẫy với nhiều hình thù lạ lẫm, khơi gợi trí tưởng tượng của người xem. Kết thúc chuyến khám phá hang Rồng, chúng tôi tiếp tục quay trở lại xã Lũng Pù, cách thị trấn Mèo Vạc hơn chục cây số. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng “rừng hoa đá” tuyệt mỹ. Cả một dải đá rộng lớn với những tảng đá nằm san sát nhau, bung nở như những bông hoa khoe sắc. Đặc biệt, đây còn là nơi lưu giữ hóa thạch Huệ biển cách đây hàng triệu năm – nơi có giá trị to lớn về mặt khoa học, giáo dục và thẩm mỹ. Đó cũng là nơi tham quan, học tập và điểm đến của nhiều du khách. Với những giá trị về địa chất, địa mạo và nỗ lực của các cấp, các ngành ở địa phương, Bộ VHTT&DL vừa mới xếp hạng di tích cấp Quốc gia Hang Rồng xã Tả Lủng và Pả Vi, khu vực hóa thạch Huệ biển xã Lũng Pù và di sản văn hóa phi vật thể Lễ mừng năm mới của người Giấy xã Tát Ngà. Qua đây càng khẳng định giá trị của Công viên địa chất toàn cầu CNĐ ĐV cũng như tầm quan trọng và giá trị của các loại hình di sản. Trong đó, có di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc đã được đúc kết từ lâu đời và giá trị di sản địa chất được hình thành cách đây hàng trăm triệu năm...
Trên đường quay trở về thị trấn Mèo Vạc, cái lạnh bắt đầu tỏa ra từ đá núi. Do đã đến đây nhiều lần nên chúng tôi hiểu rõ trời chiều trên miền Cao nguyên đá lạnh nhanh. Dù ban ngày nhiệt độ tăng cao nhưng chỉ cần qua thời điểm 17 giờ, thời tiết đã bắt đầu se lạnh, trời tối nhanh và cái hoang vu, tĩnh mịch bắt đầu bao trùm lên dải đá tai mèo. Đêm ở “phố núi” thật yên bình! Chúng tôi quyết định đi ngủ sớm để lấy sức ngày hôm sau tiếp tục hành trình khám phá nơi địa đầu cực Bắc...
Kỳ II: Độc đáo Ngày hội văn hóa dân tộc Mông
Ký sự: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc