Một lần lên Cao nguyên đá Hà Giang
Xuân 2015 - Lâm Đồng và Hà Giang vốn là hai tỉnh kết nghĩa thời chiến tranh đánh Mỹ. Hiện ở TP. Bảo Lộc thơ mộng vẫn có nông trường chè, con đường và khu đô thị mới mang tên Hà Giang. Ở Hà Giang có đường và 1 HTX mang danh Lâm Đồng. Vì nguyên cớ ấy, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Báo Hà Giang phát hành số đầu tiên (13.4.2014), tôi vinh dự được đồng nghiệp miền Tây Bắc, mảnh đất biên cương địa đầu Tổ quốc mời ra Hà Giang và có cơ may diện kiến Công viên địa chất toàn cầu.
Mới 5 giờ sáng, chúng tôi đã lên xe 29 chỗ ngồi rời TP.Hà Giang đang say giấc bình yên, theo Quốc lộ 4C khoảng 43km tới huyện Quản Bạ. Trời mịt mờ sương giăng trên những cánh rừng thông, đồi cây sa mộc... Bác Phạm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu thẽ thọt hỏi tôi: Có đúng là nét Đà Lạt không? Vâng cao nguyên nhiều vạt rừng thông, sương khói se se lạnh nên thấy như ban mai ở thung lũng kề nhà... Tiếp tục theo con đường này qua đèo Cán Tỷ hiểm trở, những con dốc quanh co, uốn lượn, để du ngoạn tới các huyện Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc ngắm một vòng Cao nguyên đá. Đi miết và cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng đến 8 giờ tối mới về lại thành phố, anh Lê Trọng Lập - Tổng Biên tập Báo Hà Giang, tháp tùng đoàn cả ngày lúc này mới thở phào nhẹ nhõm: Phập phồng... chỉ lo các bác vốn quen đường, cảnh đồng bằng phẳng phiu sẽ chóng mặt vì núi cao, vực sâu, chập chùng đá tựa đá...! Nhất là bác Phạm Quốc Toàn, tuổi 65 rồi... thế mà có thấy bác than vãn gì đâu! Các bác hiểu thế nào là gian khó của Cao nguyên đá rồi nhé. Đi một vòng cũng hết gần 400 cây số chứ không ngắn đâu!
Tuổi thơ vùng cao. Ảnh: LÊ LÂM |
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phạm Quốc Toàn cười khà khà: Bác lên đây chuyến này là lần thứ tư rồi nhé. Năm 1979, từng là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân trên trận tuyến này.
Chỉ trải cung đường gần 400 km của Công viên địa chất toàn cầu, tôi đã thấm thía sự vất vả, gian khó trong những ngày đi công tác, bám cơ sở của bạn bè làm báo ở nơi đây. Đường về các huyện quanh co, xa ngái, dân cư thưa thớt, điều kiện kinh tế - xã hội còn nghèo nàn. Bây giờ đã khá nhiều chứ khoảng hơn 20 năm trước, theo Trưởng phòng Phóng viên Lại Cao Khải của Báo Hà Giang hay anh Quốc Vượng – Trưởng phòng Phóng viên Kinh tế Báo Phú Thọ, nguyên phóng viên báo Hà Tuyên từ một phần tư thế kỷ, nay về thăm lại đều trở về ký vãng: Đi công tác một đợt không dưới nửa tháng. Có chặng đi bộ nửa ngày mới gặp thôn, bản... Đến đâu “góp gạo, ngủ nhờ” đó. Nhớ lại... luôn ăm ắp xúc cảm rưng rưng về ân tình chân thành của đồng bào Tày, Mông vùng cao giành cho nhà báo mỗi lần đi thực tế. Chính vậy lại thôi thúc anh em cần sâu sát, phát hiện, phản ánh chân thực cuộc sống và tinh thần chiến đấu quyết liệt giữ gìn biên cương Tổ quốc... Ở Báo Hà Giang có nhiều đợt cán bộ từ Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập, Trưởng phòng đi tăng cường làm Phó Bí thư Huyện ủy; Phó Chủ tịch UBND huyện hoặc Bí thư Đảng ủy các xã vùng biên... Sùng Mí Chứ từng mấy năm rời cương vị Phó Tổng biên tập đi bám trụ Mèo Vạc với chức trách Thường vụ Huyện ủy, trực tiếp phụ trách xã Lũng Chinh... Thế nhưng khi trở lại báo, chỉ đạo điều hành nghiệp vụ quả rất chiều sâu, sát thực nhiều! Nhân Lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập và Báo Hà Giang đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Phó Tổng Biên tập Sùng Mí Chứ đã vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba!
Đường đèo vắt lên đỉnh núi Mã Pí Lèng dài 20km hun hút dốc tới 30 độ, liên tiếp cua cùi chỏ. Núi cao, vực sâu dễ hơn trăm mét. Có những khúc đường hẹp, xe rì rì tránh nhau, bánh xe chỉ cách mép vực gang bàn tay... Dưới vực, dòng sông Nho Quế mảnh mai như dải lụa uốn khúc. Sườn núi, thấp thoáng những nếp nhà như là một nhánh không thể thiếu trong mối quan hệ tương sinh, hữu cơ của các mỏm núi đá như những ngón tay gân guốc chọc lên trời. Trên những mảnh ruộng bậc thang đồng bào Mông đang lắt lẻo đường cày, hí húi xới đất chăm sóc vạt ngô non hay nhặt đá chèn bờ vạt ruộng bậc thang. Về cách thức dùng đá mảnh xếp bờ ruộng, chèn hàng rào quanh nhà thì đôi bàn tay người Mông quả là tinh tế, tài hoa. Khi dừng trên đỉnh dốc, Lại Cao Khải khoát tay cho tôi hay: Đường chúng ta đang đi có tên Hạnh Phúc, rồi anh say sưa kể về quá trình hình thành con đường!
Rời Mèo Vạc, chúng tôi tiếp tục hành trình lên thăm Cột cờ Lũng Cú thuộc huyện Đồng Văn, một địa danh thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc hình chữ S mà ai cũng ước mơ và thật sự tự hào khi đến được đây... Theo cô hướng dẫn viên người Mông: Hàng ngày có rất nhiều khách trong Nam, ngoài Bắc và du khách nước ngoài lên chiêm ngưỡng Cột cờ Quốc gia Lũng Cú.
Một lần lên với chập chùng Cao nguyên đá Hà Giang, vòng quanh Công viên địa chất toàn cầu, trong tôi: Lâm Đồng và Hà Giang lại càng trở nên gần gũi tấc gang, xiết bao thân thiết! Lần này lên Hà Giang cũng là dịp tôi tự hào với đồng nghiệp nơi đây: Lâm Đồng hội tụ cư dân cả nước với 42 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ở đây có nhiều đồng bào Tày, Mông... từ Hà Giang tới lập nghiệp. Được chính quyền các cấp trên vùng đất mới quan tâm, đồng thời với đức tính chăm chỉ và chịu khó nên đời sống của đồng bào sớm ổn định, có tích lũy. Hà Giang đang trong nhịp sống hiền hậu, thanh bình song cũng sáng ngời ý chí của dải phên dậu quả cảm, vững vàng của Tổ quốc!
Ý kiến bạn đọc