"Lời" đá núi

10:31, 08/02/2015

Xuân 2015-  1. Theo Quốc lộ 4C, xe chúng tôi đi men theo vách đá, khi thì bò dưới thung sâu, khi vắt mình chênh vênh trên sườn núi, khi cua gập hình chữ M. Xe bỗng dưng đột ngột lên cao.

Ngồi cạnh tôi, Lại Cao Khải cựu phóng viên mặt trận Hà Giang trầm ngâm khi gặp lại người xưa cảnh cũ. Anh vẫn chưa nguôi quên ký ức một thời biên giới. Ngày ấy không chỉ quân chủ lực mà mỗi đồng bào các dân tộc nơi đây đều là một người lính ở tuyến trước, vừa sản xuất vừa chiến đấu, đánh bạt quân xâm lược...

Rời cửa ngõ Cao nguyên đá Đồng Văn, khi qua thị trấn Tam Sơn, một đồng nghiệp chỉ cho chúng tôi núi đôi Cô Tiên tròn trịa theo dạng bát úp, như huyền thoại Cô Tiên bay về trời đã để lại phần thân thể đẹp nhất của mình nằm bình yên trong thung lũng. Từ đây trở đi, trên cao, trước mặt, hai bên đường, phía sau tầm nhìn chỉ thấy bao trùm một màu xám của núi đá tai mèo, đá chồng lên đá. Sự khởi dựng hàng triệu năm của địa chất đã tạo nên một bức tranh kỳ vĩ, sừng sững, uy nghiêm giữa đại ngàn cao nguyên.

“Nốt nhạc” Cao nguyên.
“Nốt nhạc” Cao nguyên.

Dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng, cảm giác như ngộp thở bởi từ độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, không khí loãng ra. Nhìn xuống, con sông Nho Quế như sợi chỉ mong manh chảy quanh co dưới thung sâu. Buổi trưa, trời trong xanh không một gợn mây. Chúng tôi chọn các góc độ để chụp ảnh lưu niệm. Nơi chúng tôi đứng, người ta đang xây dựng một điểm dừng chân cho du khách tham quan được thoả sức ngắm cảnh, chụp hình đệ nhất hùng quan- di sản kiến tạo - địa mạo tầm cỡ quốc tế; được Bộ VH,TT&DL xếp hạng Danh lam thắng cảnh Quốc gia.

Từ Mã Pì Lèng nhìn lên, nhìn xuống, nhìn ngang, nhìn dọc chỉ thấy bạt ngàn đá núi, trùng trùng điệp điệp, nhấp nhô, uốn lượn, lởm chởm, khô khốc, đen kịt. Đá bao bọc bốn phía. Có cái gì mà có sức hút bao nhà khoa và du khách đến vậy! Nơi đây chỉ có đá và đá, một màu đen xám, câm lặng. Nhưng đá đâu có vô tri. Những bức tường thành đá núi dồn dập là “lá chắn thép” giữ vững biên cương bờ cõi, để lá cờ trên Cột cờ Lũng Cú mãi tung bay trên đỉnh đầu của Tổ quốc. Đá tua tủa như gươm đao nơi biên cương giữ cho cuộc sống bình yên, cho sự vẹn toàn của đất nước. Đá còn tạo việc làm cho bao người dân kể từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu. Hàng ngày, hàng tuần có hàng trăm, hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến đây tham quan, thưởng ngoạn. Bây giờ ở các thị trấn Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, chúng tôi bắt gặp nhiều nhà hàng, khách sạn hạng sang luôn nườm nượp du khách. Và trên cao nguyên bạt ngàn đá núi đâu chỉ toàn đá mà còn có sự sống con người, cây cỏ...

Lạ thay sự sống nảy chồi từ đá, vươn lên từ đá. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy trên những triền núi đá khắc nghiệt là những ngôi nhà nhỏ của người Mông; từ các hốc đá vươn trào sức sống của cây ngô, cây cải, cây đậu tương. Quả thật không thể hình dung với cái nóng của mùa hạ, cái lạnh của mùa đông mà người Mông vẫn sống được trên cao nguyên đá. Tôi càng cảm nhận được câu nói của người Mông “Sống trên đá chết vùi trong đá” khi nhìn thấy trên đường đi qua có những ngôi nhà được bao bọc bởi đá núi xếp chắc chắn. Người ta nói người Mông sống ở nơi khắc nghiệt như thế là để răn dạy con cháu của họ phải biết tìm sự sống trong cái khắc nghiệt của thiên nhiên để biết cái khổ của dân tộc mình. Nhìn cách canh tác của đồng bào, không thể không khâm phục khi thấy trên những triền núi đá họ vẫn dùng bò để cày những thửa đất rất nhỏ. Cứ thấy con bò đi một vài bước, họ lại nhấc cày lên tránh đá rồi đặt xuống, cứ thế nâng lên, đặt xuống. Những nắm đất hiếm hoi trong hốc đá được xới lên, rồi họ gieo ngô giống xuống mấy hôm là sự sống bật lên. Ở đây người ta tính diện tích gieo trồng bằng số lượng ngô giống chứ không thể tính được diện tích đất, vì đất nằm lẫn trong đá. Thế đấy, người Mông, người Lô Lô, người Dao... từ bao đời nay đã biết dựa vào đá núi, chắt lọc đất và nước từ đá để tồn tại, để sinh sôi như thân cây sa mộc cắm rễ sâu vào đá vươn lên thẳng đứng trên cao nguyên đá. Bây giờ đi qua đường, có thể nhìn thấy mỗi ngôi nhà của người Mông đều có bể chứa nước và chuồng nuôi bò. Trên những ngọn đồi, dốc đá, ngoài cây ngô còn có cây cỏ giống được người Mông trồng để nuôi bò. Đó là chủ trương và sự trợ giúp của tỉnh Hà Giang cho đồng bào người Mông nên đời sống người dân nay đã được cải thiện rất nhiều...

2. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi lên Cột cờ Lũng Cú là gió, cơ man là gió. Gió hào phóng hơn nơi nào hết bởi nơi đây có độ cao 1.460 m so với mực nước biển. Tôi ngước lên, bầu trời một màu xanh ngăn ngắt. Trên đỉnh cột cờ, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh phần phật bay trong gió.

Lần đầu lên đỉnh Lũng Cú, tôi cứ đứng mãi trên nóc cột cờ để cảm nhận tình cảm sâu kín của mình về một đất nước Việt Nam dài rộng và thiêng liêng, mảnh đất mà trải qua hàng ngàn năm lịch sử vẫn mang sức sống mãnh liệt, hiên ngang bất chấp những thế lực ngoại bang hết nước này đến nước khác dòm ngó, xâm lăng. Sức sống mãnh liệt đó vững chãi như ngọn núi đá trên Cao nguyên Đồng Văn, như cây đước cắm sâu vào lòng đất ở đất mũi Cà Mau. Cứ mỗi lần Tổ quốc bị ngoại xâm, lòng yêu nước thương nòi lại bùng cháy, người Việt Nam muôn người như một nhất tề đứng lên, lớp trước ngã xuống, lớp sau tiến lên, quyết tâm giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của ông cha để mưu cầu cuộc sống hạnh phúc trường tồn cho thế hệ mai sau.

Hôm trước khi lên đây, tôi có tìm tài liệu về Cột cờ Lũng Cú. Theo sử liệu được ghi lại thì Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt. Ban đầu cột cờ được làm bằng cây sa mộc, theo thời gian được trùng tu, xây dựng với quy mô và kích thước tăng dần. Việc trùng tu, nâng cấp Cột cờ Lũng Cú đã khẳng định vị thế của đất nước, chủ quyền của Tổ quốc và tôn vinh tinh thần yêu nước, anh dũng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của đồng bào, chiến sĩ nơi đây. Mới đây, đoàn đại biểu các dân tộc anh em đi thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở quần đảo Trường Sa, các đại biểu tỉnh Hà Giang đã tặng Huyện đảo Trường Sa lá cờ 54 m2 từng được treo trên Cột cờ Lũng Cú, như một ân tình để kết nối chủ quyền biển đảo với đất liền của Tổ quốc.

Còn nhớ hôm nhà báo Lê Trọng Lập, Tổng Biên tập Báo Hà Giang đưa chúng tôi vào thăm Huyện uỷ Mèo Vạc, được các anh lãnh đạo huyện mời cơm thân mật với nhiều món ăn đặc biệt. Ngồi cùng bàn có Thanh Ngọc, cán bộ của huyện, em vừa gắp thức ăn vừa giới thiệu cho chúng tôi cách ăn món mèn mén được đồ từ bột ngô, loại lương thực chính của người Mông và các món lòng lợn hầm, măng đắng...Khi chia tay, Thanh Ngọc nói nếu nán lại vài hôm các anh chị sẽ được dự phiên chợ tình Khau Vai. Hoặc nếu lên đây vào khoảng tháng 10 sẽ bắt gặp bạt ngàn hoa Tam giác mạch trên những ngọn núi đá rất đẹp. Thế đấy, nơi cao nguyên này, đá vẫn nở hoa và cuộc sống vẫn mãi sinh sôi.

Bây giờ khi đã xa Hà Giang rồi, chúng tôi lại thầm hẹn ước có ngày trở lại Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi đầy ắp những giá trị di sản tự nhiên và di sản văn hoá của nhân loại đang được gìn giữ, bảo tồn, để có dịp hiểu thêm về mảnh đất và con người nơi địa đầu của đất nước mến yêu./.

MINH TỨ (Báo Quảng Trị)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đổi mới căn bản, toàn diện của ngành Giáo dục thành phố Hà Giang

Xuân 2015- Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), năm 2014, được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cùng với nỗ lực của cán bộ, giáo viên và học sinh, ngành GD-ĐT thành phố Hà Giang đã tạo bước đột phá, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm: Đổi mới công tác quản lý, nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, kiên cố hóa trường lớp học, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, thực hiện tốt các phong trào thi đua theo chủ đề năm học do Bộ GD-ĐT phát động.

08/02/2015
"Phố núi" Xuân về

Xuân 2015- Xuân về mang theo hơi ấm tới miền sơn cước, làm cho thị trấn Mèo Vạc nằm yên bình giữa đại ngàn núi đá tai mèo cũng "cựa mình" đón nắng mai. Về đêm, cả thung lũng được thắp sáng bởi những ánh điện lung linh sắc mầu. "Phố núi" hôm nay tràn đầy sức sống mới, với diện mạo của một đô thị văn minh, hiện đại. 

08/02/2015
Tìm về "Ngày hội văn hóa dân tộc Mông"

Xuân 2015- Bao đời nay, người Mông ở Mèo Vạc vốn nổi tiếng với canh tác trên nương đá cùng nhiều nghề truyền thống như dệt, đan lát, làm đồ gỗ, kỹ thuật rèn đúc...  Trải qua thăng trầm cùng thời gian, người Mông vẫn giữ cho mình bản sắc văn hóa riêng vốn có. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, huyện Mèo Vạc đang chuẩn bị tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ nhất, hứa hẹn nhiều trải nghiệm thú vị đang chờ đợi du khách. 

08/02/2015
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ Cái duyên với mảnh đất tột Bắc

Xuân 2015- Nói đến tác giả của những bài hát nổi tiếng như: Tiếng hát giữa rừng Pác Pó, Xa khơi... mang đậm chất trữ tình văn hóa truyền thống dân tộc, làm say đắm triệu triệu con tim, với tình cảm yêu quý kính trọng là tôi nói về Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ - Người con của xứ Nghệ, mảnh đất "Địa linh nhân kiệt".

07/02/2015