Gặp nhà giáo ăn Tết vùng cao
Xuân 2015- Mỗi khi Tết đến, Xuân về, tấm lòng người dân Việt Nam dù đi xa đến đâu đều hướng về quê hương với những tình cảm trân trọng nhất và mong sớm được trở về đoàn tụ với gia đình.
Thực tế không phải ai cũng có may mắn như vậy. Có dịp đến Trường Tiểu học xã Nậm Ban (Mèo Vạc) vào những ngày cuối năm 2014 với cái rét như cắt da, cắt thịt làm nao lòng những người con xa xứ. Mặc dù năm nay, Tết đến muộn hơn là do năm nhuận nhưng đối với các đơn vị trường học ở vùng cao thì đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nghỉ Tết rồi, vì thường học sớm hơn ở dưới xuôi gần một tháng. Về vấn đề giáo viên ở lại ăn Tết, thầy Trịnh Thanh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có gia đình thầy giáo Ma Nhân Đa, quê ở huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) là người có “thâm niên” 7 năm ở lại ăn Tết tại vùng cao Mèo Vạc.
Gắn bó với vùng cao nguyên đá từ năm 1994, khi đó đời sống của nhân dân còn khó khăn lắm, đường sá không thuận lợi, ô tô, xe máy ít nên các thầy, cô chủ yếu đi bộ. Đến nay, thầy Đa cũng đã có thâm niên 20 năm tuổi nghề và trải qua công tác tại ba đơn vị trường học. Khi tôi hỏi: Lý do nào mà thầy có 7 năm ở lại ăn Tết ở vùng cao như vậy. Thầy tâm sự: “Ai mà chẳng muốn về quê ăn Tết hả em, nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Gia đình mình ở quê cũng thuộc loại khó khăn, bố liệt sĩ, mẹ ở với anh chị. Gia đình đông anh em và đều làm ruộng cả. Năm 2007, lương tháng của hai vợ chồng chỉ có 3 triệu đồng nên về quê ăn Tết cũng không đủ trang trải mua sắm. Ở lại còn tiết kiệm được ít tiền nuôi các cháu ăn học. Mình ăn Tết ở đây vẫn còn vui hơn so với các giáo viên công tác tại các xã Cán Chu Phìn, Lũng Pù. Vì bà con ăn Tết sớm theo phong tục địa phương nên đến Tết nguyên đán thì đi làm nương hết, buồn lắm chẳng biết tâm sự với ai”. Có lẽ, mỗi năm ở lại Mèo Vạc ăn Tết gần như là một sự trải nghiệm thú vị với thầy Đa, càng làm cho thầy hiểu và gắn bó với đồng bào nơi đây hơn. Ấn tượng nhất với thầy chính là những năm 2007 và 2008, ở điểm trường Nà Tàn chỉ có mỗi gia đình thầy ở lại ăn Tết. Lúc đó, không có ti vi, vợ con đều buồn lắm, nhớ nhà, thấy hơi tủi thân nhưng bù lại bà con trong thôn cũng đến hỏi thăm. Mỗi khi mổ lợn ăn Tết đều mời đến và bà con rất quý mến thầy, cô, coi như người thân trong gia đình vậy.
Những năm sau chuyển đến dạy ở điểm trường chính thì có nhiều giáo viên ở lại ăn Tết hơn và lãnh đạo xã cũng đến chúc Tết, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao đón Xuân nên đỡ nhớ quê hơn. Cứ như vậy, bây giờ ở lại ăn Tết vùng cao đối với thầy Đa trở thành quen rồi. Được biết, ngoài gia đình thầy Đa thì trong những năm vừa qua ở Trường Tiểu học xã Nậm Ban cũng có nhiều giáo viên ở lại ăn Tết, như: Thầy Hoàng Đức Thịnh, thầy Nguyễn Phú Huy, thầy Trần Văn Hiến, thầy Nguyễn Ngọc Anh,... nhưng thường chỉ ở lại một năm vì con cái nhỏ mới sinh, ngại đi đường xa hoặc phải trực Tết mới ở lại. Thầy Trịnh Thanh Sơn, Hiệu trưởng cho biết thêm: “Nhà trường có 36 giáo viên, hầu hết là từ dưới xuôi lên công tác, chỉ có 2 giáo viên là người địa phương. Tất cả giáo viên đều ở nhà tập thể chứ chưa ai có nhà riêng. Vì vậy, mỗi năm có giáo viên ở lại ăn Tết, nhà trường đều hỗ trợ mỗi gia đình từ 500.000 đến 1 triệu đồng tiền quà Tết. Hiện nay, gia đình thầy Đa có hoàn cảnh khó khăn nhất nên nhà trường cũng thường xuyên động viên, tạo điều kiện cho vay vốn để chăn nuôi gia súc phát triển kinh tế gia đình”. Trong mấy năm trở lại đây, lương của giáo viên cao hơn trước rất nhiều nên mọi người có điều kiện về quê ăn Tết hơn, thường thì những gia đình có quê ở các tỉnh xa như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... thì mới ở lại để cố gắng dành dụm thêm ít tiền nuôi con cái ăn học hoặc mua đất làm nhà định cư lâu dài ở Mèo Vạc. Có thầy, cô tâm sự, mỗi lần về Tết cũng trăn trở lắm vì ngoài đồng lương thì chẳng có khoản thu nhập nào khác. Về quê phải lo đủ thứ, khi trở lại trường ai cũng kêu hết tiền và băn khoăn vì chưa có lương tháng tới. Bên cạnh đó, các giáo viên ở các xã núi đá có đông đồng bào Mông sinh sống cũng thường rất lo sau mỗi đợt nghỉ Tết vì các em học sinh hay nghỉ học giúp đỡ bố mẹ làm nương, một số em nữ học THPT thì nghỉ học lấy chồng nên công tác vận động đi học gặp nhiều khó khăn. Bước sang năm mới, các thầy, cô chỉ biết mong sao cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khá hơn, cái đói nghèo dần lùi xa để họ có điều kiện quan tâm đến việc học tập của con em mình, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của huyện Mèo Vạc phát triển hơn.
Rời Nậm Ban, khi một cái Tết nữa đang đến gần, cầu chúc cho gia đình thầy giáo Đa và các giáo viên khác ở lại ăn Tết, đón một mùa Xuân mới đầm ấm, hạnh phúc ở vùng cao Mèo Vạc và mong sao những ước mơ của họ sẽ trở thành hiện thực trong năm mới,...
QUỲNH LƯU
Ý kiến bạn đọc