Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dại
BHG- Ngày 7.5, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn số 1466/UBND-KTN về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dại. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện một số nội dung: Đối với UBND các huyện, thành phố phát động tháng cao điểm phòng, chống bệnh Dại, bắt đầu từ 10.5.2018 với nội dung trọng tâm là quản lý đàn chó nuôi và tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho đàn chó; Tổ chức thực hiện quản lý đàn cho nuôi theo quy định gồm (rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư và số chó nuôi trong từng chủ hộ gia đình để quản lý, đồng thời hỗ trợ cho công tác tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho đàn chó nuôi; yêu cầu các hộ nuôi chó ký cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình, thực hiện xích, nhốt, rọ mõm cho chó nuôi theo đúng quy định để ngăn ngừa, giảm thiểu các trường hợp chó cắn người, giảm thiểu nguy cơ chó nhà bị chó Dại tấn công); Tổ chức tiêm phòng triệt để vắc xin Dại cho đàn chó; Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại, biện pháp phòng, chống và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó với cộng đồng và “cộng đồng chung tay phòng, chống bệnh Dại”; Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin Dại được quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017 của Chính phủ… Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cung ứng kịp thời, đầy đủ vật tư, vắc xin tiêm phòng bệnh Dại theo đăng ký của các huyện, thành phố đảm bảo chất lượng; Thành lập Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn các huyện, thành phố trong tháng 5.2018… Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở Y tế phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ca bệnh Dại ở người, đảm bảo cung cấp vắc xin và huyết thanh kháng dại đủ về số lượng và chất lượng cho các điểm tiêm chủng; quản lý và tổ chức tốt việc tiêm phòng vắc xin phòng dại đảm bảo an toàn tính mạng cho người bị chó, mèo cắn. Các cơ quan thông tin và tuyên truyền phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về bệnh Dại ở người và động vật trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao trách nhiệm phòng, chống bệnh Dại của các cấp, các nghành; đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực trọng điểm về du lịch, vùng có nguy cơ cao về bệnh Dại; phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức biểu dương các điển hình tiên tiến, kịp thời phát hiện, phê bình các địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân có thái độ chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bệnh Dại…
PHAN MẠNH
Ý kiến bạn đọc