Quốc hội dành 2 ngày thảo luận về tình hình phát triển KT-XH
BHG - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, ngày 27.10 Quốc hội thảo luận tập trung tại hội trường kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có kế hoạch Tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý). Phiên thảo luận về tình hình KT-XH sẽ kéo dài 2 ngày và được phát thanh - truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội để nhân dân và cử tri theo dõi.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thông tin, các nội dung nêu trên đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, có 205 lượt ý kiến phát biểu về KT-XH, 83 lượt ý kiến về ngân sách và 33 lượt ý kiến về tổng kết Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Các nghị quyết, thảo luận đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp gửi các đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị. Trong đó, tập trung vào các vấn đề thách thức cần phải vượt qua, các bất cập, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về KT-XH và ngân sách; cho ý kiến về các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình phục hồi, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực khác; vướng mắc trong mua sắm công, thuốc, vật tư y tế…
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang dự phiên thảo luận về tình hình KT-XH |
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Hà Nội) đề nghị tăng cường nguồn lực để nền kinh tế giữ vững thị trường trong nước; khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cần chuẩn bị sẵn các phương án hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, không đặt mục tiêu thu ngân sách quá cao để có dư địa thực hiện các chính sách tài khóa, cần chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển. Cùng với đó, cần tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang để hạn chế nợ công, hạn chế khởi công mới, dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong đó có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là đường sắt, vận tải biển, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH Hà Nam) nhấn mạnh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 có sự nỗ lực của Quốc hội đã cùng với Chính phủ đưa ra những giải pháp kịp thời, linh hoạt. Ngoài những kết quả đạt được, đại biểu còn đề cập đến vấn đề cải cách thể chế, khắc phụ tình trạng sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ công chức…
Đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn ĐBQH Sơn La) nhấn mạnh: Cử tri và Nhân dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi rất vui mừng, rất kỳ vọng về 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia được ban hành. Tuy nhiên, hiện nay 3 chương trình triển khai rất chậm. Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển của 3 chương trình đến hết tháng 9.2022 ở mức rất thấp, chiếm 2,86 %. Đến nay, vẫn còn thiếu nhiều văn bản của bộ, ngành để hướng dẫn địa phương thực hiện. Trước thực tế trên, đại biểu cho rằng, cần có lời giải thích rõ ràng, thỏa đáng hơn, rõ trách nhiệm hơn và có những giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn, lời động viên cụ thể đến đồng bào, cử tri về sự chậm trễ nêu trên và kịp thời chia sẻ sâu sắc với những khó khăn của đồng bào.
Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn ĐBQH Khánh Hòa) cho rằng, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã tạo hành lang pháp lý để Chính phủ ban hành nhiều chính sách triển khai thực hiện. Với hàng loạt chính sách “tổng lực” từ Quốc hội và Chính phủ, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH bước đầu đã giúp doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh phục hồi tích cực hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đó, góp phần quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, phức tạp, nguy cơ lạm phát gia tăng ở một số quốc gia nền kinh tế lớn của thế giới. Thể hiện rõ nhất là các gói hỗ trợ giảm thuế như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt... đã tác động nhất định kiềm chế lạm phát; đóng góp vào con số tăng trưởng dự kiến đạt 8% vào cuối năm 2022.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận một số chương trình hỗ trợ như gói hỗ trợ lãi suất 2%, gói hỗ trợ nhà ở hiện vẫn đang triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân thấp. Tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia... cũng chưa như kỳ vọng, với tỷ lệ đạt thấp. Việc lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước không sát thực tế cũng là vấn đề cần quan tâm, cải thiện để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành tài khóa quốc gia trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối mặt với những thay đổi bất thường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, song theo tôi, điều kiện thực hiện chính sách còn nhiều bất cập; doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã khó đáp ứng được các điều kiện cho vay lãi suất 2%; các thủ tục hành chính còn rất rườm rà, phức tạp, làm giảm hiệu quả của chính sách… là những vấn đề cần quan tâm và có giải pháp điều chỉnh kịp thời để nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, ổn định trong thời gian tới.
Ngày mai, 28.10, Đoàn ĐBQH Hà Giang sẽ thảo luận một số vấn đề vào kết quả phát triển KT-XH năm 2022 và phương hướng phát triển KT-XH năm 2023.
Báo Hà Giang điện tử sẽ tiếp tục thông tin nội dung chương trình Kỳ họp thứ 4 tới độc giả.
Duy Tuấn (tổng hợp), ảnh: CTV
Ý kiến bạn đọc