Đoàn ĐBQH Hà Giang thảo luận về các dự thảo nghị quyết: Thí điểm cơ chế đặc thù đối với TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lắk) và cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá.

16:17, 26/10/2022

BHG - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 26.10, Quốc hội chia tổ thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù đối với thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tại tổ 3 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Ninh Thuận, Gia Lai, Bắc Kạn. Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang, Tổ trưởng tổ 3 chủ trì thảo luận.

 
 
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh chủ trì thảo luận tại tổ 3
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh chủ trì thảo luận tại tổ 3

Tham gia thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng, trong tất cả các chính sách đặc thù mà Quốc hội đã thông qua có 8 tỉnh, thành phố là cấp tỉnh, còn thành phố Buôn Ma Thuột là cấp huyện đầu tiên. Tuy nhiên, việc thiết kế chính sách nghề cho thành phố Buôn Ma Thuột như mục tiêu Kết luận 67 của Bộ Chính trị chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu. Với vị trí địa chính trị quan trọng của thành phố Buôn Ma Thuột, mục tiêu hướng tới sẽ trở thành thành phố động lực thúc đẩy cho cả khu vực phát triển. Tuy nhiên, với 6 chính sách đưa ra có lẽ là chưa đủ để cho Buôn Ma Thuột đảm đương được vai trò của mình. Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về các chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột để khi triển khai có thể đi vào thực tiễn ngay và phát huy hiệu quả.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh tham gia ý kiến thảo luận tại tổ
Đại biểu Phạm Thúy Chinh tham gia ý kiến thảo luận tại tổ

Thảo luận vào dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Phạm Thúy Chinh, Tráng A Dương, Vương Thị Hương nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết. Đồng thời cho rằng điều này sẽ đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của một bộ phận không nhỏ người mua xe ô tô muốn sở hữu biển số theo mong muốn cá nhân. Thông qua việc tổ chức đấu giá biển số xe ô tô cũng sẽ giúp khai thác kho số một cách hiệu quả hơn, tăng thu cho ngân sách Nhà nước và đặc biệt là góp phần nâng cao hiệu quả quản lý phương tiện giao thông đường bộ, công khai, minh bạch trong cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô.

Đại biểu Tráng A Dương thảo luận tại tổ
Đại biểu Tráng A Dương thảo luận tại tổ

Đại biểu Vương Thị Hương nhất trí phạm vi thí điểm thực hiện trên cả nước, vì chỉ có một hình thức đấu giá là trực tuyến quy định trong dự thảo nghị quyết nên không hạn chế phạm vi và không hạn chế nhu cầu được đăng ký tham gia đấu giá của người dân tại tất cả các địa phương. Về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, đại biểu đồng tình với phương án chỉ lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để đấu giá biển số bằng hình thức trực tuyến, không lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản cho từng đợt đấu giá. Tuy nhiên cơ quan soạn thảo cần làm rõ cơ sở, hình thức nào để lựa chọn ra một đơn vị, tổ chức đấu giá; đặc biệt là làm rõ các điều kiện, tiêu chí lựa chọn và công khai, minh bạch để kiểm soát, hạn chế rủi ro dẫn đến tiêu cực.

Tại Khoản 2, Điều 1 dự thảo nghị quyết quy định đối tượng áp dụng: “Nghị quyết này áp dụng đối với cơ quan được Bộ Công an giao tổ chức đấu giá”. Tổ chức đấu giá là một trong những đối tượng áp dụng của nghị quyết, tuy nhiên trong dự thảo chưa quy định về trách nhiệm của tổ chức đấu giá. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của tổ chức đấu giá, đồng thời nghiên cứu quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ, ngành liên quan trong hoạt động đấu giá.

Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận tại tổ
Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận tại tổ

Trong điều 5 dự thảo nghị quyết quy định về giá khởi điểm với 2 phương án vùng 1 và vùng 2 lần lượt là 40 triệu đồng và 20 triệu đồng. Để tạo điều kiện công bằng cho người dân được tiếp cận, tham gia đấu giá biển số, khai thác kho số và đáp ứng nguyện vọng của người dân trong sở hữu biển số, cũng như công khai, minh bạch trong hoạt động này, đề nghị ban soạn thảo chỉ quy định một mức giá khởi điểm chung áp dụng trên phạm vi cả nước và nghiên cứu mức giá không quá cao bởi nếu mức giá khởi điểm cao quá chưa chắc đã đạt được mục tiêu thu hút người tham gia. Theo đại biểu, trong điều 6 dự thảo nghị quyết có khái niệm “nhiều người”, cần làm rõ “nhiều người” là bao nhiêu, “từ 2 người trở lên” hay như thế nào?

Đại biểu Tráng A Dương cho rằng, cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ quy định về quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho, tặng, thừa kế biển số đấu giá theo xe tại Điều 4. Đề nghị bổ sung thêm vào điều 7 về điều khoản thi hành trong trường hợp không quy định trong nghị quyết này thì ngoài áp dụng các quy định của Luật Đấu giá, Luật Giao thông đường bộ còn áp dụng theo Luật Quản lý và sử dụng tài sản công bởi dự thảo đã nêu rõ biển số xe ô tô là tài sản công…

Nói về phạm vi đấu giá biển số xe ô tô, quan điểm của đại biểu Phạm Thúy Chinh là nên lựa chọn một số địa phương nhất định để rút kinh nghiệm và điều chỉnh các quy định của pháp luật để việc đấu giá biển số xe ô tô được triển khai rộng rãi, thường xuyên. Có thể thu hẹp thí điểm ở Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và một số địa phương đặc thù, sau đó sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, theo đại biểu Phạm Thúy Chinh, trong 2 mức giá khởi điểm cho 2 khu vực 1 và 2 đang đưa ra trong dự thảo, việc xác định giá khởi điểm cũng chưa nêu được căn cứ xác đáng. Theo đại biểu, cần tham khảo thêm ở một số quốc gia khác trên thế giới. Đại biểu cho rằng chỉ nên có 1 mức giá khởi điểm và xây dựng theo hướng phù hợp cho tất cả mọi người dân đều được tham gia. Đồng thời cần quy định cụ thể về thu thuế VAT và quy định chi tiết về cách thức tổ chức đấu giá. Quốc hội nghiên cứu xem xét thời điểm áp dụng đối với Nghị quyết này nên từ tháng 7 năm 2023, như vậy Chính phủ mới chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết khác để triển khai.

Duy Tuấn (tổng hợp), ảnh: CTV


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng làm việc với BTV Thành ủy Hà Giang
BHG - Sáng 26.10, Đoàn công tác của BTV Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì đã có buổi làm việc với BTV Thành ủy Hà Giang, để kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 10.5.2021 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 (Nghị quyết 07). Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Vàng Seo Cón, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.
26/10/2022
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra tiến độ Dự án Cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang – Xín Mần
BHG - Chiều 26.10, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra và làm việc với các sở, ngành liên quan về tiến độ Dự án Cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang – Xín Mần (ĐT.177), đoạn km0 – km55 (giai đoạn 1). Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ngành và huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì.
26/10/2022
Đoàn ĐBQH Hà Giang thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)
BHG - Sáng 25.10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận tập trung tại hội trường về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã tham gia một số ý kiến vào dự thảo luật này.
25/10/2022
Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)
BHG - Chiều 24.10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tại tổ 3 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Ninh Thuận, Gia Lai, Bắc Kạn; đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã tham gia một số ý kiến vào dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
24/10/2022