Họp Ban chỉ đạo Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
BHG - Chiều 19.7, Ban chỉ đạo Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo) họp phiên thứ nhất xem xét ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ và chương trình công tác trọng tâm năm 2022. Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Tham dự có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Hoàng Đình Phới, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo; Vàng Seo Cón, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Minh Tiến, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Trần Quang Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Phan Huy Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh; Lại Tiến Giang, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu kết luận cuộc họp |
Toàn cảnh phiên họp. |
Dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo gồm 5 Chương, 15 Điều quy định cụ thể phạm vi, đối tượng áp dụng; nguyên tắc làm việc; trách nhiệm và quyền hạn; chế độ làm việc và quan hệ công tác; việc tổ chức thực hiện của các thành viên và Thường trực Ban chỉ đạo. Dự thảo Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ đạo quy định về nhiệm vụ thực hiện, công tác thông tin, báo cáo, theo dõi các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và các sở, ban, ngành, đoàn thể của từng thành viên Ban chỉ đạo. Dự thảo chương trình công tác trọng tâm của Ban chỉ đạo năm 2022 xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và 16 nhiệm vụ cụ thể với từng nội dung công việc, giao nhiệm vụ đối với từng thành viên Ban chỉ đạo.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn thảo luận về Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo |
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hoàng Đình Phới, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo trình bày dự thảo Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo |
Thảo luận về các dự thảo thông qua tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo cần vừa ngắn gọn nhưng vẫn cụ thể hóa theo đúng các quy định của T.Ư với điều kiện của cấp tỉnh. Nhiều ý kiến góp ý về nhiệm vụ, trách nhiệm trong phối hợp tiếp nhận, thụ lý, giải quyết các vụ án về tham nhũng, tiêu cực theo quy định; làm rõ quy trình đưa vụ án về tham nhũng, tiêu cực vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; quy định về việc thông tin, báo cáo tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án tham nhũng, tiêu cực; nhiệm vụ tuyên truyền, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; xây dựng hòm thư, đường dây nóng tiếp nhận tin báo tố giác hành vi, dấu hiện tham nhũng, tiêu cực; với nhiệm vụ từ nay đến cuối năm tập trung giải quyết dứt điểm một số vụ án trọng điểm...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Trưởng Ban chỉ đạo biểu dương cơ quan thường trực trong công tác chuẩn bị, xây dựng dự thảo quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, chương trình công tác của Ban chỉ đạo. Đồng chí khẳng định T.Ư đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống TN, TC và vai trò của Ban chỉ đạo cấp tỉnh; việc phòng, chống TN, TC nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của BTV Tỉnh ủy.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Trần Quang Minh cho rằng cần quan tâm nêu rõ nhiệm vụ tuyên truyền, giám sát phòng, ngừa tham nhũng |
Giám đốc Công an tỉnh Phan Huy Ngọc thảo luận về quy định phối hợp giữa các cơ quan trong tiếp nhận, xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí |
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống TN, TC phải thực hiện đúng quan điểm nói đi đôi với làm và làm hiệu quả; phát huy tính gương mẫu, quyết liệt, vai trò của người đứng đầu; tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi TN, TC; xác định phòng ngừa là chính, cơ bản lâu dài, xử lý là cấp bách theo đúng quan điểm của T.Ư: Không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng và không cần tham nhũng; lấy giáo dục, răn đe, phòng, ngừa làm chính nhưng vẫn khuyến khích cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tìm ra những giải pháp kết hợp hiệu quả giữa phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đặng Bình Giang nêu ý kiến cần xây dựng Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo chi tiết để dễ thực hiện |
Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh Thân Quốc Hùng tham gia thảo luận |
Đồng chí Đặng Quốc Khánh cho rằng, với điều kiện thực tiễn của tỉnh, nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo cần tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, nổi cộm, dễ phát sinh TN, TC như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các kết luận sau thanh tra, quản lý bảo vệ rừng, việc sử dụng kinh phí các chương trình, chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia… Trong thời gian tới, cơ quan thường trực nghiên cứu tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra thực tế ở cơ sở, đưa vào quy chế làm việc và chương trình, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban chỉ đạo; các cơ quan tố tụng có nhiều giải pháp không để cán bộ phòng, chống tham nhũng lợi dụng vi phạm, tăng cường kiểm tra theo ngành dọc; phát huy vai trò của cơ quan MTTQ và thông tin, tuyên truyền trong phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống TN, TC…
Tin, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc