Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại Yên Minh
BHG - Ngày 28.4, Đoàn giám sát số 1 HĐND tỉnh do đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn thực hiện giám sát việc điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp và 3 loại rừng giai đoạn 2016 – 2025 trên địa bàn huyện Yên Minh. Cùng đi có lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh; Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Yên Minh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn phát biểu kết luận buổi làm việc |
Sau khi kiểm tra, giám sát thực tế công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, quản lý, bảo vệ rừng tại xã Đường Thượng và Lũng Hồ. Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã làm việc với lãnh đạo huyện Yên Minh về kết quả thực hiện điều chỉnh đất lâm nghiệp và 3 loại rừng trên địa bàn huyện. Theo báo cáo của huyện, thực hiện điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp và 3 loại rừng giai đoạn 2016 – 2025, tổng diện tích tự nhiên của huyện Yên Minh hiện có 77.520,9 ha; diện đất lâm nghiệp 52.307,09ha. Trong đó, đất rừng đặc dụng 2.982,79ha; rừng phòng hộ 33.525,65ha; rừng sản xuất 15.798,65ha. Trong đó đất có rừng 31.190,21ha (rừng tự nhiên 24.327,98ha, rừng trồng 6.862,23ha); đất chưa có rừng 21.116,88ha. Tổng diện tích tăng, giảm so với quy hoạch 1.376,17ha. Giai đoạn 2018 – 2021 huyện trồng mới được 258,5ha rừng phòng hộ. Tỷ lệ che phủ rừng của huyện đến hết năm 2021 đạt 39,8%.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Phạm Thị Hồng Yên yêu cầu huyện làm rõ một số vấn đề |
Bí thư Huyện ủy Yên Minh Ngô Xuân Nam báo cáo công tác lãnh đạo chỉ đạo của huyện trong công tác quản lý, bảo vệ rừng |
Đến nay, Yên Minh đã thực hiện cắm 89 mốc và 11 bảng tại 18 xã, thị trấn bao trùm toàn bộ diện tích rừng và đất quy hoạch 3 loại rừng. Trong 52.307,09ha đất lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng đặc dụng Du Già là chủ rừng chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng đặc dụng; Ban quản lý rừng phòng hộ huyện là chủ rừng và quản lý, bảo vệ trên 5.642ha rừng phòng hộ, còn lại do UBND cấp xã quản lý. Từ năm 2016 đến nay, huyện có 3 dự án trồng rừng thay thế với tổng diện tích 12,91ha; phát hiện, xử lý 68 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, tổ chức và cá nhân trên địa bàn chưa được thực hiện…
Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát việc quản lý, bảo vệ rừng tại xã Đường Thượng |
Qua kiểm tra, làm việc, các thành viên Đoàn giám sát chỉ rõ những tiềm năng, lợi thế phát triển lâm nghiệp của huyện so với các huyện vùng cao nguyên đá và những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời yêu cầu huyện làm rõ nhiều vấn đề như: Số gia đình có đất nông nghiệp nằm đan xen trong diện tích đất có rừng; việc vi phạm quy định về việc xâm lấn đất rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn; công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân; khó khăn, vướng mắc trong phân cấp quản lý 3 loại rừng; việc ban hành các văn bản rà soát, thống kê hiện trạng thay đổi đất lâm nghiệp và 3 loại rừng hàng năm; diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp và 3 loại rừng nằm trong đề xuất điều chỉnh quy hoạch để thu hút các dự án đầu tư; việc đưa các chế tài về quản lý, bảo vệ rừng vào quy ước, hương ước thôn, xóm để nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng ở cơ sở; số liệu trồng rừng thay thế; số liệu diện tích các loại rừng giảm; các vi phạm liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp; việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; công tác công bố quy hoạch 3 loại rừng của các địa phương…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn thăm hỏi người dân xã Đường Thượng về công tác chăm sóc, bảo vệ rừng |
Đoàn giám sát xem bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã Đường Thượng |
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn đề nghị huyện Yên Minh tiếp thu ý kiến của thành viên Đoàn giám sát; cập nhật, bổ sung vào báo cáo đầy đủ số liệu và những bất cập, tồn tại cũng như đề xuất, kiến nghị tới với T.Ư và tỉnh các giải pháp khắc phục trong triển khai thực tiễn ở cơ sở.
Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn yêu cầu huyện cần làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là việc xen canh của người dân vào đất có rừng. Quan tâm tăng cường quản lý 3 loại rừng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa nội dung bảo vệ rừng vào quy ước, hương ước để quản lý; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quản lý, bảo vệ rừng; rà soát lại toàn bộ diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng, phân tách rõ từng diện tích; đảm bảo trồng đủ diện tích trồng rừng thay thế; đẩy nhanh tiến độ đo, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, gia đình; quan tâm công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo đúng chính sách, đúng đối tượng; tăng cường bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác nông nghiệp, địa chính ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực đất, rừng, trồng rừng trên địa bàn…
Tin, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc