Những người cha nuôi trên Cao nguyên đá
BHG - Trên Cao nguyên đá, nơi khởi nguồn Đề án đặc biệt “Con nuôi Công an xã” đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm bao cuộc đời trẻ em kém may mắn. Không chỉ mang đến sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần, mô hình còn tạo dựng một mái nhà tràn đầy yêu thương và trách nhiệm, định hướng đúng đắn, tạo điểm tựa cho các em mồ côi được học tập, rèn luyện, trưởng thành để vững bước trên hành trình hướng tới một tương lai tươi sáng.
Cao nguyên đá Hà Giang, có 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống còn nghèo, hủ tục còn nhiều, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nhất là khi mùa Đông đến... Cuộc sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn trong mưu sinh. Ở đó, có những đứa trẻ mồ côi đã khó khăn lại chồng chất những khó khăn! Vậy nhưng, trong vòng tay yêu thương của những người cha nuôi đặc biệt, những đứa trẻ ấy đã lớn lên từng ngày, được tiếp tục cắp sách đến trến trường, được nuôi dưỡng để sau này hoa sẽ nở trên đá.
Những con nuôi Công an xã luôn nhận được sự quan tâm đùm bọc của cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an các cấp. |
Từ một mô hình nhỏ tại xã Niêm Sơn (Mèo Vạc) khi những đồng chí Công an xã cảm thương một em nhỏ là Ly Mí Hồng mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải tự mình bươn trải để có được bữa no, bữa đói nên đã nhận nuôi con vào cuối năm 2021, giúp con có cuộc sống tốt hơn, được tiếp tục đến trường, đã lan tỏa ra toàn tỉnh và trở thành Đề án “Con nuôi Công an xã” trong toàn lực lượng Công an Nhân dân, được lãnh đạo Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm. Đến nay, tại tỉnh đã có 59 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Công an xã nhận nuôi dưỡng và chăm sóc bằng sự đóng góp tiền lương của các cán bộ chiến sỹ (CBCS) Công an trên địa bàn và nguồn kêu gọi hỗ trợ của các mạnh thường quân với mục đích, ý nghĩa và tôn chỉ rất rõ ràng.
Ba chị em Mua Thị Lan (9 tuổi), Mua Thị Dua (8 tuổi) và Mua Mí Cớ (6 tuổi) ở xã Đường Thượng (Yên Minh) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ chết vì tự tử bằng lá ngón, bố bị bệnh chết, để lại 3 chị em côi cút từ khi còn rất nhỏ trong căn nhà xiêu vẹo, mùa Đông, gió lùa lạnh buốt! Ông bà nội đã lớn tuổi, chỉ làm nương rẫy, không biết nói tiếng phổ thông. Họ chỉ biết nuôi cháu bằng ngô và phong tục tập quán bao đời của đồng bào dân tộc Mông. Vì điều kiện nuôi dưỡng kém, tụi nhỏ bé hơn so với độ tuổi của mình. Với điều kiện và hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn dù được chính quyền địa phương, quan tâm, hỗ trợ nhưng tương lai của ba chị em vẫn như mây mù dày đặc.
Khi biết được hoàn cảnh đặc biệt của ba đứa trẻ, Đại úy Trương Trọng Dương, Phó trưởng Công an xã Đường Thượng đã báo cáo cấp trên và chính quyền cơ sở, tới gia đình để nhận nuôi 3 cháu, việc này đã tiếp nối, nhân rộng mô hình của Đề án “Con nuôi công an xã” tại Hà Giang. Thủ tục nhận nuôi các bé được thực hiện theo đúng quy định với sự chứng kiến của đại diện thôn, chính quyền xã và lãnh đạo Công an huyện… Các bé đã chính thức trở thành con nuôi của Công an xã Đường Thượng từ năm 2022.
Hai năm qua khi chính thức làm cha nuôi của ba chị em, Đại úy Trương Trọng Dương đã luôn cố gắng để thay bố mẹ tụi nhỏ, lo cho các con của mình có được đời sống tốt nhất. Luôn chăm lo sức khỏe cho các con vì tụi nhỏ sống trong hoàn cảnh thiếu thốn nên bị suy dinh dưỡng… Con đường tới nhà các con không thể đi bằng xe máy, nhưng bố Dương vẫn tranh thủ tới thăm các con vào những ngày cuối tuần hoặc trước khi trở về thành phố thăm gia đình. Ngoài tiền học, tiền ăn bán trú của các con trên trường đã được đóng góp bằng nguồn lương của CBCS Công an huyện thì bố Dương vẫn thường xuyên mua quần áo mới cho các con mỗi dịp lễ tết, để các con có quần áo đẹp mặc như bao đứa trẻ khác. Mỗi ngày, ngoài tới trường được học hành như bao bạn khác, thì Lan, Dua, Cớ lại còn được bố Dương đón về khi mỗi chiều tan trường. Đưa các con về nơi làm việc của bố, chăm sóc các con một chút khi chờ bà tới đón là hình ảnh quen thuộc mỗi ngày ở trụ sở của UBND xã Đường Thượng, góp phần làm nên hình ảnh đẹp về cha nuôi Công an xã, tăng thêm tình cảm cha con.
Bên bếp lửa ấm cúng cùng ông bà nội sau một ngày ở trường, ba đứa trẻ khoe ông bà quần áo mới mà bố Dương vừa mua cho lúc chiều. Niềm hạnh phúc ánh lên trong ánh mắt của người bà vì dù các con của mình không còn nữa, nhưng ba đứa cháu của bà đã được bố nuôi Công an xã chăm sóc chu đáo. Không gian nhỏ, tuy đơn sơ nhưng thực sự ấm cúng, có lẽ cha mẹ tụi nhỏ chắc cũng đang dõi theo và ấm lòng vì các con đã có được những điều tuyệt vời nhất từ những người cha nuôi Công an xã mang lại.
Ngoài tình cảm của các cha nuôi trong Đề án thì tinh thần trách nhiệm của các cấp lãnh đạo Công an tại địa phương cũng luôn quan tâm, thường xuyên tới nhà trường và gia đình để thăm hỏi, nắm bắt tình hình của các trường hợp được nhận nuôi. Để việc thực hiện Đề án được nghiêm túc, thể hiện tinh thần quán triệt của lãnh đạo các cấp từ Bộ Công an, Công an tỉnh, Công an huyện, Ban công tác phụ nữ và các cha nuôi là cam kết mang lại cho các con những điều kiện tốt nhất, sẵn sàng ở bên cạnh giúp đỡ, hỗ trợ khi các con cần, không chỉ trong một thời gian ngắn mà sẽ là cả quá trình các con lớn lên và trưởng thành là một người công dân có ích cho xã hội.
Một Đề án thực sự ý nghĩa mang giá trị nhân văn cao cả, thể hiện tinh thần của lực lượng Công an là mang lại hạnh phúc và bình yên cho Nhân dân. Những điều đẹp đẽ mà những chiến sỹ Công an xã đang làm cho những đứa con nuôi của mình thực sự chạm đến trái tim mọi người. Hình ảnh đẹp về những người cha nuôi trên Cao nguyên đá là minh chứng thêm những bài học của cuộc sống về những điều cho đi là còn mãi.
Bài, ảnh: Nguyễn Lân
Ý kiến bạn đọc