Giá trị trường tồn trong Di sản Hồ Chí Minh để lại cho nhân loại
BHG - Năm 1987, Đại hội đồng UNESCO đã ra Nghị quyết số 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết khẳng định, Người “là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội” và “là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. ảnh: Tư Liệu |
Việc UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần lớn lao, tiếp thêm sức mạnh để cả dân tộc Việt Nam quyết tâm, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thử thách...
Đối với dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, nhà ngoại giao lỗi lạc, là khởi nguồn cho niềm tin tất thắng của cuộc đấu tranh vì ĐLDT và phồn vinh của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh và ĐCSVN đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành những thắng lợi vĩ đại, vẻ vang, tiêu biểu là: Cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc; hai cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân, thống nhất đất nước. Tư tưởng của Người cũng chính là nền tảng để Việt Nam bước vào sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Đối với nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn thân thiết, mẫu mực, thủy chung; là biểu tượng của khát vọng hòa bình, đấu tranh chống áp bức, bất công; là sứ giả của hòa bình, của đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các dân tộc trên thế giới. Người đã truyền cảm hứng, cổ vũ cho các dân tộc bị áp bức, khát khao tự do và đứng lên đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới.
Người còn là “Nhà văn hóa kiệt xuất”, là hiện thân sinh động về việc coi trọng, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tôn trọng sự khác biệt, đa dạng và thúc đẩy sự hiểu biết, đoàn kết. Một số chuyên gia từng nhận xét: “Cả diện mạo của Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải như văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.
Tại lễ kỷ niệm 35 năm (1987-2022) tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết, vào năm 1987, các thành viên của UNESCO mới có 155 nhưng nay đã là 193 thành viên. Ở thời điểm đó, UNESCO đã xét quyết định vinh danh hai lãnh tụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Jawaharlal Nehru với những giá trị trường tồn của di sản hai danh nhân này để lại cho thế giới. Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định và nhấn mạnh, di sản lớn nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ chính là việc Người đã có tầm nhìn đúng đắn về giáo dục đối với toàn dân.
Đặc biệt, nhân Kỷ niệm 35 năm UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” ra đời, trong lời tựa của cuốn sách này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, đây là một việc làm có ý nghĩa nhằm tưởng nhớ và tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Rất hiếm người trở thành một huyền thoại ngay từ lúc còn sống như Chủ tịch Hồ Chí Minh, và khi Bác Hồ đã ra đi, tên tuổi và sự nghiệp của Người trường tồn với non sông đất nước, sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và trong trái tim nhân loại. Người để lại một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, mãi mãi nguyên vẹn những giá trị to lớn mang tính thời đại, một tấm gương đạo đức, phong cách, lối sống sáng ngời”.
Đặng Công Thành (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)
Ý kiến bạn đọc