Bắc Quang xây dựng con người mới, nếp sống mới văn minh
BHG - Với 46 mô hình tiêu biểu trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh đã khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Quang trong việc đưa Chỉ thị 09 của BTV Tỉnh ủy, Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống. Trên cơ sở đó, từng bước xóa bỏ hủ tục, xây dựng con người mới, nếp sống mới văn minh, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc trong đồng bào các dân tộc.
Phụ nữ dân tộc Tày, xã Việt Vinh gìn giữ, phát huy nghề làm cốm truyền thống. |
Cả bố mẹ và con trai út... cùng đăng ký kết hôn trong một ngày. Đây là câu chuyện hy hữu nhưng cũng đầy xúc động của gia đình anh Sin Văn Lâm (sinh năm 1979) và chị Lù Thị Viu (sinh năm 1976), người dân tộc Nùng, thôn Pù Ngọm (xã Quang Minh). Sau gần 3 năm về chung một nhà, gia đình chị Viu đón tin vui khi sinh hạ con gái đầu lòng (năm 1997) và có thêm con trai vào năm 2000. Mặc dù chung sống cùng nhau gần 3 thập kỷ, đã có con dâu, rể và cháu ngoại nhưng tháng 9 vừa qua, anh Lâm, chị Viu mới chính thức trở thành vợ chồng hợp pháp. Chị Viu chia sẻ: Khi còn nhỏ, vì điều kiện kinh tế khó khăn, lại không được học hành, thiếu kiến thức về Luật Hôn nhân và gia đình nên tôi và chồng cứ thế về ở với nhau mà không đăng ký kết hôn, thậm chí khi ấy, chồng tôi còn chưa đủ tuổi kết hôn. Sau khi được nghe tuyên truyền, vận động và cầm trên tay Giấy chứng nhận kết hôn, tôi hiểu, chỉ có đăng ký kết hôn mới được pháp luật công nhận và bảo vệ. Do đó, vợ chồng tôi và vợ chồng con trai út (lấy vợ năm 2019) đã đăng ký kết hôn cùng một ngày.
Chung cảm xúc với gia đình chị Viu, ngày 17.9 vừa qua, 14 cặp vợ chồng khác đồng loạt đăng ký kết hôn. Đây là thành quả từ mô hình xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh tại thôn Pù Ngọm, do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bắc Quang thực hiện. Thông qua việc đăng ký kết hôn tập thể cho các cặp đôi (đã chung sống nhiều năm như vợ chồng) là minh chứng sinh động cho công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bài trừ tảo hôn, xây dựng nếp sống văn minh, thượng tôn pháp luật và được nhân dân đồng tình ủng hộ – chị Lù Thị Hiền, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Pù Ngọm chia sẻ.
Nhảy lửa, nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào Pà Thẻn (xã Tân Lập) được gìn giữ qua nhiều thế hệ. |
Câu chuyện ở Pù Ngọm chỉ là số ít trong rất nhiều kết quả nổi bật được hình thành từ 46 mô hình xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn huyện Bắc Quang. Với sự đa dạng, phong phú về nội dung, 46 mô hình đã, đang tập trung các giải pháp xóa bỏ hủ tục còn tồn tại trong đời sống nhân dân, như: Hủ tục gây ảnh hưởng xấu cho sự phát triển của con người, đời sống xã hội (tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống); nghi lễ rườm rà, gây lãng phí (thách cưới cao, tổ chức đám cưới, đám tang nhiều ngày, giết mổ nhiều gia súc, rải vàng mã xuống đường gây ô nhiễm môi trường). Đồng thời, vận động nhân dân cải tạo, thay đổi các tập quán lạc hậu trong sinh hoạt, lao động sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững... Tiêu biểu có thể kể đến các đơn vị: Công an huyện Bắc Quang vận động nhân dân đưa chuồng trại gia súc ra xa nhà, xây dựng công trình phụ hợp vệ sinh; từng bước xóa bỏ tình trạng tảo hôn gắn với xây dựng nếp sống văn minh vùng đồng bào dân tộc Mông tại xóm Khau Bung, thôn Thíp (xã Vô Điếm); xã Đông Thành xây dựng mô hình xóa bỏ hủ tục xem bói, cúng chữa bệnh khi ốm đau, bệnh tật trong đồng bào Dao, thôn Khuổi Trì; xã Vô Điếm xóa bỏ hủ tục việc tang quá 48 tiếng trong dân tộc Ngạn, Tày (thôn Lâm); xã Đồng Tâm xóa bỏ hủ tục rườm rà trong Lễ cấp sắc của đồng bào Dao (thôn Nậm Tuộc), tổ chức đám ma không mổ nhiều gia súc, gia cầm của dòng họ Giàng (thôn Nhạ); xã Hùng An thực hiện mô hình sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” để bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý, phân loại rác thải, chất thải, vệ sinh môi trường tại các hộ dân...
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, các mô hình trên đang chứng minh hiệu quả trong thực tiễn. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện có trên 280 gia đình có việc tang nhưng không có trường hợp tổ chức đám tang dài ngày. Đặc biệt, tại xã Tiên Kiều, cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo và lựa chọn dân tộc Tày làm điểm trong việc rút ngắn thời gian tổ chức đám tang còn dưới 48 tiếng; cắt giảm số lượng gia súc bị giết mổ. Tương tự, tại xã Liên Hiệp đã có những đám tang rút ngắn thời gian tổ chức chỉ còn 24 tiếng và không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm...
Mặc dù giành được kết quả trên nhưng chỉ trong 9 tháng của năm 2022, toàn huyện vẫn còn 33 trường hợp tảo hôn, mặc dù cấp ủy, chính quyền cơ sở đã chỉ đạo MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đến tuyên truyền, vận động nhưng không đạt kết quả. Thực tế này cũng chỉ rõ: Việc vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh không thể một sớm một chiều, cần thực hiện theo hướng đa dạng, sáng tạo với các giải pháp khoa học, bài bản và kiên trì, phù hợp với đặc điểm, đặc thù của từng địa phương, dân tộc. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân ủng hộ cái mới, tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc