Kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2022)

Tuổi trẻ Hà Giang với “Âm vang Điện Biên”

15:51, 06/05/2022

BHG - Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Giơ - ne - vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương là sự kiện lịch sử vĩ đại, là bản anh hùng ca cách mạng của dân tộc ta. Niềm tự hào ấy đang được tuổi trẻ Hà Giang tiếp bước và phát huy.

Ông Ấu Đức Túc (thứ 2 từ trái sang), tổ 1, phường Ngọc Hà, (thành phố Hà Giang) kể về chiến dịch Điện biên Phủ mà ông trực tiếp tham gia.
Ông Ấu Đức Túc (thứ 2 từ trái sang), tổ 1, phường Ngọc Hà, (thành phố Hà Giang) kể về chiến dịch Điện biên Phủ mà ông trực tiếp tham gia.

Một sáng tháng 5 lịch sử, sân Trường THCS Minh Khai (thành phố Hà Giang) rộn rã, gần 100 tài liệu, hình ảnh tái hiện trận chiến Điện Biên Phủ với chủ đề “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca” và những hình ảnh Hà Giang với chiến thắng Điện Biên Phủ  được Trung tâm Văn hóa tỉnh trưng bày tại trường để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Em Nguyễn Ngọc Mai, lớp 6A4, Trường THCS Minh Khai chia sẻ: “Chúng em đang sống trong một đất nước tự do, độc lập, đó là thành quả cách mạng của thế hệ cha ông. Vì vậy, không bao giờ chúng em được phép lãng quên những hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước. Hôm nay, được xem trực tiếp những tài liệu, hình ảnh về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, em rất xúc động, tự hào. Chúng em sẽ học tập thật tốt, yêu môn học Lịch sử để biết được truyền thống yêu nước của dân tộc ta, để nỗ lực mỗi ngày, đền đáp công lao của thế hệ cha anh đi trước”.

Năm 1953, cuộc chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương bước sang năm thứ 8 và phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự viện trợ của Mỹ. Người Pháp muốn tìm một giải pháp hòa bình nhưng vẫn muốn duy trì quyền lợi của mình ở Đông Dương; vì vậy họ mong muốn tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định để làm cơ sở cho cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh. Để thực hiện kế hoạch này, quân Pháp không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại, xây nhiều công sự, đồn lũy, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương, một “Pháo đài bất khả xâm phạm”.

Học sinh Trường THCS Minh Khai (thành phố Hà Giang) tìm hiểu chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ qua triển lãm ảnh tại trường.
Học sinh Trường THCS Minh Khai (thành phố Hà Giang) tìm hiểu chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ qua triển lãm ảnh tại trường.

Tháng 12.1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự chỉ huy của Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với quyết tâm cao nhất, phương châm tác chiến được chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, Việt Nam đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải qua 3 đợt tiến công vào cứ điểm Điện Biên Phủ với nhiều mất mát, hy sinh; nhưng bằng tài năng chỉ huy quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự quyết tâm, đồng lòng của toàn quân và dân, ngày 7.5.1954, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, có rất nhiều người con ưu tú của Hà Giang đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; hàng nghìn người tham gia du kích, dân công hỏa tuyến. Một trong số những nhân chứng lịch sử ấy là ông Ấu Đức Túc, tổ 1, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang). Năm nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng ông vẫn còn minh mẫn lắm. Ông kể: “Ngày đó, tôi mới hơn 20 tuổi, nhập ngũ và biên chế vào Trung đoàn 516, Đại đoàn 312; tham gia tất cả các trận đánh lớn trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, khó khăn nhiều vô kể. Tháng 12.1953, đơn vị tôi là đơn vị hỏa tuyến, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 25.1.1954, khi tất cả các chiến sỹ trên toàn mặt trận đã sẵn sàng nổ súng thì nhận được lệnh hoãn tiến công, kéo pháo ra. Chuyển từ phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; việc thay đổi phương châm tác chiến thể hiện sự tài giỏi trong tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Được nghe nhân chứng lịch sử Ấu Đức Túc kể về Chiến dịch Điện Biên Phủ, đoàn viên Nguyễn Văn Tú tổ 1, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) xúc động: “Thế hệ trẻ chúng tôi thật may mắn được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, độc lập, tự do hôm nay được đánh đổi bằng xương máu của các thế hệ cha anh đi trước. Chúng tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn để học tập, rèn luyện, bước tiếp truyền thống yếu nước, hào hùng của dân tộc, để xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hoàng Thế Hanh nhấn mạnh: “Việc giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là các sự kiện lịch sử quan trọng như chiến thắng Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, quan trọng được các cấp Đoàn trong tỉnh triển khai mạnh mẽ bằng nhiều hình thức. Qua đó giúp đoàn viên, thanh, thiếu niên, nhi đồng hiểu, nắm rõ lịch sử hào hùng của dân tộc, tích cực tham gia các hoạt động tri ân “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước, nhớ nguồn”. Tuổi trẻ Hà Giang hôm nay luôn xung kích trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, sống có trách nhiệm, khát vọng vươn lên để chiếm lĩnh tri thức, cống hiến tài năng, trí tuệ và sức trẻ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 68 năm trôi qua nhưng âm vang của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn mãi với thời gian và luôn trong tâm thức tuổi trẻ”.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng chí Pany Yathotou, Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào thăm và làm việc tại Hà Giang
BHG - Trong khuôn khổ chuyến sang thăm và làm việc chính thức tại Việt Nam, ngày 29.4, đoàn đại biểu cấp cao nước CHDCND Lào do đồng chí Pany Yathotou, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang. Đón và làm việc với đoàn về phía tỉnh Hà Giang có các đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên
29/04/2022
Những “chiến sĩ” ưu tú trên mặt trận tư tưởng của Đảng
BHG - Một ai đó từng nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Và tại Hội thi Giảng viên lý luận chính trị (LLCT) giỏi cấp tỉnh năm 2022, 13 giảng viên chuyên trách đến từ Trung tâm Chính trị (TTCT) 11 huyện, thành ủy đã tạo nên không khí sinh hoạt chuyên môn sôi nổi, hào hứng, bổ ích, thiết thực, ghi dấu ấn tốt đẹp với Ban giám khảo (BGK) và học viên.
29/04/2022
Sau 3 năm thực hiện Quyết định 1953 của Tỉnh ủy tại Hoàng Su Phì
BHG - Đối với bà con dân tộc thiểu số ở Hoàng Su Phì, được ở trong những ngôi nhà kiên cố vốn là niềm mơ ước cả đời và phong trào xóa nhà tạm cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo được lan tỏa, đã biến những giấc mơ đó thành hiện thực. Phong trào xóa nhà tạm tại huyện Hoàng Su Phì, đã cho thấy hiệu quả của mô hình kết hợp giữa sự vận động của chính quyền, sức dân và nguồn kinh phí xã hội hóa, trong đó người dân là đối tượng được hưởng lợi.
29/04/2022
Đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh
BHG - Vùng đất biên cương Hà Giang - “phên giậu” vững chắc của Tổ quốc có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trải qua thăng trầm lịch sử, những con người nơi đây đã tạo dựng nên các sắc thái văn hóa độc đáo, kết tinh trong các di sản văn hóa (DSVH) vật thể và phi vật thể; kết tinh trong nếp sống, nếp nghĩ, tình cảm, tâm hồn người Hà Giang để tạo nên vùng đất đa sắc màu văn hóa.
28/04/2022