Đánh thức hương chè Nậm An
BHG - Cây chè cổ thụ ở Nậm An ước đã có vài trăm năm tuổi. Người già trong bản Dao Nậm An nhớ đến đời cháu Triệu Chàn Vinh làm chè đã là đời thứ 8, thứ 9 gì đó, thế nhưng cây chè vẫn ra đầy búp, đầy lộc ở khắp trên các đồi, vườn và trong rừng nguyên sinh Phìn Hồ. Và cũng thật vui đến đời cháu Vinh làm chè, cháu nó mới đưa được lộc hái từ cây chè của bản trở thành một loại hàng hóa quý, được cả thế giới công nhận...
Mùa Xuân, những cây chè trên núi Nậm An đua nhau cho búp. |
Tay cầm lấy chiếc dao quắm, tôi buộc lại dây dầy chắc chắn cùng Vinh leo núi Nậm An, xã Tân Thành (Bắc Quang). Vừa đi, Vinh vừa kể: Người Nậm An mấy đời này đều bám theo sườn Đông dãy Tây Côn Lĩnh để an cư, lạc nghiệp. Nằm trên độ cao hàng ngàn mét, những “cụ chè” thân, gốc, cành nhánh sù sì to bằng cả người ôm. Các “cụ chè” thường mọc đan xen giữa đại ngàn rừng nguyên sinh và trên các sườn núi, sườn đồi. Nắng ấm, những “cụ chè” như khoe những cơ bắp cường tráng bằng những đám búp non tua tủa. Ngày này, qua ngày nọ, những đám lá xanh tơ non mơn mởn ấy cứ giỡn đùa theo gió. Ông Phàn Chàn Hin kể rằng: Theo cha xách túi lên núi hái chè từ bé, đến nay ông đã trải qua bao nỗi nhọc nhằn đi đến gần cuối cuộc đời con người mà những “cụ chè” vẫn cứ xanh tốt quan năm. Ông Hin bảo, người Dao mình vốn có một nếp văn hoá yêu cây chè ngấm vào máu thịt; ở trên đất Hà Giang này, hễ chỗ nào, nơi nào có người Dao sinh sống thì ở nơi đó, chỗ đó có cây chè xanh tốt cho búp hái quanh năm. Có nhiều nhận xét cho thấy, người Dao và cây chè nhất là cây chè cổ thụ được ví như cặp song sinh sống nương tựa vào nhau. Người ta nói có lẽ đúng. Nậm An này cũng vậy, cả làng Dao có 45 hộ sinh sống thì có tới 90 ha cây chè mọc lên tươi tốt, tính bình quân cứ mỗi nhà có 2 ha chè. Chính cây chè đã giúp cho cuộc sống của người Dao tuy không giàu có nhưng rất ổn định. Giá bán chè đầu Xuân này đang dao động từ 15 – 25 ngàn đồng/kg chè búp tươi. Cũng nhờ cây chè, người Nậm An có ăn, có mặc, nhờ uống chè mà người Dao có đủ sức khoẻ chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để sinh tồn khoẻ mạnh cho đến ngày nay.
Du khách bên cây chè cổ thụ ở thôn Nậm An. |
Cũng theo già làng Hin: Người Dao trong làng sống thọ, sống khoẻ ngoài ăn, uống, rèn luyện ra còn có thuốc tốt từ cây chè cổ đấy. Cây chè cổ đã sống bao đời trên núi cao hết nắng, lại gió, hết nóng, lại lạnh. Khí hậu, thời tiết khắc nghiệt trên độ cao hàng ngàn mét đã mang lại cho cây chè rất nhiều dưỡng chất quý hiếm. Vì thế làm cách nào đó phải đưa cây chè cổ của làng ra cho mọi người biết, nói cho mọi người hay uống nước cây chè cổ sẽ sống lâu, sống khoẻ. Trăn trở mãi, Triệu Chàn Vinh mới bắt tay vào xây xưởng chế biến chè và thu mua chè búp tươi cho bà con trong làng. Nhưng, làm được chè rồi, bán được chè cổ Nậm An cho khách dùng biết đâu là chè cổ thụ Nậm An cũng chẳng dễ. Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành Quyết Thắng thêm lời: Xã đã phải động viên cháu Vinh nhiều lần và lặn lội cùng để tìm lối đi cho cây chè cổ Nậm An; đến các cơ quan chức năng đem theo chè làm ra của nhà để kiểm tra, đánh giá chất lượng chè Nậm An xem tốt đến mức nào, vừa tìm hiểu chất lượng sản phẩm làm ra, vừa tìm kiếm bạn hàng, khách hành... Cuối cùng, được sự giúp đỡ của tổ chức FAO (Tổ chức Nông lương thế giới có Văn phòng đại diện tại Việt Nam) xác nhận: Chè Nậm An đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ. Con đường tìm thấy và công nhận chè Nậm An đạt tiêu chuẩn chất lượng chè hữu cơ cũng phải lặn lội mất 2 năm (từ năm 2018 – 2020). Đến bây giờ, sản phẩm chè chế biến Vinh Sính, thôn Nậm An, xã Tân Thành dần trở thành thức uống bổ dưỡng của không ít du khách gần, xa tìm về. Kể từ khi chè Nậm An được công nhận chè hữu cơ thì sản phẩm làm ra đến đâu đều bán hết đến đó. Vinh cho biết thêm: Tới đây, cháu sẽ học hỏi, đăng ký lên mạng xã hội để cả thế giới này tìm về quê cháu, tìm sản phẩm chè Nậm An. Tôi thấy mừng cho anh Vinh, mừng làng Nậm An đã cùng nhau dày công chắp cánh cho cây chè quê hương ngày một vươn xa.
Càng lên cao, các “cụ chè” trên dải núi Phìn Hồ, xã Tân Thành như càng có sức sống mãnh liệt hơn. Có rất nhiều “cụ chè” mọc thành quần thể vươn mình dưới tán rừng đua nhau khoe búp tươi non. Một đôi bạn đã chọn những “cụ chè” để chụp ảnh, ghi hình với cây chè cổ thụ. Còn tôi chọn một “cụ chè” và một thiếu nữ tươi tắn của bản bấm một kiểu ảnh làm kỷ niệm khi về Nậm An.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc